Ông Đại Ngọc Giang
|
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác PCBL năm 2013 của EVN và các đơn vị trực thuộc?
Ông Đại Ngọc Giang: Để chủ động đối phó với thiên tai bão, lũ, EVN đã tổng kết, đúc rút được nhiều kinh nghiệm qua các năm, đồng thời triển khai quyết liệt nhiệm vụ PCBL năm 2013, lấy chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời là phương châm hành động, để khắc phục những hậu quả do bão, lũ gây ra. Từ nhiều năm nay, chủ trương lấy “phòng, tránh là chính” đã được các đơn vị trong ngành Điện thực hiện tốt. Vì vậy, gần hết năm 2013, công tác PCBL đã được duy trì liên tục, có sự phối hợp đồng bộ với các ban, ngành chức năng và địa phương, góp phần hạn chế những thiệt hại do bão, lũ gây ra, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Tính đến cuối tháng 8 của năm 2013, đã có 7 cơn bão đổ bộ vào nước ta, trong đó cơn bão số 2, số 5, số 6 và hoàn lưu sau bão số 7 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Bắc. Bão, lũ đã làm các công trình, tài sản lưới điện của ngành Điện bị ảnh hưởng, công tác khắc phục hậu quả mất nhiều thời gian và tiền bạc. Chỉ tính riêng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã gánh chịu những thiệt hại do bão, lũ gây ra trong 9 tháng với thiệt hại lên tới trên 86 tỷ đồng.
PV: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị về công tác đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong mùa bão lũ đó là gì thưa ông?
Ông Đại Ngọc Giang: Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn trong mùa bão lũ, EVN đã và đang chỉ đạo triển khai đồng bộ những giải pháp trong tất cả các khâu có liên quan trong vận hành hệ thống điện (bao gồm điều độ hệ thống điện, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện).
Cụ thể, xây dựng kế hoạch, phương án PCBL, giảm nhẹ thiên tai chi tiết, sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đơn vị theo phương châm “Bốn tại chỗ”; Tăng cường kiểm tra, phát quang hành lang tuyến; Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý các vụ nhà, công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Khi xảy ra bão, lũ hoặc các hiện tượng bất thường của thời tiết đe dọa tình trạng vận hành an toàn hệ thống điện, các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng phải tổ chức trực 24/24h, chuẩn bị đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống để phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Đối với các đơn vị quản lý lưới điện, cần tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, trạm và có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo cung cấp điện an toàn. Các đơn vị quản lý nhà máy thuỷ điện theo dõi sát tình hình thuỷ văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan khi thực hiện xả lũ, đồng thời lãnh đạo các công ty thủy điện tham gia Ban chỉ huy PCLB các tỉnh trên địa bàn để tăng cường sự phối hợp với các địa phương, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.
Hàng năm, ngành Điện luôn phải gánh chịu nhiều tổn thất do bão lũ - Ảnh: Dương Anh Minh
|
PV: Năm 2013, là Năm Kinh doanh - Dịch vụ khách hàng của EVN. Tuy nhiên, bão lũ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống lưới điện phân phối tại các địa phương. Xin ông cho biết, các đơn vị ngành Điện cần phải làm gì để tăng cường hơn nữa độ an toàn cho lưới điện phân phối tại các địa phương trong mùa bão lũ?
Ông Đại Ngọc Giang: Lưới điện hạ áp nông thôn tại các đại phương, nhất là khu vực miền Bắc có những đặc thù riêng, kết cấu lưới đa dạng. Sau khi các đơn vị ngành Điện tiếp nhận đã đầu tư cải tạo, nâng cấp một bước hệ thống lưới điện này. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc huy động vốn nên ở nhiều nơi hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn vẫn còn ở tình trạng xuống cấp. Khi có gió bão từ cấp 7, 8 trở lên sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp điện an toàn và liên tục cho người dân.
Để hệ thống điện lưới nông thôn không còn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa bão lũ, các đơn vị Điện lực đã chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo điện trước mùa bão lũ như rà soát, kiểm tra hệ thống điện, lên danh sách các vị trí trạm, đường dây nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão lũ, ngập lụt, từ đó, có kế hoạch ứng phó kịp thời. Về lâu dài, hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn ở những khu vực chưa được cải tạo, nâng cấp sẽ được ngành Điện giành nguồn vốn cải tạo, nâng cấp, đảm bảo vận hành an toàn, cấp điện cho nhân dân các địa phương.
Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa bão lũ, các đơn vị Điện lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về an toàn sử dụng điện, tự kiểm tra, xử lý các tồn tại đường dây hạ thế sau công tơ, hệ thống điện sinh hoạt trong nhà, nâng cao các ổ cắm, bảng điện có khả năng bị ngập nước trong mùa bão lũ. Đồng thời, tổ chức chặt cây, tỉa cành, đề phòng sự cố, tai nạn điện. Chính quyền các cấp cần giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại các địa phương, góp phần hạn chế sự cố điện và mất an toàn điện trong mùa bão lũ.
Các đơn vị luôn chuẩn bị đủ nhân lực, phương tiện để khắc phục sự cố do thiên tai gây nên - Ảnh: Dương Anh Minh
|
PV: Ông có thể nói rõ hơn về công tác quản lý hệ thống các hồ thủy điện, đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ?
Ông Đại Ngọc Giang: EVN hiện đang quản lý 32 hồ chứa thủy điện với dung tích trên 42 tỷ m3, trong đó có những hồ thủy điện quan trọng của quốc gia như hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Yaly, Thác Bà, Tuyên Quang... Để đảm bảo việc vận hành an toàn hệ thống hồ đập trong mùa bão lũ, các công ty thủy điện thuộc Tập đoàn đã thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa và Quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt, xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập và quy chế phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc vận hành hồ chứa theo quy trình được duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình, hạ du, góp phần cắt giảm lũ cho các địa phương.
Đồng thời, các công ty thủy điện thực hiện tốt việc phối hợp với chính quyền các địa phương đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện, hệ thống các hồ thủy điện để có thể điều tiết xả lũ theo lệnh của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Ban chỉ huy PCLB các địa phương. Lãnh đạo các Công ty thủy điện cũng tham gia Ban chỉ huy PCLB các tỉnh trên địa bàn, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các nhà máy thủy điện với các địa phương, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa trong bão lũ.
Qua diễn biến của các cơn bão trong năm 2013 cho thấy, từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đến các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các công ty thủy điện trực thuộc của EVN đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong quy trình vận hành hồ chứa và quy trình vận hành liên hồ chứa, công điện chỉ đạo của BCĐ PCLB Trung ương để điều hành an toàn các hồ chứa thủy điện trong mùa bão lũ.
PV: Xin cảm ơn ông!