Ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết: Với địa hình đồi núi cao, nhiều sông suối, dòng chảy có độ dốc lớn, Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển các nhà máy thuỷ điện nhỏ. Năm 2007, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt bản quy hoạch phát triển thuỷ điện, gồm có 24 nhà máy thuỷ điện nhỏ, tổng công suất dự kiến 101,4 MW. Ngoài ra, cơ quan khảo sát còn lập được 23 điểm có tiềm năng xây dựng nhà máy thuỷ điện tiếp tục được nghiên cứu, có thể bổ sung vào quy hoạch.
Để phát triển thuỷ điện, tỉnh kêu gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển thuỷ điện nhỏ. Thế nhưng đến nay, hiệu quả mang lại từ Chương trình phát triển thuỷ điện vẫn chưa được như mong muốn.
Trong số 24 dự án được phê duyệt, triển khai, đến nay chỉ có 2 nhà máy hoàn thành và phát được điện. Đó là Thuỷ điện Bản Rạ, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, công suất 18 MW và Thuỷ điện Bản Hoàng ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, công suất 0,75 MW. Các dự án còn lại, có dự án chỉ mở được con đường, xây một dãy nhà cho công nhân rồi bỏ hoang; có dự án mới thi công được phần chân đập rồi “đắp chiếu” vì hết vốn, nhiều dự án khác doanh nghiệp mới chỉ thi công “trên giấy”.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh Cao Bằng giao cho Sở Công Thương rà soát lại các dự án thuỷ điện nhỏ và báo cáo UBND tỉnh. Qua rà soát, Sở Công Thương đề xuất loại bỏ các dự án hiệu quả đầu tư thấp, gây ngập lụt nhiều, tác hại môi trường lớn và phải di dời quá nhiều dân cư. Các dự án khác cũng được xem xét, tính toán lại công suất cho phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các dự án đang triển khai dang dở cũng được xem xét, hỗ trợ để tiếp tục thi công.
Ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng khẳng định: Thời gian tới, khi cấp phép xây nhà máy thuỷ điện, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ thẩm định kỹ năng lực, vốn của doanh nghiệp, thẩm định kỹ về tác động môi trường theo hướng mỗi MW điện không gây ngập lụt quá 10 ha đất, không di dời quá 1 hộ gia đình.