PV: Tiến độ di dời các công trình điện phục vụ Dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên hiện nay ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Thành: Dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, yêu cầu phải hoàn thành vào năm 2016 để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân.
Để phục vụ cho việc triển khai Dự án, từ cuối năm 2013 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương di dời lưới điện trên toàn tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên, với yêu cầu phải hoàn thành trong Quý I/2014. Trong đó, khu vực do EVN CPC quản lý có khối lượng thực hiện lớn nhất, với 12 tỉnh/thành miền Trung - Tây Nguyên.
Tính đến hết ngày 18/3, EVN CPC đã di dời được 1.830/5.305 vị trí, tương đương khoảng 34% tổng số vị trí phải di dời. Ngoài ra, các đơn vị cũng đang gấp rút đúc móng, dựng cột các vị trí lưới điện sau di dời.
PV: Rào cản nào ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ di dời các công trình điện, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành: Việc di dời lưới điện được thực hiện đồng loạt trên 12 tỉnh/thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Trong tổng số 5.305 vị trí phải di dời, hơn 2.000 vị trí (chiếm gần 40%) chưa có mặt bằng thi công.
Một số khu vực chưa được phê duyệt thiết kế mở đường (như Quảng Trị, Đăk Lăk, Đăk Nông…). Nhiều địa phương chưa bố trí được các khu tái định cư nên chưa thể giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó còn gặp trường hợp, địa phương đã bàn giao mặt bằng thi công nhưng người dân cản trở không cho đơn vị thi công, do chưa nhận tiền đền bù hoặc chưa thống nhất chế độ, chính sách đền bù. Một số khu vực mở rộng Quốc lộ 1A do chủ đầu tư, thiết kế đường với vỉa hè rộng 0,5m không đủ diện tích để đúc móng, dựng cột điện và đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
Một số Công ty Điện lực như Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum đến nay vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công di dời lưới điện.
PV: Vậy, các đơn vị đã làm gì để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành: Để đảm bảo tiến độ di dời lưới điện, các đơn vị thường xuyên phải làm việc trực tiếp với Sở GTVT tỉnh, Ban QLDA thuộc Bộ GTVT cùng các bên liên quan để giải quyết từng khó khăn vướng mắc, đảm bảo tiến trình thực hiện dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Chủ trương của các đơn vị là chủ đầu tư bàn giao đến đâu sẽ triển khai thi công ngay đến đó và phải hoàn thành di dời lưới điện trong vòng từ 5 - 7 ngày.
|
Các đơn vị thuộc EVN CPC đang gấp rút triển khai di dời lưới điện phục vụ Dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Dương Anh Minh |
PV: Liệu giải pháp trên có thực sự hiệu quả giúp EVN CPC và các đơn vị hoàn thành dự án trong điều kiện gấp rút về tiến độ như hiện nay?
Ông Nguyễn Thành: Để đảm bảo tiến độ, EVN CPC đã thành lập Tổ Thường trực Dự án “Di dời lưới điện để mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh”. Đồng thời, tại các Công ty Điện lực cũng thành lập Tổ công tác hiện trường, phối hợp với cán bộ chuyên trách giải phóng mặt bằng của địa phương thực hiện bàn giao mặt bằng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công.
Một số khu vực gặp khó khăn trong việc xây dựng lưới điện mới, các đơn vị sẽ xây dựng đường dây tạm thời cấp điện cho khách hàng tháo dỡ lưới điện, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư mở rộng đường. Đối với đoạn đường có vỉa hè 0,5m, các đơn vị sẽ nghiên cứu thực hiện giải pháp chôn sâu cột điện trong rãnh thoát nước và sử dụng dây bọc để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngày 19/3, Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An đã chủ trì hội nghị kiểm điểm tiến độ di dời lưới điện để mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh tại EVN CPC.
Ghi nhận nỗ lực chung của EVN CPC và các đơn vị trong thời gian qua, đồng thời, với 2 mục tiêu cơ bản là đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ di dời lưới điện và giảm thiểu ảnh hưởng đến việc cung ứng điện, Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An yêu cầu các đơn vị vừa quyết liệt vừa linh hoạt; chủ động thi công bằng nhiều cách, không chờ địa phương bàn giao mặt bằng hoàn chỉnh mới thi công.
Theo yêu cầu về tiến độ mới nhất, mục tiêu đến ngày 30/4: các Công ty Điện lực Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông sẽ hoàn thành 100% khối lượng di dời.
Đối với các Công ty điện lực còn lại (TT. Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), EVN CPC sẽ tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ dự án và phấn đấu đạt tối thiểu 80% khối lượng di dời.
Tính đến hết ngày 17/3/2014:
- 1.830/5.305 tổng số vị trí phải di dời (đạt 34% tổng số vị trí phải di dời và 58% tổng số vị trí đã có mặt bằng có thể thi công)
- Công ty Điện lực Đăk Nông, Quảng Trị là 2 đơn vị có tỷ lệ di dời cao nhất (57%);
- Một số đơn vị có tỷ lệ di dời thấp: Quảng Ngãi (3%), Gia Lai (17%), Phú Yên (20%), Quảng Nam (22%), Bình Định (25%), Kon Tum (28%).
- 1.303 vị trí lưới điện đã được đúc móng, dựng cột sau di dời.
|