Điều tiết xả lũ hồ thủy điện: Cần phối hợp chặt chẽ với địa phương

Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa địa phương với các nhà máy thủy điện trên địa bàn trong việc điều tiết xả lũ hồ chứa thủy điện thì hạ du nơi đó ít xảy ra thiệt hại. Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) là một minh chứng điển hình. Phóng viên evn.com.vn đã trao đổi với ông Đỗ Minh Lộc - Phó tổng giám đốc DHD về vấn đề này

Ông Đỗ Minh Lộc - Phó tổng GĐ Công ty CP Thủy điện DHD - Ảnh: Ngọc Tuấn.

PV: Thưa ông, hàng năm trước mùa lũ, DHD đã xây dựng các phương án điều tiết xả lũ như thế nào? 

Ông Đỗ Minh Lộc: Việc điều tiết xả lũ đều được DHD tuân thủ theo đúng quy trình vận hành hồ chứa. 2 hồ chứa cuả Công ty là hồ Đơn Dương và hồ Hàm Thuận đều đã có quy trình vận hành riêng và được Bộ Công Thương phê duyệt, ban hành.

Hàng năm, trước mùa mưa lũ và trong quá trình điều tiết xả lũ, DHD thường có những đợt diễn tập phòng chống lụt bão. Các công tác trước, sau và trong khi điều tiết xả lũ đều được DHD tiến hành có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là phối hợp kiểm tra thực tế tại các khu vực hạ du trước khi tiến hành xả lũ.

Các thông tin về điều tiết xả lũ tại các địa phương được DHD thông báo theo đúng quy trình phối hợp giữa Công ty với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các huyện tại những vùng bị ảnh hưởng. Trong quy chế phối hợp đều có những điều khoản, quy định trách nhiệm của mỗi bên và buộc mỗi bên sẽ phải thực hiện một cách nghiêm túc  quy chế đó.

PV: Công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin, thông báo về điều tiết xả lũ của DHD được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Minh Lộc: Trước khi điều tiết xả lũ vận hành lưu tiết hồ chứa, DHD đều thông báo bằng văn bản đến các UBND cấp huyện, cấp xã. Đối với hồ Đơn Dương, thời gian gửi trước ít nhất là 1 ngày, hồ Hàm Thuận ít nhất là 2 ngày. Nội dung những văn bản này đều được quy định cụ thể trong Quy chế phối hợp.

Ngoài ra, DHD còn có những hệ thống cảnh báo lũ được lắp đặt dọc theo phía hạ lưu dòng chảy của sông. Hệ thống này sau khi nhận được thông tin sẽ lập tức phát đi thông tin cảnh báo cho người dân biết và nắm rõ  được nội dung thông tin. Hệ thống cảnh báo này bao gồm 7 trạm,, trong đó, hồ Đơn Dương có 4 trạm, hồ Hàm Thuận có 3 trạm.

PV: Hàng năm, DHD có được những dự báo kịp thời về tình hình thủy văn trước mỗi mùa mưa lũ hay không, thưa ông?

Ông Đỗ Minh Lộc: Đối với hồ Hàm Thuận và hồ Đơn Dương, tình hình thủy văn có nhiều thuận lợi, đó là lưu lượng nước về 2 hồ này khá điều hòa. Ngoài ra, DHD còn có hệ thống cảnh báo trong việc điều tiết xả lũ và hệ thống thu thập thông tin về tần suất, lượng mưa trên khu vực các hồ chứa, nên có được những dự báo tương đối chính xác về tình hình khí tượng thủy văn mỗi năm, từ đó có kế hoạch điều tiết xả lũ phù hợp, giảm thiệt hại cho khu vực hạ lưu.

DHD còn có ký hợp đồng với Trung tâm Khí tượng -  Thủy văn Nam Bộ, cung cấp số liệu về dự báo tình hình thủy văn cho mỗi mùa. Đó là những thông tin cần thiết, kịp thời giúp Công ty có cơ sở đề xuất các giải pháp điều tiết phù hợp, hợp lý.

PV: Nhiều người vẫn cho rằng, thủy điện gây ra lũ chồng lên lũ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đỗ Minh Lộc: Theo tôi, thủy điện góp phần giảm lũ chứ không phải gây ra lũ.

Thực tế, lưu lượng xả lũ qua cửa tràn về hạ du luôn nhỏ hơn lưu lượng đến hồ (lưu lượng đến hồ là lưu lượng nước tự nhiên do mưa). Nhờ có hồ thủy điện, lượng nước trong hồ được giữ lại và làm giảm nguy cơ gây lũ cho hạ du. Việc điều tiết xả lũ nhằm đảm bảo cho công trình cũng là đảm bảo an toàn cho hạ du, công trình có an toàn thì hạ du mới đảm bảo,còn công trình không an toàn thì hạ du sẽ bị ảnh hưởng

PV: Xin cảm ơn ông!

 


  • 24/12/2013 10:17
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 3235


Gửi nhận xét