Nỗi niềm thợ điện ở đảo

Xa gia đình, xa người thân, cuộc sống của những người thợ điện trên đảo Cát Hải – một trong những huyện đảo ở Đông Bắc của Tổ quốc, quanh năm gắn liền với sóng nước. Gian nan, vất vả nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời xem nhiệm vụ đảm bảo dòng điện thông suốt trên đảo là niềm vui, đồng thời cũng là động lực cho chính mình...

Khi thợ điện trở thành “nghệ sỹ”

Năm 1991, khi lần đầu tiên điện lưới quốc gia vươn khơi “phủ sóng” ra huyện đảo Cát Hải, cũng là lúc những người làm điện tình nguyện rời xa phố phường, bỏ lại sau lưng gia đình, người thân và rất nhiều lưu luyến để ra đảo làm nhiệm vụ. Những cán bộ nhân viên Điện lực Cát Hải ngày ấy mang trong mình rất nhiều ước mơ và hoài bão của những người được giao trọng trách đưa ánh sáng ra đảo xa, tạo động lực cho những đổi thay căn bản của đời sống kinh tế xã hội trên đảo, nên mọi gian nan thử thách với họ bỗng “nhẹ tựa lông hồng”. Tinh thần ấy, ý chí ấy đã “truyền lửa” cho rất nhiều anh em trẻ sau này được cử ra làm nhiệm vụ tại Điện lực Cát Hải. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, những người thợ điện trên đảo vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Trong câu chuyện thân tình, anh Đinh Minh Thiện – Giám đốc Điện lực Cát Hải đã không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng lúc nào cũng tràn đầy niềm vui và lạc quan của những người thợ điện nơi “đầu sóng ngọn gió”. Cả điện lực có gần 60 cán bộ nhân viên, thì chỉ khoảng 10 người là có gia đình vợ con trên đảo, còn đâu đều là tứ xứ quy tụ lại. Chính vì vậy, nhà tập thể của điện lực đã trở thành ngôi nhà chung của tất cả anh em. Cùng ở, cùng ăn và cùng ngủ đúng nghĩa, bởi “nhà tập thể thì chật, mà anh em lại đông, nên chúng tôi đã sáng tạo bằng cách đặt làm mấy chiếc giường lớn để ngủ chung, vừa tiết kiệm diện tích, lại vừa tình cảm...” – anh Thiện cười vui. Cũng chính vì “chung chăn, chung gối, chung giường” như vậy mà anh em, nhất là những nhân viên trẻ mới ra đảo, phần nào vơi đi nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân. Trong “ngôi nhà chung” của tập thể điện lực, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng không bao giờ thiếu lời ca, tiếng hát. “Vui nhất là mỗi dịp sinh nhật của anh em trong cơ quan, tất cả mọi người lại có dịp cùng nhau trổ tài ca hát, ngâm thơ, kể chuyện... Lúc đó, dường như mỗi anh em đều trở thành “nghệ sỹ”, quây quần bên một bàn tiệc đơn sơ với hoa quả, bánh kẹo, hát say sưa, nói cười say sưa như một gia đình thực sự.” – anh Thiện bồi hồi chia sẻ. Cá nhân anh cũng là một “thi sỹ bất đắc dĩ”, đã sáng tác rất nhiều thơ tặng sinh nhật anh em mỗi dịp sinh nhật, cũng như những lúc quá nhớ nhà...

Thợ điện trên đảo là những người luôn phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiệt thòi - Ảnh Đình Hoàng

Tình cảm đoàn kết, gắn bó, đầy yêu thương và trách nhiệm giữa các cán bộ nhân viên cũng chính là nguồn động lực lớn nhất giúp họ vượt qua các khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo dòng điện không bao giờ tắt trên một trong những huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

... gian nan bỗng hóa nhẹ nhàng

Điện lực Cát Hải hiện quản lý 9.200 khách hàng mua điện, với hệ thống lưới điện khá lớn, đặc thù lưới điện rất phức tạp, chủ yếu đi qua đầm, hồ, vừa vượt biển, vừa băng rừng, địa bàn lại chia cắt nên công việc quản lý rất vất vả. Những ngày thường, chỉ để thay một đường dây, sửa chữa một sự cố nhỏ, anh em Điện lực cũng phải đi tàu/thuyền từ đảo nọ sang đảo kia, rồi chuyển tiếp bằng xe máy, thậm chí là đi bộ nếu địa bàn đảo quanh co, đường xấu, trời mưa... Đến được địa bàn có khi trời đã nhá nhem tối, nhiều hôm giá buốt căm căm, nhưng vẫn phải leo cột, căng dây, tranh thủ làm việc để tái cấp điện sớm nhất cho bà con. Nhiều hôm không kịp quay về trụ sở vì đã muộn, đành “tá túc” lại nhà người dân.

