Những “sự cố” ngày xuân không dễ quên

Tết đến, xuân về, việc đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định là nhiệm vụ được các cán bộ ngành Điện chú trọng hơn bao giờ hết. Sự cố điện được khắc phục, người dùng có thể không nhớ, nhưng với những người làm điện lại trở thành những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.

Đối với nhiều CBCNV, mỗi sự cố trong những ngày tết lại gắn liền với một kỷ niệm 

Anh Đỗ Văn  Huấn – Điện lực Văn Chấn – Công ty Điện lực Yên Bái: 

Bà con cùng thợ điện khắc phục sự cố

Xuân Canh Dần năm 2010 dường như đến sớm hơn mọi năm,Tổ quản lý vận hành Ba Khe chúng tôi đã bố trí phân ca trực 24/24 h, với yêu cầu phải đảm bảo ổn định điện cho người dân đón xuân, mọi phương án cấp điện đã được xây dựng chi tiết, cụ thể, vật tư, thiết bị dự phòng cũng đã chuẩn bị đầy đủ. Phòng trực của trạm được trang trí thêm với cành đào, hộp mứt, bánh chưng, lại có cả cặp bánh dày của bà con người H’Mông tận bản Khe Cọ gửi xuống.

Cả đội hẹn gặp nhau trong đêm giao thừa để đón xuân, các điểm trực ở các khu vực Bình Thuận, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Đại Lịch... liên tục điện thoại báo về công suất các trạm biến áp tăng cao nhưng vẫn trong giới hạn cho phép, vận hành khá ổn định. Gần đến giao thừa, bỗng điện thoại từ điểm trực tại xã Thượng Bằng La báo về, trạm biến áp Bản Dạ bị đứt dây do pháo giấy kim loại ném lên làm ngắn mạch 3 pha, cả khu vực gồm hàng trăm hộ dân chìm trong bóng tối.

Chúng tôi lập tức lên đường, đoạn đường từ trạm đến Bản Dạ dài gần 7 km, nhưng chỉ sau 10 phút chúng tôi đã có mặt, lúc này có mặt rất đông bà con người H’Mông, Thái, Tày, mọi người đang rất lo lắng, không biết liệu giao thừa có điện không?. Ngay lập tức chúng tôi bắt tay vào khắc phục sự cố, nhưng với vài ba chiếc đèn pin, ánh sáng yếu ớt lại làm trên cao nên công việc triển khai tương đối chậm. Thấy vậy, ông trưởng bản đã huy động người dân đốt đuốc, chạy thêm máy phát điện để lấy ánh sáng cho chúng tôi làm việc. Thanh niên trong bản cũng tập trung phụ giúp nhóm công tác kéo dây lấy lại độ võng, chuyển vật tư... Với quyết tâm, bằng mọi giá phải có điện cho dân trước giao thừa, moi người đều làm việc với tinh thần hết sức khẩn trương. Trong cái rét se sắt của mùa đông năm ấy nhưng áo quần ai  cũng ướt nước mưa, mồ hôi đẫm người, cổ họng khô rát vì khát.

Sau gần 2 giờ, sự cố đã được khắc phục, có điện mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chỉ còn 5 phút nữa đến giao thừa, bà con Bản Dạ không ai bảo ai, mang ruợu, bánh chưng, dày, tẻ... các cô gái H’Mông xúng xính trong bộ váy áo sặc sỡ, bê chén rượu ngô mời anh em công nhân điện. Mọi người ai cũng thấm mệt nhưng vẫn cảm nhận được tình cảm sâu sắc, chân thành của bà con Bản Dạ.

 

Anh Ngô Thanh Kính – Điện lực Nam Sông Hương – Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế:

Rải dây qua hồ nước trong đêm…

Tôi còn nhớ mãi, vào ngày 30 Tết năm Nhâm Thìn, tôi được lãnh đạo phân công trực từ 14h00 đến 22h00. Giữa lúc đó, khoảng 21h30 phút, tại khu vực thôn 1 xã Thủy Dương, TP Huế, khu vực cấp điện TBA Hố Môn tăng tải đột biến gây sự cố đứt dây làm mất điện.

