Xóa bỏ nạn trộm cắp điện: Cần cả xã hội vào cuộc

“Thực tế cho thấy, để có thể xử lý dứt điểm tình trạng trộm cắp điện vốn diễn ra khá phổ biến và phức tạp trong xã hội hiện nay, một mình EVN không thể làm được, mà rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan” – trao đổi với chúng tôi, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định.

Ông Trần Viết Nguyên

PV: Với vai trò đại diện cơ quan quản lý của EVN trong lĩnh vực kinh doanh điện, ông có thể cho biết thực  trạng tình hình trộm cắp điện hiện nay ra sao?

Ông Trần Viết Nguyên: Tình trạng trộm cắp điện trên cả nước hiện đang diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số vụ việc lẫn sản lượng điện bị mất cắp... Đối tượng trộm cắp cũng rất đa dạng. Trong đó, có cả cá nhân, tập thể, các thành phần kinh tế như hộ tiêu dùng sinh hoạt, hộ sản xuất cá thể, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ....

Đặc biệt, thời gian vừa qua đã xuất hiện những đối tượng trộm cắp điện chuyên nghiệp, trộm cắp điện thuê. Những đối tượng này đều có chuyên môn về kĩ thuật điện nên việc tiến hành trộm cắp bằng công nghệ, kỹ thuật cao gây rất nhiều khó khăn trong việc điều tra phát hiện. Thủ đoạn trộm cắp, cũng như phương thức đối phó với lực lượng chức năng của trộm cắp điện cũng ngày càng xảo quyệt và manh động. Có những vụ việc, khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng thuê đầu gấu để cản trở lực lượng kiểm tra nhằm trì hoãn, phi tang hiện trường hoặc dùng hung khí tấn công gây thương tích nặng nề cho lực lượng kiểm tra là nhân viên điện lực.

Ngoài các thủ đoạn trộm cắp cũ như phá chì niêm phong hộp công tơ rồi nối dây trước công tơ kéo về nhà, câu móc trực tiếp trên lưới hạ thế, từ aptomat tổng của trạm biến áp, thời gian gần đây tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang gia tăng hình thức trộm cắp điện bằng cách sử dụng nam châm có từ tính mạnh tác động vào công tơ điện làm ảnh hưởng đến hoạt động của công tơ. Hành vi này rất khó kiểm tra và bắt quả tang.

Có thể nói, trộm cắp điện đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, thách thức cả ngành Điện nói riêng, các cơ quan chức năng và toàn xã hội nói chung.

P.V: Tình trạng trên đã gây ra tổn hại như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Điện và an toàn điện trong xã hội, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Không chỉ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, mà để ngăn ngừa phòng chống tình trạng trộm cắp điện, ngành Điện còn phải bỏ chi phí lớn để lắp đặt, nâng cấp các thiết bị bảo vệ hệ thống từ lưới điện đến hệ thống đo đếm điện như: Thay dây cáp điện có vỏ bọc cách điện chống câu móc điện; hệ thống hòm, khoá, niêm phong bảo vệ chống xâm phạm, ngăn ngừa sự can thiệp vào hệ thống các thiết bị đo đếm điện.

Ngoài ra, để phòng chống trộm cắp điện, ngành Điện phải bố trí lực lượng, tổ chức kiểm tra chống trộm cắp điện, thường xuyên, liên tục hoạt động kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp trộm cắp điện. Các giải pháp này đã làm tăng thêm chi phí trong kinh doanh bán điện. Mặt khác, trộm cắp điện cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho ngành Điện nói chung, EVN nói riêng trong việc thực hiện lộ trình giảm tổn thất điện năng theo yêu cầu của Chính phủ.

Về mặt an toàn, trộm cắp điện là một hành vi cực kỳ nguy hiểm. Để đối phó với lực lượng quản lý và lực lượng kiểm tra chống trộm cắp điện, đồng thời để che đậy hành vi trộm cắp, những đối tượng trộm điện thường thực hiện hành vi vào ban đêm, tại các vị trí khuất, ít người để ý nên rất nguy hiểm, có thể phải trả giá bằng tính mạng. Chưa kể lúc trời mưa, khi tiếp xúc của dây dẫn dùng trộm cắp điện không được siết chặt, rất dễ xảy ra tình trạng chập điện, nhiễm điện ra khu vực xung quanh, gây mất an toàn cho cả những người  xung quanh không liên quan.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất hoặc các đối tượng kinh doanh dịch vụ, trộm cắp điện sẽ làm giảm chi phí giá thành sản xuất, dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kìm hãm việc đổi mới khoa học công nghệ trong dây chuyền sản xuất.