Thậm chí, có những lần tàu thuỷ đâm đứt đường dây vượt biển mất điện toàn huyện, Công ty điện lực Hải Phòng, Điện lực Cát Hải vừa phải nhanh chóng vào cuộc cùng lực lượng chức năng truy bắt tàu gây sự cố vừa huy động tối đa nhân lực, vật tư, cảnh báo luồng để gấp gáp khắc phục sự cố đóng điện trở lại. Ai cũng mệt nhưng đều rất vui vì sự cố được phát hiện và xử lý nhanh, không gây xáo trộn cho người dân trên đảo vì mất điện kéo dài.

Tuy nhiên, gian nan nhất vẫn là mùa mưa bão. Là địa bàn “đón gió” nên hầu như cơn bão lớn nhỏ nào cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đảo Cát Hải, Cát Bà. Công việc của anh em điện lực ở đây, vì thế mà cũng gian nan nhọc nhằn gấp 5, gấp 10 lần thợ điện trên đất liền. Anh Thiện kể, kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời là  lần khắc phục sự cố đứt dây cột vượt biển đêm ngày 28/6/2008 đến rạng sáng ngày 29/6/2008. Anh em công nhân đi xuồng về bến thì gặp lốc lớn, lật úp xuồng giữa biển. 10 cán bộ, công nhân chới với chống chọi với cơn cuồng nộ giữa biển trong đêm tối. Nhưng trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, tình cảm anh em đồng nghiệp càng được thể hiện rõ ràng hơn. Mọi người hỗ trợ nhau, thậm chí nhường cả dụng cụ cứu sinh cho nhau, để cùng nhau thoát hiểm. Cũng may không ai chết đuối, không ai bị thương trong sự cố năm ấy...

Rồi những lần sự cố do giông, sét, hoặc cây đổ vào đường dây sau bão, trên địa bàn rừng núi hàng chục km đường dây, các anh phải chia nhiều nhóm đi tìm cả trong đêm tối để khắc phục đóng điện lại cho nhân dân. Có năm bão lớn đổ về đảo Cát Hải ngập trắng nước, phải sơ tán dân, đảo Cát Bà sóng đánh trùm lên phố huyện… Cây đổ ngổn ngang làm những cột, dây điện gãy, đứt, việc khắc phục hậu quả sau bão rất nhiều gian nan.

Anh Tuấn - Đội trưởng Đội quản lý Tổng hợp Cát Bà kể: Với người làm điện ở Cát Hải này, ít có lúc nào được ngơi tay. Gian nan trong mùa mưa bão là vậy nhưng mùa du lịch hè thì lại căng thẳng cao độ vì quá tải điện. Lưới điện trên đảo một phần do đã cũ, khách du lịch lại quá đông nên lượng điện sử dụng những ngày cuối tuần tăng vọt gấp mấy lần ngày thường, các trạm biến áp quá tải cục bộ gây mất điện, anh em chúng tôi phải tập trung cao độ để xử lý. Cứ mỗi khu vực mất điện là anh em phải xử lý bất kể ngày đêm, vì không thể để mất điện trong thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và các hoạt động vui chơi của du khách.

Công việc nhiều là thế, nên hầu hết anh em ở điện lực Cát Hải có rất ít thời gian về thăm gia đình. Niềm vui chính là nhiệm vụ luôn được hoàn thành, nguồn điện luôn được giữ sáng trên đảo. Còn những người thợ, sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, lại quây quầy bên mâm cơm tập thể, lại cùng ăn uống, cùng nhau ngủ trên những chiếc giường tập thể. Lúc buồn tủi hoặc nhớ nhà, họ lại hát cho nhau nghe, hoặc làm thơ về nỗi niềm của “thợ điện trên đảo tiền tiêu”. Để ngày mai, họ lại có sức mạnh hoàn vượt qua mọi gian khó, nhọc nhằn...

Điện lực Cát Hải (Thuộc Công ty Điện lực Hải Phòng):

 - Quản lý 9200 khách hàng mua điện, lưới điện gồm 100,41 km đường dây trung thế, 84,38 km đường dây hạ thế, 44 trạm biến áp phân phối.

- Tổng số cán bộ nhân viên: 60 người

10 năm trở lại đây, kinh tế huyện Cát Hải đã có những bước tiến vượt bậc:

- Tốc độ tăng trưởng bình quân 13,4%/năm, cao gấp 1,22 lần mức bình quân của thành phố Hải Phòng; quy mô kinh tế tăng 3,52 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,38 lần.

- Sự tăng trưởng của nền kinh tế đi liền với sự tăng trưởng của điện, năm 2010 sản lượng điện tiêu thụ toàn huyện đạt 25,58 triệu kWh, đến năm 2014 dự kiến đạt 32,21 triệu kWh (tăng 125% so với năm 2010).

 


  • 03/11/2014 05:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3906


Gửi nhận xét