Ông S. A. Boyarkin - Giám đốc các Chương trình Đầu tư cơ bản của Rosatom – Nga: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn

Là đối tác chính trong dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Giám đốc các Chương trình Đầu tư cơ bản của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom) - ông S. A. Boyarkin khẳng định, sẽ hỗ trợ toàn diện cho Việt Nam đảm bảo an toàn cao nhất cho quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy.

ông S. A. Boyarkin

PV: Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom) sẽ hỗ trợ như thế nào cho Việt Nam trong quá trình triển khai xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, thưa ông?

Ông S. A. Boyarkin: Hiện tại, Rosatom đã hoàn thành hồ sơ đánh giá mức độ an toàn của địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Bước tiếp theo trong báo cáo khả thi, Rosatom và Việt Nam sẽ tiến hành lựa chọn công nghệ và tính toán chi phí. Các công việc về khảo sát địa điểm, báo cáo tiền khả thi trước khi xây dựng đều được tiến hành theo đúng lộ trình, nhằm đảm bảo mọi điều kiện an toàn cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Đồng thời, Nga còn tích cực phối hợp với Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân – Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thiết lập hệ thống văn bản pháp quy nhằm đảm bảo an toàn trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Chính phủ Nga cũng đang phối hợp với Việt Nam xây dựng Trung tâm KH- CN  hạt nhân.

Bên cạnh đó, Rosatom sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và cải tiến những công nghệ cần thiết khác cho Nhà máy. Sau khi hết chu kỳ hoạt động, các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ để lại tại Việt Nam trong 3 năm, sau đó chuyển về Nga xử lý hoặc tái chế tại các nhà máy chuyên sử dụng để thanh lý các thanh nhiên liệu. Đó là sự hỗ trợ toàn diện của nước Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

PV: Nhu cầu nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân rất lớn và Việt Nam đang gặp khó khăn về vấn đề này. Nhiều ý kiến e ngại Việt Nam sẽ không đủ thời gian và kinh nghiệm chuẩn bị nhân lực cho nhà máy ĐHN trong tương lai. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông S. A. Boyarkin: Để xây dựng và vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ở cả 2 tổ máy cần khoảng 1.000 CBCNV, trong đó 300 công nhân, 700 kỹ sư. Thêm 300 người làm việc ở các đơn vị giám sát. Đồng thời, còn có sự tham gia của các chuyên gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Tổng cộng khoảng 1.500 người.

Hiện nay, mỗi năm, Chính phủ Nga còn phối hợp đào tạo khoảng 100 sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học chuyên ngành Điện hạt nhân tại Nga, thuộc các lĩnh vực, vận hành, xây dựng, giám sát... Ngoài ra, các chuyên gia thuộc các bộ, ngành, viện nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình làm việc với các chuyên gia Nga cũng được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại các trung tâm thực nghiệm, cùng chia sẻ kinh nghiệm về điện hạt nhân. Vì vậy, tương lai trong 10 năm tới chắc chắn Việt Nam sẽ đào tạo được khoảng 1.500 người, đủ nhân lực để vận hành Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên.

PV: Với các điều kiện đặc thù chính trị, kinh tế, xã hội và tự nhiên của Việt Nam, Rosatom đã gặp những khó khăn gì trong quá trình hợp tác, thưa ông?

Ông S. A. Boyarkin: Rosatom đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật khác nhau và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. để có thể hợp tác xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Rosatom đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ pháp luật cùng các yếu tố đặc thù của Việt Nam, đảm bảo cho nhà máy được xây dựng và vận hành an toàn, ổn định.

Mỗi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lại có những khó khăn riêng. Song, khó khăn lớn nhất hiện nay là rất ít các chuyên gia của Nga biết tiếng Việt, ảnh hưởng đến việc học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước.

Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau thời điểm xảy ra sự cố Fukushima (Nhật Bản), từ đó có nhiều ý kiến quan ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân. Vì vậy, mọi yêu cầu an toàn đã được chúng tôi đưa lên ở mức cao hơn so với dự kiến ban đầu. Rosatom đảm bảo rằng, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn?

Ông S. A. Boyarkin: Đối với một nhà máy điện hạt nhân, việc lựa chọn công nghệ là quan trọng nhất. Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) xảy ra sự cố tháng 3/2011, là nhà máy được xây dựng theo công nghệ 1 chu kỳ.

Trong khi đó, khoảng 20 năm trở lại đây, các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng trên thế giới đều chuyển sang công nghệ 2 chu kỳ. Công nghệ mà Rosatom hiện nay đang áp dụng và cung cấp là công nghệ 2 chu kỳ với tổ hợp máy thuộc thế hệ 3+. Thực tế đã chứng minh năm 2008, sau khi vượt qua 30 cuộc kiểm tra của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hai tổ hợp máy thuộc thế hệ 3+ ở Trung Quốc do Rosatom cung cấp được đánh giá là an toàn nhất thế giới.

Trong mọi trường hợp xảy ra sự cố như động đất, sóng thần… chất phóng xạ vẫn được đảm bảo an toàn trong nhà máy và không bị rò rỉ ra ngoài môi trường. Là đối tác chính trong dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, chúng tôi cũng sẽ áp dụng công nghệ này đối với nhà máy.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân: Chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi đảm bảo an toàn

Sau sự cố xảy ra tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), vấn đề an ninh, an toàn cho điện hạt nhân trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tất cả các quốc gia đều được cảnh báo là phải tăng cường cơ sở hạ tầng để đảm bảo an ninh cho điện hạt nhân. Thời gian qua, Việt Nam đã hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để thực hiện dự án phát triển hạ tầng điện hạt nhân. Việt Nam phải tham gia các công ước quốc tế cũng như văn bản pháp quy của riêng mình, đồng thời xây dựng cơ sở nghiên cứu an toàn đủ mạnh gồm các viện nghiên cứu, cơ quan pháp quy, nguồn nhân lực trình độ cao đủ để vận hành nhà máy. Chỉ khi nào đảm bảo mọi điều kiện cần thiết về an toàn, Việt Nam mới tiến hành xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

 


  • 02/01/2013 10:47
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3695


Gửi nhận xét