Trộm cắp điện cũng là một dạng tội phạm, do vậy khi tình trạng trộm cắp điện gia tăng cũng gây mất ổn định xã hội.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nhức nhối này, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Trước hết là lòng tham, sự hám lợi và ý thức chấp hành quy định của luật pháp yếu kém của một bộ phận khách hàng sử dụng điện, cũng như sự hỗ trợ tiếp tay của những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp,

Ngoài ra, nguyên nhân góp phần không nhỏ làm tăng số vụ trộm cắp điện đó là do lưới điện tại một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mới được ngành Điện tiếp nhận bán lẻ trực tiếp cho các hộ dân chất lượng còn kém, là sơ hở cho một số đối tượng lợi dụng để câu móc trộm cắp điện.

Mặt khác, việc đặt công tơ đo đếm điện trong nhà của khách hàng cũng phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi trộm cắp điện và gây trở ngại cho lực lượng kiểm tra. Trong khi đó, các đơn vị Điện lực còn gặp sự không đồng thuận của một số hộ dân cũng như của chính quyền địa phương trong việc di chuyển công tơ từ trong nhà ra ngoài cột điện, nên các đối tượng trộm cắp vẫn có “đất” để “sống”.
 
PV: Vẫn biết là khó khăn nhưng EVN đã có giải pháp nào để hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng trộm cắp này không thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Thời gian qua, EVN đã triển khai quyết liệt rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế các hành vi trộm cắp điện. Tuy nhiên, vướng là ở chỗ, việc kiểm tra phát hiện các trường hợp trộm cắp điện đã rất khó khăn, nhưng việc xử lý các đối tượng trộm cắp điện càng khó khăn hơn, do các quy định pháp luật chưa đồng bộ.

Các đơn vị điện lực chủ yếu chuyển hồ sơ các vụ trộm cắp điện sang các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt hành chính theo quy định. Thời gian qua, số vụ chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật đề nghị truy tố thì nhiều nhưng chỉ có một số rất ít trường hợp được đưa ra xét xử. Do đó, hiệu quả của việc răn đe và tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện thực chất chưa đạt hiệu quả cao.

Trước thực trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công văn số 1426/EVN-TC&NS ngày 02/5/2012 yêu cầu các tổng công ty điện lực thành lập và kiện toàn bộ phận chuyên trách từ cấp tổng công ty đến các công ty và cấp điện lực để thực hiện công tác kiểm tra phòng chống trộm cắp điện; Chỉ đạo các đơn vị chủ động bảo vệ tốt các mạch điện trước công tơ đặc biệt tại các khu vực mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để hạn chế tình trạng câu móc điện trực tiếp trước công tơ; Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng kiểm tra phòng chống trộm cắp điện để có các biện pháp đối phó với những thủ đoạn và hình thức trộm cắp điện tinh vi như áp dụng khoa học công nghệ cao; Tăng cường các biện pháp quản lý nghiệp vụ, sàng lọc và sớm phát hiện các khu vực có dấu hiệu trộm cắp điện, từ đó, có phương án kiểm tra và phòng chống trộm cắp điện;  Phối hợp với các chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng chống trộm cắp điện kết hợp với tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện.

Thực tế cho thấy để có thể xử lý dứt điểm tình trạng trộm cắp điện này, một mình EVN không thể làm được mà rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan. Đặc biệt, Bộ Công Thương, Bộ Công An, Viện kiểm sát, Toà án… cần sớm có văn bản hướng dẫn cách tính giá trị tài sản bị trộm cắp trong các vụ trộm cắp điện để các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp thống nhất thực hiện đưa ra truy tố xét xử được nhiều vụ trộm cắp điện hơn nữa, nhằm đảm bảo đủ sức răn đe các đối tượng trộm cắp điện.

PV: Xin cảm ơn ông!
 


  • 11/10/2013 01:30
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4542


Gửi nhận xét