Ông Hoàng Tiến Dũng
|
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Bộ Công Thương, EVN trong việc đưa lưới điện quốc gia đến với các huyện đảo Cô Tô, Phú Quốc trong thời gian qua?
Ông Hoàng Tiến Dũng: Đưa điện lưới quốc gia đến được các huyện đảo trên là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh có huyện đảo và UBND các huyện đảo. Bộ Công Thương đã chỉ đạo, kiểm tra sát sao việc thực hiện các dự án và giải quyết kịp thời các vướng mắc. EVN và các đơn vị ngành Điện đã rất nỗ lực triển khai các dự án, đưa vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, đáp ứng được mong mỏi của chính quyền và nhân dân các huyện đảo.
PV: Hiện nay các bộ, ngành đang có kế hoạch tiếp tục cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo khác của cả nước. Theo ông, cần những giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu đề ra?
Ông Hoàng Tiến Dũng: Các huyện đảo của Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng về an ninh quốc phòng, chính trị, xã hội nên việc thực hiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân trên các huyện đảo được đặt lên hàng đầu. Việc cung cấp điện đến các huyện đảo là một trong những nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội của các huyện đảo, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Do các huyện đảo nằm trải rộng trên địa bàn 7 tỉnh ven biển dọc từ Bắc vào Nam, cách xa đất liền từ 25 km đến 100 km, điều kiện tự nhiên phức tạp, phụ tải không tập trung nên việc cấp điện rất khó khăn. Bên cạnh phương án cấp điện bằng cáp ngầm, thì các phương án cấp điện bằng các dạng năng lượng tái tạo tại chỗ như điện gió, điện mặt trời… kết hợp nguồn điện diesel cũng đã được nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên, tất cả các phương án này đều có suất đầu tư lớn, kỹ thuật cao, vận hành bảo dưỡng phức tạp, giá thành sản xuất điện cao. Qua các công trình đã thực hiện, có thể thấy rằng, để hoàn thành mục tiêu đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, EVN rất cần nhận đươc sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành cùng sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ tận tình của các địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là cần xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất và kinh doanh điện và cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện từ năng lượng tái tạo tại hải đảo…
PV: Theo ý kiến nhận xét của một số chuyên gia, chúng ta vẫn còn thiếu một quy hoạch tổng thể về cấp điện cho các hải đảo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Tiến Dũng: Năm 2007, EVN và Viện Năng lượng đã được giao nhiệm vụ lập đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển điện lực các huyện đảo Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010, có xét đến năm 2015”. Quy hoạch này đã được Bộ Công Thương phê duyệt (Quyết định số 6952/QĐ-BCT ngày 30/12/2008). Năm 2012, đề án “Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020” do Viện Năng lượng lập cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013.
Ngoài ra Viện Năng lượng cũng đã thực hiện đề án “Quy hoạch phát triển nguồn năng lượng mới quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020”, trong đó cũng đưa ra quy hoạch tổng thể cấp điện cho các huyện đảo bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Các quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh có đảo đều đặt ra mục tiêu và xây dựng phương án cấp điện cho các đảo. Nhiều công trình cấp điện cho đảo đã và đang được triển khai theo các quy hoạch được duyệt.
Như vậy, có thể nói, các quy hoạch tổng thể, chương trình cấp điện cho các hải đảo trong giai đoạn đến năm 2020 đã được nghiên cứu, xây dựng và được các cấp phê duyệt, là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý và triển khai thực hiện tại các đảo. Các huyện đảo chưa thể cấp điện từ lưới điện quốc gia đều đã có quy hoạch phát triển điện lực phù hợp với điều kiện, tiềm năng khai thác năng lượng của từng huyện, trong đó, sẽ phát triển điện gió và điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng.
PV: Ông có những đề xuất gì để góp phần đẩy nhanh tiến độ đưa điện ra các đảo?
Ông Hoàng Tiến Dũng: Thực tiễn cho thấy, ngay cả các dự án phát triển năng lượng tái tạo trên đất liền (điện gió, sinh khối, rác thải, mặt trời) cũng có suất đầu tư cao và cũng cần cơ chế hỗ trợ của Chính phủ. Ngoài ra, dù cơ chế hỗ trợ đã ban hành (điện gió) nhưng cũng chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Với các huyện đảo, điều kiện xây dựng còn khó khăn hơn trên đất liền rất nhiều. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ riêng cho các dự án phát điện từ các dạng năng lượng tái tạo trên đảo với những ưu đãi, hỗ trợ lớn hơn so với các dự án thực hiện trên đất liền.
Các dự án cấp điện cho hải đảo, bên cạnh việc đáp ứng điện năng để phát triển kinh tế xã hội còn có ý nghĩa quan trọng hơn là đảm bảo an ninh quốc phòng, về bản chất cần phải coi là các dự án công ích. Chính phủ có thể xem xét thành lập các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích thực hiện nhiệm vụ này. Các doanh nghiệp công ích được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng điện (công ích). Các doanh nghiệp thắng thầu sản xuất, cung ứng điện sẽ thu tiền điện của khách hàng trên đảo theo giá điện được quy định chung và được Nhà nước bù đắp chi phí.
PV: Xin cảm ơn ông!
Quyết định số 6952/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương:
- Huyện đảo Bạch Long Vĩ được cấp điện bởi 800 kW điện gió kết hợp với 750 kW điện diesel;
- Đảo Cồn Cỏ có thể xây đựng được 250 kW điện gió kết hợp cùng với 160 kW điện diesel;
- Tại đảo Phú Quý hiện nay đã có 6 MW điện gió và trạm điện diesel công suất khoảng 5 MW; huyện Côn Đảo (nhu cầu công suất khoảng 14,5 MW);
- Đảo Kiên Hải (2 MW) chủ yếu được cấp điện bởi các máy phát diesel.
|