15 năm hợp tác giữa EVN và JEPIC: Thắm tình đồng nghiệp Điện lực Việt Nam – Nhật Bản

“Từ năm 1998, Trung tâm Thông tin và Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JEPIC) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong hoạt động điện lực. 15 năm qua tình đồng nghiệp giữa chúng tôi ngày càng bền chặt”, ông Kiyoshi Konishi – Giám đốc JEPIC đã khẳng định như vậy khi trao đổi với PV evn.com.vn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về quá trình hợp tác giữa hai bên trong suốt thời gian qua?

Ông Kiyoshi konishi - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Hợp tác quốc tế Nhật Bản

Ông Kiyoshi Konishi: Theo thỏa thuận, các buổi hội thảo chuyên đề trong lĩnh vực điện lực kéo dài trong vòng 4 ngày do hai bên tổ chức đã được triển khai định kỳ hằng năm tại Việt Nam. Chậm hơn một “nhịp” so với hoạt động tổ chức hội thảo, từ năm 1999 chương trình đào tạo, tập huấn cho các cán bộ EVN về các vấn đề liên quan đến điện lực cũng diễn ra đều đặn tại Nhật Bản, góp phần bổ sung kiến thức, tăng cường năng lực, trao đổi kinh nghiệm cho các cán bộ của EVN và JEPIC. Từ đó thúc đẩy tiến trình hợp tác phát triển ngành Điện Việt Nam và Nhật Bản. Từ năm 2006 đến nay, chương trình đào tạo tại Nhật Bản cho các cán bộ của EVN được phối hợp cùng ngành Điện Philippines và Indonesia. Thay vì tổ chức mỗi năm 1 lần, JEPIC đã thực hiện mỗi năm 2 khóa đào tạo tại Nhật Bản. Hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều cử khoảng 5 cán bộ tham gia.

Những kết quả mà EVN và JEPIC đạt được từ chương trình thỏa thuận hợp tác này không đơn thuần là trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Quan trọng hơn, đó là dịp để giao lưu giữa những người làm điện của hai nước. Về phía JEPIC, chúng tôi hoàn toàn hài lòng về sự hỗ trợ, hợp tác của EVN trong thời gian qua.

PV: Khó khăn lớn nhất của JEPIC khi phối hợp tổ chức đào tạo/hội thảo với EVN trong thời gian qua là gì, thưa ông?

Ông Kiyoshi Konishi: Những nội dung tập huấn tại Nhật Bản và hội thảo tại Việt Nam đều dựa trên cơ sở “lắng nghe” yêu cầu, nguyện vọng từ phía EVN. Trong khả năng của mình, JEPIC tìm kiếm chuyên gia từ 12 đơn vị thành viên (gồm 10 công ty điện lực các vùng miền, Công ty Phát triển Điện lực Nhật Bản J-Power và Công ty Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản JAPC).

Tuy nhiên, với vai trò là điều phối viên, kết nối thông tin giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các đơn vị của ngành Điện Nhật Bản, vấn đề làm JEPIC “đau đầu” nhất chính là xác định trình độ của mỗi cán bộ tham gia đào tạo hay hội thảo. Không thể đặt ra nội dung quá dễ, mọi người đều biết, lại càng không nên đưa ra nội dung quá chuyên sâu làm hạn chế giá trị tham khảo cũng như việc tiếp thu thông tin và áp dụng ở Việt Nam. Cần phải nhấn mạnh thêm, mỗi cuộc hội thảo, số lượng tham gia lên đến 50 người. Do đó, dù đã rất cố gắng, song sự khác nhau về điều kiện địa lý, ngôn ngữ vùng miền đã tạo nên vách ngăn vô hình về trình độ và kiến thức của mỗi thành viên tham gia hội thảo.