Giá rét của đêm 30 Tết, lại phải vượt qua một hồ nước mà không có phương tiện ghe, thuyền để chuyển rải dây, khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý sự cố. Nhưng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để có điện cho người dân đón giao thừa, sau gần 2 tiếng đồng hồ, toàn bộ dây đã được thay mới, đủ điều kiện an toàn cấp điện lại cho khu vực. Bất ngờ khi có điện trở lại, người dân không ngừng cảm ơn anh em chúng tôi vì đã không quản ngại đêm hôm, giá rét, vượi mọi khó khăn về địa hình khắc phục sự cố, giúp cho bà con có điện đón giao thừa.

Lúc này đồng hồ đã điểm 23h45 phút, anh em nhìn nhau nửa mừng nửa tủi, mừng vì công việc đã hoàn thành nhưng tủi vì không kịp về đón giao thừa cùng gia đình. Đúng lúc ấy, bà con kéo đến quanh chúng tôi, họ đem bánh, kẹo, mứt mời anh em ăn. Nhâm nhi lát mứt gừng với tách trà nóng, vừa thưởng thức được mùi cay, ngọt của bánh, mứt chúng tôi còn cảm nhận được tình cảm rất chân thành của người dân nơi đây. Có lẽ đó là một kỷ niệm đẹp mà chỉ anh em ngành Điện chúng tôi mới có được.

Anh Tạ Cường – Phó giám đốc Xí nghiệp Sửa chữa – Thí nghiệm, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung:Anh Ngô Thanh Kính – Điện lực Nam Sông Hương – Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế: 

Mang ánh sáng đến mọi nhà là niềm vui lớn nhất

Trong công tác quản lý vận hành lưới điện cao áp, công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu, vì thế, hiếm khi chúng tôi để xảy ra sự cố gây mất điện vào ngày xuân lắm. Trong gần 7 năm qua, chỉ duy nhất ngày mồng 3 tết năm 2010, xảy ra hiện tượng bất thường là Pha A máy cắt lộ tổng 332 tại Trạm biến áp 110 kV Phù Cát, Bình Định bị rò khí Sf6.

Hôm ấy, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của cấp trên nhóm chúng tôi lập tức lên đường. Ly trà bỏ dở, ổ bánh mỳ nhai vội trong lúc xe lăn bánh, vừa bàn bạc phương án, phân công công việc. Phải mất hơn bốn giờ đồng hồ cho chặng đường từ TP Đà Nẵng vào điểm sự cố. Toàn bộ khối lượng từ tháo gỡ cực máy cắt hư hỏng, thay thế cực máy cắt mới, hút chân không, nạp khí, thí nghiệm... chúng tôi cố gắng thực hiện trong vòng hơn hai tiếng đồng hồ và nhanh chóng cấp điện lại cho bà con.

Lúc này, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng trên vai. Thợ điện chúng tôi là như vậy, vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ, khi cần chúng tôi có, khi khó có chúng tôi bởi niềm vui, hạnh phúc là được mang ánh sáng đến cho muôn nhà.

Anh Huỳnh Đình Toàn - Công nhân Trạm 110 kV Lao Bảo, Quảng Trị

Lo sự cố, quên cả xôi gà

Tết năm 2000 là cái tết đáng nhớ của tôi, lúc đó, tôi còn trẻ, được phân công cùng với 2 công nhân và 2 thợ máy trực máy phát điện. Nhu cầu phụ tải vào những ngày lễ, tết thường tăng cao, Công ty Điện lực Quảng Trị thường phải huy động thêm các máy phát phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân nhất là vùng biên giới. Mặc dù máy phát hoạt động ổn định, anh em vẫn không dám lơ là cứ 30 phút lại thay phiên nhau đi kiểm tra một  lần. Tưởng mọi việc trôi chảy, gần đến 12h đêm giao thừa, trong lúc 5 anh em đang tranh thủ, mỗi người một việc, người cầm cau trầu hoa quả, người cầm gà trống, người cầm rượu tính sắp mâm, làm lễ đón giao thừa thì bỗng dưng xảy ra sự cố bị sụt áp.

