Giảm căng thẳng điện mùa nắng nóng - Giải pháp nào?

Trước tình hình nhu cầu điện tăng “chóng mặt” trong mùa nắng nóng, làm thế nào để triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giảm căng thẳng trong phân phối điện? Dưới đây là một số ý kiến của các chuyên gia, quản lý, đơn vị về vấn đề này.

Ông Trần Quốc Anh – Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Đầu tư vào lưới điện truyền tải

Những năm trước đây, thiếu điện là do nguồn điện của nước ta không đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên gần đây, chúng ta đã đưa nhiều nguồn điện vào vận hành như các nhà máy nhiệt điện: Hải Phòng, Quảng Ninh… hoặc các nhà máy thủy điện như: Bản Vẽ, Bản Chát, Buôn Kuốp, đặc biệt là Nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất lên đến 2.400 MW. Vì thế, có thể khẳng định nguồn điện hiện nay của nước ta đã tương đối đáp ứng đủ điện trong năm 2013 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi nguồn đã có đủ rồi thì lưới điện truyền tải có đủ năng lực để truyền tải điện hay không? Xu hướng truyền tải điện trong năm 2013 và nhiều năm tiếp theo vẫn là truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc và miền Trung tăng đột biến, trong khi nhu cầu sử dụng điện ở miền Nam trong năm nay và các năm tiếp theo là rất lớn, nhưng lại không có thêm nguồn mới nào được đưa vào vận hành, vì thế chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa vào lưới điện truyền tải với đường dây 500 kV và 220 kV. Có như vậy mới có thể cấp điện ổn định được cho người dân.

Ông Trần Quốc Lẫm – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia: Cần sự đồng bộ của lưới điện phân phối

Dự kiến trong năm 2013, EVN NPT truyền qua lưới 220 kV và 500 kV là 113 tỷ kWh, trong đó riêng mùa khô chiếm khoảng 64 tỷ kWh. Mục tiêu của EVN trong năm 2013 là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và xã hội, không để xảy ra tiết giảm điện.

Tuy nhiên, để đảm bảo điện cho khách hàng, ngoài lưới điện cao áp và siêu cao áp đảm bảo được năng lực truyền tải thì lưới điện phân phối cũng phải được đầu tư đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Trong năm 2013, ở phía Bắc các nguồn tương đối ổn định, nhưng khu vực miền Trung, miền Nam không có nguồn điện mới vào vận hành, nên tình hình truyền tải trên đường dây 500 kV sẽ rất căng thẳng, chủ yếu truyền tải từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã chỉ đạo trong trường hợp phụ tải căng thẳng thì Tập đoàn sẽ huy động các nhà máy nhiệt điện và tuabin khí chạy dầu để hỗ trợ. EVN NPT đảm bảo sẵn sàng truyền tải qua hệ thống 500 kV và 220 kV.

Cùng với 2 hệ thống đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2, thời gian tới EVN NPT sẽ đưa đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông vào vận hành, để tăng năng lực truyền tải công suất và sản lượng vào miền Nam. Sắp tới, toàn bộ hệ thống điện 500 kV sẽ được khép mạch vòng quanh Hà Nội và TP.HCM để đảm bảo tốt nhất yêu cầu cung ứng điện cho nhân dân.  

Ông Trương Tấn Lanh - Phó giám đốc Công ty may Trường Giang - TP Tam Kỳ - Quảng Nam: Tiết kiệm điện để chia sẻ khó khăn cùng ngành Điện

Trong xu hướng phát triển chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp muốn tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thì phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm Vì vậy, chúng tôi phải tính toán đến phương án giảm chi phí sản xuất, trong đó có chi phí sử dụng điện năng chiếm gần 2,5% tổng doanh thu của Công ty.

Từ năm 2009, Công ty tiến hành đầu tư các giải pháp về tiết kiệm năng lượng như sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện; thay đổi công nghệ có suất tiêu hao điện thấp; tận dụng các nguồn nhiệt lượng rẻ tiền (củi trấu) để thay thế năng lượng điện trên một số khâu của dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên duy trì công tác tuyên truyền tiết kiệm điện với CBCNV, đưa vào chỉ tiêu thi đua, kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Qua đó, chi phí tiền điện đã giảm từ 2,5% xuống còn khoảng 1,5% trong tổng doanh thu. Riêng trong năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013, sản lượng điện tiêu thụ giảm 30%, tương đương mỗi tháng giảm tiền điện từ 100 triệu đồng xuống còn khoảng 80 triệu đồng. Có thể khẳng định rằng, tiết kiệm điện không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mà còn còn thể hiện trách nhiệm với Nhà nước, chia sẻ khó khăn cùng ngành Điện, đặc biệt trong bối cảnh phân phối điện ngày càng căng thẳng như hiện nay.

Ông Ngô Tấn Cư – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng: Tổng hòa tất cả các giải pháp để phân phối điện hiệu quả

Hằng năm, tại Đà Nẵng diễn ra rất nhiều sự kiện lớn của cả quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng phát triển liên tục, dự kiến đến năm 2015 sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đồng thời, phụ tải khu vực nhà hàng, khách sạn, dân cư cũng liên tục tăng. Trung bình mỗi năm, PC Đà Nẵng phải đầu tư khoảng 100 tỷ đồng huy động từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn tự có kết hợp với tiết kiệm tối đa chi phí.

 Để đảm bảo phân phối điện hiệu quả trong mùa nắng, biện pháp đầu tiên và thường xuyên của PC Đà Nẵng là quán triệt đến toàn bộ CBCNV ý thức tự giác phục vụ khách hàng với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Theo đó, các quy trình, quy phạm về kinh doanh điện phải được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn lao động, giảm tối đa sự cố xảy ra. Khi khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ điện cũng phải được đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ.

Đà Nẵng còn là thành phố nằm ở miền Trung – khu vực phải chịu nhiều thiệt thòi do thiên tai, bão lụt. Vì thế, các kịch bản ứng phó với thiên tai cũng được PC Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng. Nói cách khác, để đảm bảo phân phối điện hiệu quả, giảm căng thẳng điện đặc biệt trong mùa nắng nóng cần phải tổng hòa tất cả các giải pháp.
 


  • 06/07/2013 04:35
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4254


Gửi nhận xét