Hợp tác chiến lược 3 tập đoàn năng lượng: Có phải liên kết độc quyền

Sau ký kết hợp tác chiến lược gần đây giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), một số dư luận cho rằng động thái này nhằm tạo ra thế “liên kết độc quyền năng lượng”. Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA).

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA)

PV: Xin ông cho biết tại sao cần phải có sự hợp tác này?

Ông Trần Viết Ngãi: Trong ngành năng lượng Việt Nam có 3 tập đoàn lớn là EVN, PVN, VINACOMIN giữ vai trò chủ chốt có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 3 phân ngành này có sự liên quan hết sức chặt chẽ với nhau. Cụ thể, ngành Than và Dầu khí đảm bảo đầu vào cho ngành Điện, sản phẩm của ngành Điện lại là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành Than và Dầu khí.

PV: Việc hợp tác trước mắt sẽ giải quyết được những vấn đề gì thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Trước mắt, nguồn khí chỉ mới đáp ứng khoảng 40% công suất của các nhà máy, do đó vào mùa khô phải huy động một lượng công suất lớn chạy dầu làm cho chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao. Sự liên kết giữa ngành EVN với Dầu khí sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện.

Bên cạnh đó, còn vấn đề về giá điện. Hiện nay, giá điện của chúng ta đang còn thấp so với khu vực và thế giới. Nhiều năm qua, EVN đã bị lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng do phải chạy dầu vào mùa khô, phải giải quyết hài hòa bài toán giá điện và giá các loại năng lượng sơ cấp đầu vào của sản xuất điện.
 
PV: Dưới góc độ một chuyên gia năng lượng, ông đánh giá thế nào về hiệu quả lâu dài của việc hợp tác này? Và đây có  phải là “liên kết độc quyền” như một số ý kiến?

Ông Trần Viết Ngãi: Trong Quy hoạch điện VII (QHĐ VII), Chính phủ đã lấy mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện cả nước phải đạt được 75.000 MW, điện năng là 330 tỉ kWh. Đây là chiến lược của Đảng, Chính phủ, là thách thức đối với ngành năng lượng.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, nhất thiết cần phải có sự liên kết, hợp tác chiến lược lâu dài và bền vững của 3 tập đoàn kinh tế số một của đất nước. Ở đây không có khái niệm là 3 tập đoàn liên kết để tạo nên sự “độc quyền”, mà sự liên kết này nhằm đảm bảo sự phối hợp liên hoàn, nhằm khắc phục những tồn tại mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra của 3 phân ngành này. Nếu 3 tập đoàn này không liên kết mang tính chiến lược chặt chẽ và bền vững, thì QHĐ VII khó đạt được mục tiêu đã đề ra.

3 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước hoạt động dưới sự kiểm tra giám sát của Đảng, Chính phủ, các bộ chức năng, các ngành liên quan. Vì thế, càng không thể có chuyện “liên kết độc quyền”, mà là sự hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhằm đảm bảo thực hiện an ninh năng lượng Quốc gia.

PV: Theo ông, EVN có kinh nghiệm và lợi thế gì có thể hỗ trợ PVN, Vinacomin trong quá trình hợp tác?

Ông Trần Viết Ngãi: Kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống điện, vận hành quản lý các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, turbin khí hỗn hợp và điện nguyên tử sau này, cũng như vận hành đường dây và trạm biến áp...) là một thế mạnh để  EVN hỗ trợ cho PVN, VINACOMIN trong đào tạo nhân lực quản lý vận hành. Bên cạnh đó, về đầu tư các dự án trung tâm điện lực của QHĐ VII, nhiều dự án của 3 tập đoàn này có liên quan với nhau, nên việc hợp tác với nhau nhằm giải quyết tốt vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung, cũng như hỗ trợ vốn, hỗ trợ cán bộ quản lý dự án cũng là điều hết sức cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông!
 


  • 02/05/2013 07:27
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3936


Gửi nhận xét