Thời gian qua, Ban Hợp tác Quốc tế và các ban chuyên môn của EVN đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp thông tin cho JEPIC để hoàn thành vai trò điều phối viên, lựa chọn cán bộ để trao đổi, cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, sau mỗi khóa đào tạo, hội thảo, chúng tôi đều phát phiếu thăm dò ý kiến, rút kinh nghiệm để có thể đáp ứng tối đa nguyện vọng từ phía EVN.

Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả - Ảnh CTV

PV: Ông đánh giá về năng lực của các cán bộ EVN sau chặng đường hợp tác vừa qua như thế nào, thưa ông?

Ông Kiyoshi Konishi: So sánh với các đối tác khác của JEPIC, CBCNV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam rất cần cù, nhiệt tình, chịu khó và ham học hỏi. Thực tế cho thấy, từ những ngày đầu hợp tác, mối quan tâm của Việt Nam chủ yếu liên quan đến kỹ thuật hạ tầng nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối. Song, những năm gần đây, xu hướng hợp tác đã có sự dịch chuyển dần sang công tác quản lý như kinh nghiệm trong việc tự do hóa thị trường điện, tiết kiệm điện năng, tăng cường năng lực dịch vụ khách hàng... Điều đó đã khẳng định sự thay đổi trong tư duy, nhận thức cũng như những yêu cầu ngày càng cao của mỗi CBCNV EVN trong quá trình tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, JEPIC còn hợp tác với ngành Điện Việt Nam thông qua Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và Bộ Kinh tế & Công nghiệp Nhật Bản - MEPI liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Vì đây là ngành đặc thù, nên được đặc cách và đưa ra một cơ chế hợp tác riêng. Theo đó, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản đứng ra chủ trì và chịu mọi chi phí đào tạo. Những cán bộ do MEPI tiếp nhận, sẽ được giao cho JEPIC. Sau khi nhận được ủy thác đào tạo, JEPIC sẽ tiến hành điều phối với các đơn vị thành viên để xây dựng chương trình tập huấn và khóa đào tạo. Công việc này đã được thực hiện từ năm 2002 đến nay và sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

PV: Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ của lĩnh vực điện lực tại Việt Nam, tới đây, chương trình hợp tác của JEPIC và EVN sẽ có những đổi mới gì thưa ông?

Ông Kiyoshi Konishi: Trước mắt, các hoạt động trong thỏa thuận hợp tác giữa EVN và JEPIC sẽ tiếp tục diễn ra đến hết năm 2015. Hiện nay, cán bộ của EVN đã trưởng thành hơn rất nhiều, cơ cấu tổ chức của EVN cũng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Phía Nhật Bản cũng đang tiến hành đổi mới, như tự do hóa, thay đổi cơ cấu, quản lý hạ tầng lưới điện, nguồn điện, các đơn vị tham gia vào thị trường tự do hóa ngành Điện, sự tham gia của các nguồn năng lượng mới…

Trong bối cảnh kinh tế xã hội và ngành Điện hai nước đang có những bước thay đổi mạnh mẽ như vậy, theo tôi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Thông tin & Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cần sớm bàn bạc, thống nhất lại nội dung, trên cơ sở đó tiếp tục xem xét những thỏa thuận để quá trình hợp tác giữa hai bên tiếp tục đạt được hiệu quả cao hơn.

PV: Xin cảm ơn ông !

            Từ năm 1998 đến năm 2013, EVN và JEPIC đã phối hợp tổ chức:
Hội thảo chuyên đề:
- 5 buổi, trung bình khoảng 50 người/buổi
- Thời gian diễn ra hội thảo: 4 ngày
- Tổng số cán bộ tham gia: Khoảng 800 người
- Địa điểm tổ chức: Việt Nam
Khóa đào tạo:
- 23 khóa, trung bình khoảng 4 – 5 người/khóa (từ năm 2006 – nay: 2 – 3 người/khóa)
- Tổng số cán bộ tham gia: 73 người
- Địa điểm tổ chức: Nhật Bản

 


  • 06/04/2014 05:27
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3395


Gửi nhận xét