Nắng gió và trải nghiệm công trường

Gần 30 năm công tác trong ngành Điện, gắn bó trực tiếp với các công trình truyền tải, nắng gió công trường đã làm màu da của ông đen sạm. Nắng gió cũng làm chất giọng miền Trung của ông như mộc mạc, thân tình hơn. Theo ông, thành công của công trình đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông là "Không có gì đáng ngạc nhiên, vì chất lượng và tiến độ của công trình đã được xây dựng bằng cả mồ hôi và nước mắt của anh em..."

Tôi gặp ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) đã nhiều lần, nhưng lần nào cũng ở trên công trường và vào thời điểm đang thi công rất căng thẳng. Cuộc gặp lần này đúng vào thời điểm ngay sau khi công trình đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đóng điện thành công.

Phóng viên (PV)Trong rất nhiều yếu tố tạo nên thành công cả về chất lượng và tiến độ của công trình 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, theo ông đâu là yếu tố quyết định?

Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc AMT

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Có thể khẳng định, thành công của công trình 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông là do có được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị: Từ Chính phủ, Bộ Công Thương đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, chính quyền địa phương các tỉnh thành phố công trình đi qua, đến các đơn vị nhà thầu...

Trong đó công tác đền bù giải phóng mặt bằng  được đẩy nhanh đã tạo nền tảng cho thành công về tiến độ công trình, sự linh hoạt trong áp dụng các cơ chế chính sách (đặc biệt là về vốn) tạo động lực cho công trình trong những thời điểm quan trọng.

Và trên hết, tinh thần hăng say lao động, ngày đêm bám trụ trên công trường của hơn 3.300 cán bộ công nhân viên, nhất là vào lúc cao điểm nước rút, chính là yếu tố quan trọng làm nên thành công này.

Nếu nhìn một cách tổng thể, theo tôi, vai trò quản lý điều hành là yếu tố quyết định tiến độ và chất lượng chung của công trình.

PV: Riêng với cá nhân ông, kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với  các công trình điện đã giúp gì trong việc triển khai xây dựng công trình này? 

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Trong thời gian gần 30 năm làm công tác quản lý dự án Điện, trong đó có 26 năm làm việc tại Ban QLDA các công trình điện miền Trung, bản thân tôi đã được tham gia chỉ đạo điều hành nhiều dự án trọng điểm cấp bách như: ĐZ 500kV Pleiku - Phú Lâm, Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh; các dự án 220kV mua điện Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Giang: 220kV Thanh Thủy - Hà Giang - Tuyên Quang, Tuyên Quang - Thái Nguyên...

Đó là những năm tháng bôn ba, "ăn sương nằm gió" cùng với công nhân trên công trường. Gian nan, vất vả, vui, buồn cũng rất nhiều.Các hương vị "công trường" như đắng, cay, mặn chát..theo đúng nghĩa tôi đều đã được nếm trải. Từ những năm tháng đó đã hun đúc trong tôi tình yêu nghề, niềm đam mê với "nắng gió công trường", để đến hôm nay có được những trải nghiệm quý báu.

Đó không chỉ là kinh nghiệm quản lý chặt, quyết đoán, mà còn phải có "tinh thần thép" trên công trường; không chỉ là sự am hiểu đến chân tơ kẽ tóc công trình, mà quan trọng hơn là sự thấu hiểu, đồng cảm cùng anh em. Đó là sự vận dụng khéo léo, sáng tạo  sức mạnh nội lực của đơn vị, của ngành với việc tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ của các cấp, các đơn vị đối tác và nhất là người dân địa phương. Tất cả những trải nghiệm thực tiễn đó đã trở thành "trợ thủ đắc lực" cho tôi  trong việc điều hành, chỉ đạo công trình đường dây  500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông.

PV: Trong quá trình triển khai dự án, có những kỷ niệm đáng nhớ nào mà ông muốn chia sẻ không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Mỗi ngày qua đi là một kỷ niệm, mỗi tuyến công trình là những trải nghiệm buồn vui. Trong công trình này, với tôi, thời điểm đáng ghi nhớ nhất có lẽ là "Chiến dịch 55 ngày đêm" cắt điện thi công, cải tạo đoạn tuyến ĐZ mạch 1,2 đoạn qua huyện Củ Chi TP. Hồ Chí Minh. Thời gian cắt điện cho phép chỉ trong 55 ngày, tuy nhiên 10 ngày đầu cắt điện mưa liên tục nên khối lượng thi công chậm. Ngày cuối cùng chuẩn bị đóng điện cũng phải thuyết phục 1 hộ dân cho dỡ cột thép cũ để đảm bảo điều kiện đóng điện mà không phải bảo vệ lực lượng thi công, đáng nói là hộ dân này không cho chặt cây kể từ ngày đóng điện ĐZ500kV Pleiku-Phú Lâm và thời điểm ấy cũng phải cưỡng chế mới thi công được.

Đặc biệt, ngày cuối cùng trước khi đóng điện (ngày 4/5/2014): Đoạn tuyến Gói thầu số 8 phải thi công cả ngày đêm 4/5; toàn bộ lực lượng tham gia (Ban AMT, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát của truyền tải điện Đắk Nông) đến tận 22g30 mới được ăn tối trên công trường. Ăn cũng vội vã và lại tiếp tục thi công đến 05g00 sáng hôm sau, hoàn thành nốt công việc còn lại, đảm bảo đóng điện.

Và để ghi nhận tinh thần và công sức của anh em, tôi quyết định tạm trích từ chi phí quản lý dự án thưởng cho các CBCNV 01 triệu/người ngay trong đêm. Sáng ngày 5/5 các đơn vị trả lưới cho Hội đồng Nghiệm thu và chiều ngày 5/5 đóng điện thành công.

Có thể nói, đó là một đêm "không thể nào quên"...

PV:  Là người từng gắn bó với nhiều công trình truyền tải điện - "nay đây, mai đó", ông làm cách nào để cân bằng được trách nhiệm "người thủ lĩnh trên công trường" với trách nhiệm "người trụ cột trong gia đình"?

Ông Nguyễn Đức Tuyển: Công việc rất quan trọng, vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là vinh quang. Nhưng ai cũng hiểu đó chưa phải là tất cả. Với tôi cũng vậy. Chúng ta làm việc trước hết là vì mục đích chung, vì trách nhiệm xã hội, sau đó là vì gia đình và những người thân yêu. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể "phân thân" để làm "tròn 2 vai" được. Nên nhiều lúc cũng đành có lỗi với gia đình, với vợ con.

Là người trụ cột trong gia đình, nhưng thường xuyên phải đi công tác, quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tư tưởng cho vợ con. Từ đó mới có được sự đồng thuận, chia sẻ, cảm thông và hy sinh của người thân trong gia đình mình. Đó chính là nguồn an ủi, là động lực lớn để tôi có thể yên tâm bám trụ trên các công trường, hoàn thành được nhiệm vụ.

Tôi nhớ mãi, trong chiến dịch "55 ngày đêm", một sáng đẹp trời sau nhiều ngày ăn ngủ trên công trường, tôi nhận được tin nhắn của vợ với 1 dòng ngắn ngủi: "Anh à, hạnh phúc là gì?". Những lúc như vậy, mới thấy rõ mình có lỗi với gia đình, với người thân. Nhưng không còn cách nào khác, đành "tạ lỗi", và cố gắng quan tâm, bù đắp vào những lúc có thể.

PV: Xin cám ơn ông! 


  • 11/05/2014 10:24
  • Vĩnh Long
  • 4799


Gửi nhận xét