Ông John Neilsen
|
PV: Lý do nào Đan Mạch chọn hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch, thưa ông?
Ông John Neilsen: Những năm qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam thường tăng gấp hai lần so với tăng trưởng GDP. Trong khi đó, tại các nước phát triển, tỷ lệ này là trên dưới một lần. Riêng với Đan Mạch, hơn 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế trên 80%, nhưng không sử dụng thêm bất kỳ nguồn năng lượng nào. Điều đó cho thấy, không có sự liên quan nào giữa việc tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng năng lượng.
Trong 5 năm gần đây, Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có các biện pháp đo lường hiệu quả về sử dụng năng lượng tiết kiệm, việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp chưa thực sự được đẩy mạnh, để giúp họ nhận thức rõ sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp tối ưu để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và góp phần xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam.
Từ đó, đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao nhận thức trong việc tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là đối với công nghiệp và tòa nhà sử dụng ngân sách nhà nước – hai khu vực tiêu thụ năng lượng nhiều nhất hiện nay. Việc triển khai chiến dịch Hiệu quả năng lượng cho công nghiệp và tòa nhà sử dụng ngân sách nhà nước là quyết định đúng đắn của Bộ Công Thương Việt Nam. Đan Mạch sẽ tích cực hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong chiến dịch này.
PV: Việc suy giảm kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ của Đan Mạch không, thưa ông?
Ông John Neilsen: Ngay từ năm 2009, Đan Mạch cùng với Bộ Công Thương Việt Nam đã có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, với tổng giá trị là 15 triệu USD. Gần đây nhất là đầu tháng 11/2012, Bộ Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch tiếp tục ký với Bộ Công Thương Việt Nam Bản ghi nhớ cam kết hỗ trợ tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, trị giá hơn 14 triệu USD.
Dự kiến, từ ngày 1/1/2013, gói hỗ trợ này sẽ bắt đầu được triển khai. Hai minh chứng này cho thấy, mặc dù có sự suy giảm kinh tế, nhưng Đan Mạch vẫn không giảm hỗ trợ cho Việt Nam và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong thời gian tới.
PV: Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để sớm tiếp cận với nguồn vốn này và triển khai các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả?
Ông John Neilsen: Ngoài Đan Mạch, Tổ chức tài chính Quốc tế - IFC, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA cũng có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc tiếp cận các nguồn vốn này không khó khăn. Song trên thực tế, việc giải ngân lại không dễ dàng do khó thuyết phục được các doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Thông qua chiến dịch này, Đan Mạch muốn cùng Chính phủ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức tiến hành kiểm toán năng lượng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cân đối nguồn vốn, giúp các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chiến dịch Hiệu quả năng lượng cho công nghiệp và tòa nhà sử dụng ngân sách nhà nước:
- Thời gian triển khai: Từ năm 2012 đến năm 2015
- Mục đích: Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước về sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
- Mục tiêu: Giảm 5 – 8% năng lượng tiêu thụ đối với các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm từ 1.000 TOE/năm; 10% năng lượng tiêu thụ đối với các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý các tòa nhà của Chính phủ.
|