Hoảng quá, cả 5 anh em vắt chân lên cổ chạy đi xử lý. Sau 20 phút sự cố được khắc phục xong, lại đi tìm xôi gà, do không biết trong lúc vội, anh em để đâu. Ngó đồng hồ thì đã qua giờ hoàng đạo sang năm mới mất rồi.

Anh Trần Tại  (Điện lực Khe Sanh - Quảng Trị)

Lỡ đón giao thừa

Từ năm 2010 trở về trước, cơ sở vật chất và phương tiện dành cho phục vụ công tác sửa chữa sự cố lưới điện của Điện lực Khe Sanh còn thiếu thốn và khó khăn. Tôi còn nhớ lần trực Tết năm 2010, khi nhận được điện thoại của người dân tại xã A Dơi - cách thị trấn Khe Sanh 35km, tôi cùng mấy anh em đi xe máy vào, đến bản đã gần 12h đêm. Xử lý xong sự cố, trở ra thị trấn đã gần 3h sáng. Coi như năm đó mấy anh em không kịp đón giao thừa.

Đó cũng không còn là chuyện lạ, trực tết với thợ điện như anh em chúng tôi, không được đón giao thừa là chuyện bình thường. Nhưng những đêm giao thừa ấy bao giờ chúng tôi cũng có những niềm vui nho nhỏ, đấy là khi đảm bảo được điện sáng ổn đinh cho bà con đón giao thừa.

Anh Ngô Quang Duy (Công ty Điện lực Ba Đình - EVN HANOI)

Thêm một người mẹ

Tôi còn nhớ như in Tết năm 2009, cái Tết trực giao thừa lần thứ 2 của tôi. Khoảng 12h kém 15 phút, nhận được điện thoại của một người dân tại Kim Mã Thượng bị mất điện. Tôi cùng với một đồng chí nữa trong tổ chạy xe máy đến nơi. Chúng tôi đã hết sức bất ngờ khi trong đêm giao thừa chỉ có một mình cụ bà 80 tuổi. Hỏi ra mới biết, 2 ông bà đều là người có công với cách mạng, nhà nghèo, cụ ông mới mất, ông bà lại không có con nên chỉ còn mình bà. .

Khắc phục sự cố xong định chào cụ ra về, cụ liền lấy ra 2 tờ 50 nghìn để cám ơn, nhưng chúng tôi nhất quyết không lấy. 2 anh em thấy hoàn cảnh cụ nghèo nên chẳng ai bảo ai, mỗi người lấy luôn phong bì mới được lì xì tại cơ quan biếu thêm cho cụ. Cụ cảm động và nhất quyết giữ chúng tôi lại đón giao thừa.

Khi sửa chữa thấy đường điện trong nhà cụ đã cũ nát và xuống cấp, chúng tôi hẹn với cụ ra Giêng sẽ đến làm lại cho cụ để đảm bảo an toàn. Đến lần gặp thứ 3 sau khi chúng tôi giúp đi lại toàn bộ đường dây điện trong nhà cụ, thì cụ thắp hương, trước bàn thờ tổ tiên xin nhận 2 chúng tôi làm con nuôi. Mong muốn thấy cụ hạnh phúc, chúng tôi gật đầu và nhận cụ làm mẹ nuôi. Vậy là từ cái Tết năm 2009, chúng tôi có thêm một người mẹ cách mạng.


  • 15/02/2013 05:36
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 3466


Gửi nhận xét