Để thông tin, tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp hiệu quả

Ngành Điện đã rất tích cực tuyên truyền nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn tiếp diễn. Vậy, làm thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông về vấn đề này. Dưới đây là ý kiến của chuyên gia truyền thông, nhà báo và người dân địa phương.

PGS.TS Vũ Quang Hào – Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội): Nhận diện được đối tượng tuyên truyền

Điều đầu tiên người làm truyền thông phải nhận diện được đối tượng để tuyên truyền, ở đây có thể là người dân hoặc tổ chức. Phải xác định được đặc điểm của đối tượng tuyên truyền là người già, trẻ, hay trung niên, trình độ nhận thức đến đâu… trong bối cảnh/đặc thù của địa phương.

Ngoài ra, những vấn đề về địa lí và chính trị cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông. Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, xa, có thể tuyên truyền bằng loa truyền thanh của thôn, xã… Điều hết sức quan trọng nữa là người làm truyền thông phải nắm bắt được những nguyên tắc tuyên truyền cơ bản trong lĩnh vực bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, chẳng hạn nguyên tắc lợi ích, nguyên tắc thuyết phục, nguyên tắc khai thác hiệu quả các kênh truyền thông. Cuối cùng phải thuần thục kĩ năng và thao tác làm truyền thông an toàn lưới điện.

 

 

Nhà báo Phạm Nguyên Long – Hệ thời sự VOV1 – Đài Tiếng nói Việt Nam: Truyền thông trọng tâm, trọng điểm

Thời gian qua, báo chí cũng đã tham gia tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, thông tin về những thiệt hại… Ngành Điện cũng đã có nhiều giải pháp thiết thực. Nhưng hiệu quả mới chỉ dừng lại ở một bộ phận nhỏ dân cư, chưa có tính lan rộng, phổ biến. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn chưa thực sự đi vào đời sống của đại bộ phận người dân.

Vì vậy, trong thời gian tới, những cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực của các đơn vị điện lực, truyền tải địa phương cũng như chính quyền các cấp… cần được thông tin một cách sâu rộng hơn, nhưng cũng cần tập trung trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hơn. Cần đặc biệt lưu ý cung cấp thông tin về những thiệt hại khi xảy ra sự cố vì các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây ra. Trong đó, cần đưa ra những cảnh báo về mức độ thiệt hại nghiêm trọng, không chỉ là thiệt hại của riêng ngành Điện, ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện… mà còn là những thiệt hại cho chính bản thân những người gây ra sự cố lưới điện.

 

Ông Nguyễn Văn Chớ - Trưởng thôn 9 (xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng): Tuyên truyền thông qua các tổ chức đoàn thể

Song song với việc truyền thông trên loa truyền thanh ở mỗi thôn, ngành Điện cũng cần đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân, thông qua các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân… Đồng thời, cần nghiên cứu phương án và đề xuất với chính quyền địa phương nơi thường tổ chức các trò chơi truyền thống như thả diều, thì chỉ tổ chức vào một thời gian cụ thể, tại địa điểm cách xa khu vực an toàn hành lang lưới điện. Nếu làm được như vậy, sẽ giảm được các nguy cơ sự cố cho đường dây truyền tải điện.
 


  • 15/01/2014 09:57
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3593


Gửi nhận xét