Phải xem kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc

Trước  thách thức về an ninh năng lượng và ô nhiễm môi trường, một số quốc gia trên thế giới đã chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Phóng viên evn.com.vn đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường - Tổng cục Môi trường về cơ hội và thách thức trong việc triển khai kinh tế xanh tại Việt Nam.

PGS.TS Phạm Văn Lợi Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường - Tổng cục Môi trường

PV: Xin ông cho biết, vì sao kinh tế xanh là mô hình phát triển của nhiều nước trên thế giới?

PGS.TS Phạm Văn Lợi: Chính sách kinh tế xanh có thể giúp các nước phát triển và đang phát triển đạt được các lợi ích về kinh tế thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, góp phần giảm chi phí nhập khẩu, hạn chế những chi phí liên quan trong quá trình sản xuất, gỡ bỏ rào cản, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi, tạo lợi thế cạnh tranh cho các loại hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Bên cạnh đó, nền kinh tế xanh có khả năng tạo ra việc làm trong một loạt các lĩnh vực mới nổi và nhiều tiềm năng như du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, công nghiệp xanh, công nghiệp và dịch vụ môi trường… Vì vậy, kinh tế xanh được xem là mô hình phát triển có thể giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

PV: Việt Nam có những thuận lợi nào khi triển khai kinh tế xanh, thưa ông?

PGS.TS Phạm Văn Lợi: Hiện nay, Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở nhằm quy định và khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy việc phát triển, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; khuyến khích các hoạt động sản xuất và tiêu dùng ít gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Đồng thời, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua tạo ra nội lực bên trong, xây dựng tiền đề cho một xu thế phát triển mới. Xu hướng hợp tác quốc tế cũng tạo điều kiện cho Việt Nam cơ hội học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước, các tổ chức trên thế giới đã thành công trong mô hình phát triển kinh tế xanh như Đan Mạch, Đức, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, UNDP ... Người dân ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc lựa chọn và phát triển mô hình “kinh tế xanh” vì những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian vừa qua.

Phát triển kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc

PV: Vậy còn những thách thức thì sao, thưa ông?

PGS.TS Phạm Văn Lợi: Đầu tiên, khái niệm về kinh tế xanh hiện nay còn khá mới mẻ và chưa thật rõ ràng. Công nghệ sản xuất của Việt Nam so với thế giới còn rất cũ kỹ, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, dẫn đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí, phát sinh lượng lớn chất thải, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.

Thói quen tiêu dùng cũ, lạc hậu, thiếu sự lựa chọn là những khó khăn mà người tiêu dùng Việt Nam đang phải đối mặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới. Công tác quản lý nhà nước cho từng ngành chưa thật sự hiệu quả, chất lượng tăng trưởng trong từng ngành kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đây là rào cản rất lớn trên con đường đi tới xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam.

PV: Theo ông, để bắt nhịp với xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam cần phải làm gì để có thể xây dựng được nền kinh tế xanh?

PGS.TS Phạm Văn Lợi: Với đặc điểm là quốc gia đang phát triển, nguồn vốn đầu tư cho quản lý môi trường còn hạn chế, điều kiện về cơ sở hạ tầng còn yếu, do vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần tập trung vào những nội dung cụ thể của kinh tế xanh dựa trên cách tiếp cận theo ngành, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Cụ thể, đó là đầu tư vào công nghệ để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao và áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó là tập trung đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ, phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối... Hỗ trợ về kỹ thuật cho các doanh nghiệp có nhu cầu với mục tiêu loại bỏ chất thải, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Hay giống như các quốc gia khác, phải xem kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc đối với quốc gia.

PV: Cảm ơn ông!

Khái niệm “kinh tế xanh”

 “Kinh tế xanh là một nền kinh tế năng lượng sạch, bao gồm 4 lĩnh vực chủ yếu:

- Năng lượng tái tạo (mặt trời, gió);

- Công trình xanh và công nghệ hiệu quả về năng lượng;

- Cơ sở hạ tầng và giao thông hiệu quả về năng lượng;

- Tái chế và biến chất thải thành năng lượng”

(Theo: Defining the Green Economy: A Primer on Green Economy Development . Tạm dịch là Xác định nền kinh tế xanh: Một tiền đề để phát triển kinh tế xanh).

Lần đầu tiên được thảo luận vào tháng 6/2012, tại Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 về phát triển bền vững.

 


  • 20/02/2013 06:29
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 4281