Ông Dương Trung Quốc
|
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác tiết kiệm điện ở nước ta hiện nay?
Ông Dương Trung Quốc: So với trước đây, công tác tiết kiệm điện những năm qua đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, so với tiềm năng, sự lãng phí điện vẫn còn quá lớn, đặc biệt là trong khối sản xuất kinh doanh và khối hành chính sự nghiệp.
PV: Nói đến sử dụng điện trong khối hành chính sự nghiệp, ông có cho rằng vẫn còn tư tưởng “điện chùa” trong cán bộ, công chức?
Ông Dương Trung Quốc: Ở đây cũng phải nói đến vấn đề quản lý, nếu cấp trên giám sát gắt gao, cấp dưới sẽ làm tốt và ngược lại. Với khối hành chính sự nghiệp, để sử dụng điện hiệu quả theo tôi nên tính tới việc giao định mức sử dụng điện cho từng cơ quan, đơn vị. Cơ quan, đơn vị nào sử dụng vượt mức, cán bộ, công chức sẽ phải bỏ tiền túi thanh toán. Phải đánh vào kinh tế và có chế tài xử lý nghiêm những đơn vị lãng phí thì công tác tiết kiệm điện mới hiệu quả.
PV: Ông có cho rằng, giá điện tại Việt Nam hiện còn rẻ nên vô hình chung đã “khuyến khích” người tiêu dùng sử dụng điện lãng phí?
Ông Dương Trung Quốc: Có chứ! Điện cũng là một loại hàng hóa. Nếu giá cao, người sử dụng ắt phải tiết kiệm. Tuy nhiên, muốn không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, cần có sự tính toán chi tiết, phân tầng cho từng đối tượng sử dụng. Trên thực tế, giải pháp này đã được Nhà nước thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao. Cần phải phân tầng cụ thể hơn nữa, những ngành sử dụng nhiều điện năng, phải tính một mức giá khác, không thể vì lợi ích của một nhóm nào đó mà buộc cả nước phải chịu giá điện quá đắt.
Ví dụ, câu chuyện về ngành Thép - một ngành tiêu thụ quá nhiều điện. Đây là lý do mà nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất thép lợi dụng để sang Việt Nam đầu tư. Và hậu quả là chúng ta phải è cổ gánh. Cái tôi muốn nói ở đây là sự lựa chọn ngành thu hút đầu tư, là bài toán vĩ mô, Nhà nước cần phải cân nhắc, chứ không còn là giải pháp vi mô nữa.
PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện mà chúng ta đang thực hiện như: Giáo dục tiết kiệm điện cho học sinh tiểu học; thi đua gia đình tiết kiệm điện, khu phố tiết kiệm điện…?
Ông Dương Trung Quốc: Các chương trình tiết kiệm điện chúng ta đang thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, một số chương trình mới chỉ mang tính phong trào, mà hô hào, thi đua thường chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định. Điều quan trọng là phải cho người dân thấy được rằng: Tôi tiết kiệm điện, tôi được lợi gì và những người lãng phí sẽ phải chịu chế tài xử phạt ra sao? Có thưởng, có phạt mới khuyến khích được người dân. Nếu không, sẽ có người cho rằng: Tôi giàu, tôi có tiền, việc gì tôi phải tiết kiệm!
PV: Vậy theo ông, công tác tuyên truyền nên làm sao cho tốt hơn?
Ông Dương Trung Quốc: Tuyên truyền rất quan trọng, nhưng phải phù hợp với từng đối tượng. Với người nghèo, không tuyên truyền, họ cũng tiết kiệm, cái mà họ cần là cách tiết kiệm thế nào?
Các nước có rất nhiều cách làm hay mà chúng ta có thể tham khảo. Tôi biết một khách sạn ở nước ngoài có định mức cụ thể số điện, số nước mà mỗi khách hàng được phép sử dụng (con số này luôn được tính toán dư ra để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách). Khi thanh toán, những người sử dụng quá định mức sẽ phải nộp thêm tiền, còn những người sử dụng tiết kiệm được tặng một biểu tượng về ý thức xanh. Còn lượng điện, nước tiết kiệm được sẽ được quy ra tiền và chuyển cho một quỹ từ thiện.
Một quy định rất nhỏ, nhưng có tác động đến ý thức người sử dụng và không chỉ mang lại hiệu quả trước mắt mà còn tạo thành một thói quen sử dụng điện, nước tiết kiệm cho tất cả mọi người.
PV: Xin cảm ơn ông!