Thế giới điện đã phỏng vấn Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân của sự cố này, nhìn từ góc độ kỹ thuật.
Chiếc xe cẩu và cây dầu - "Thủ phạm" gây ra sự cố mất điện hy hữu. Ảnh: CTV
|
PV: Thưa giáo sư, ông nhìn nhận thế nào về sự cố hệ thống điện miền Nam xảy ra chiều ngày 22/5/2013?
Giáo sư Trần Đình Long: Nếu nhìn ở góc độ quy mô và tầm ảnh hưởng, có thể nói đây là một sự cố nghiêm trọng và phức tạp, mặc dù nguyên nhân thì rất đơn giản. Tất nhiên, các sự cố về hệ thống điện do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng đã từng xảy ra, đó là điều không tránh khỏi trong quá trình vận hành. Nhưng gây ảnh hưởng đồng loạt trên quy mô 22 tỉnh thành như vừa qua trong nhiều giờ đồng hồ liền thì quả là tôi chưa từng thấy xảy ra ở Việt Nam. Hậu quả về kinh tế và xã hội thì chắc là sau một thời gian ngắn sẽ có thống kê, nhưng tác động lâu dài đến hệ thống điện nói chung thì chưa chắc đã thống kê được chính xác.
PV: Còn ở góc độ kỹ thuật, Giáo sư có thể cho biết tại sao chỉ vì sự va chạm của 1 cây dầu trong quá trình vận chuyển lại có thể gây tác động lớn đến đường dây 500 kV dẫn tới "rã lưới" toàn bộ hệ thống điện miền Nam?
Giáo sư Trần Đình Long: Đúng là nếu chỉ nhìn và cảm nhận trực giác thì rất khó để có thể hình dung hậu quả lớn của một sự va chạm tưởng như đơn giản đến vậy. Nhưng phân tích ở góc độ kỹ thuật, đây là vấn đề có thể lý giải một cách khoa học.
Trên lý thuyết, rã lưới hệ thống điện xảy ra khi có sự cố làm mất liên kết hệ thống. Ở đây, khi cây dầu đang ở trạng thái được di chuyển va chạm mạnh lên đường dây siêu cao áp đã gây phóng điện, chập điện, khiến hệ thống buộc phải tự động ngắt để bảo vệ an toàn cho tất cả các nhà máy điện trong hệ thống (theo nguyên lý hoạt động của hệ thống điện đã được thiết kế sẵn). Còn nếu phân tích theo thiết kế, thì hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam đã được tính toán chính xác tuyệt đối về khả năng tải. Vì vậy, khi có sự va chạm (ở đây là lực tác động mạnh khi cả cây dầu đổ lên đường dây), khiến một mạch bị ngắt, mạch còn lại sẽ không chịu được tải, sẽ tự động ngắt theo nguyên lý tự động hóa đã được thiết kế sẵn. Tất nhiên khi cả 2 mạch đường dây 500 kV đã ngắt thì toàn bộ hệ thống điện sẽ tự động ngắt, dẫn tới hiện tượng "rã lưới" làm mất điện toàn bộ các tỉnh miền Nam.
PV: Có ý kiến cho rằng, khi thiết kế hệ thống đường dây 500 kV, các sự cố dạng này chưa được tính toán đến, điều đó có chính xác không, thưa Giáo sư?
Giáo sư Trần Đình Long: Nếu không tính toán được những sự cố thế này thì hệ thống không thể tự ngắt để bảo vệ an toàn cho các nhà máy điện và hệ thống điện cả nước được. Vấn đề an toàn hành lang lưới điện nói chung, đặc biệt là lưới điện siêu cao áp nói riêng đều đã được tính toán rất kỹ và cũng đã được quy định rõ trong các Nghị định của Chính phủ cũng như Luật điện lực.
Hành lang an toàn đối với lưới điện 500 kV được quy định là 7m tính từ mép ngoài cùng của đường dây và vì vậy, nếu vi phạm khoảng cách an toàn này, hiện tượng phóng điện sẽ xảy ra, gây sự cố cho đường dây. Luật Điện lực cũng đã có những quy định cụ thể để xử phạt đối với những vi phạm đối với hành lang an toàn lưới điện. Và trên thực tế, công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện đã được các đơn vị ngành Điện triển khai rất rộng rãi thời gian qua.
Tuy nhiên, có thể do chế tài xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe,… nên nhiều vụ vi phạm vẫn đã xảy ra, và điển hình là sự việc nghiêm trọng vừa rồi. Theo tôi đây cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với những cơ quan chức năng liên quan.
PV: Vậy theo Giáo sư, bài học gì có thể được rút ra sau sự cố này?
Giáo sư Trần Đình Long: Tôi nghĩ sau khi khắc phục sự cố và đưa hệ thống điện vận hành trở lại an toàn, thì EVN vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đó không chỉ là quy trách nhiệm cụ thể và xử phạt ai, lái xe cẩu gây sự cố hay các đối tượng liên quan... Việc đó các cơ quan chức năng sẽ phải có trách nhiệm xử lý nghiêm minh.
Nhưng đối với EVN và ngành Điện nói chung, vấn đề quan trọng là làm gì, và làm như thế nào để các sự cố tương tự, hoặc nghiêm trọng hơn, nếu có xảy ra, thì mức ảnh hưởng sẽ được giảm thiểu. Nên chăng có những nghiên cứu, tính toán cụ thể để có những phương án dự phòng sự cố, ví dụ như san tải cho đường dây 500 kV khi có sự cố, để không phải rã lưới toàn hệ thống, dẫn tới mất điện trên diện rộng.
Tôi cho rằng đây cũng là điều EVN từng tính đến, nhưng để giải quyết được cũng là câu chuyện dài hơi, và cần có sự vào cuộc của nhiền bên, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các đơn vị liên quan, chứ một mình EVN không thể tự làm và làm ngay được.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Sự cố gây mất điện 22 tỉnh miền Nam ngày 22/5/2013:
- Xảy ra hồi 14 h19, trên lưới điện 500 kV Bắc – Nam (tuyến Di Linh – Tân Định). Nguyên nhân: Xe tải cẩu cây dầu dài 17,5 m vướng vào đường dây 500 kV gây nổ lớn và phóng điện. Sự cố xảy ra khi hệ thống đường dây 500 kV đang truyền tải công suất cao, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống, dẫn đến mất điện toàn bộ 22 tỉnh miền Nam.
- 15 h54, hệ thống điện cơ bản được khôi phục.
- 17 h, tái cấp điện cho khoảng 30 % các tỉnh thành phía Nam.
- 22 h40, toàn bộ 22 tỉnh miền Nam đã được cấp điện trở lại, hệ thống đường dây 500 kV Bắc – Nam được khắc phục hoàn toàn.
- Đây là một sự cố hy hữu, mức độ ảnh hưởng lớn chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
|