Sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Nga sẵn sàng hợp tác để tạo ra ngành công nghiệp hạt nhân tại Nam Phi” nhân dịp Tổng thống Cộng hòa Nam Phi - Jacob Zuma tới thăm Sochi (tháng 5/2013), Rosatom bắt đầu hiện thực hóa lời hứa này.
Bắt đầu bằng việc đào tạo các chuyên gia hạt nhân cho Nam Phi, Rosatom Overseas đã ký kết một biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Tây Bắc của Nam Phi - Cơ quan duy nhất của quốc gia này được phép cấp bằng trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân. Theo đó, các chuyên gia của hai nước sẽ hợp tác trong nghiên cứu khoa học, hội thảo hoặc chuẩn bị các tài liệu giảng dạy về năng lượng hạt nhân.
|
Cộng hòa Nam Phi hiện chỉ có duy nhất Nhà máy Điện hạt nhân Koeberg |
Ông Herman Van Schalkwyk - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc - Nam Phi nhấn mạnh, năng lượng hạt nhân là một vấn đề quan trọng cốt yếu đối với Cộng hòa Nam Phi, chính vì vậy việc hợp tác với Rosatom là rất cần thiết.
Trong khi đó, theo ông Dzhomart Aliev, Tổng giám đốc Rosatom Overseas, biên bản ghi nhớ này đã mang tới một cơ hội lớn cho cả hai. Một mặt, giúp phát triển giáo dục kỹ thuật tại Cộng hòa Nam Phi. Mặt khác, việc tiếp cận làm quen với những công nghệ của Nga cùng những nghiên cứu khoa học sẽ là cơ sở vững chắc để phát triển quan hệ kinh doanh của Rosatom ở châu Phi.
Việc Rosatom thực hiện các chương trình phát triển điện hạt nhân của Nam Phi dự kiến sẽ tạo ra thêm 15.000 việc làm trong xây dựng, dịch vụ và vận hành tại các nhà máy mới, cũng như hàng ngàn công ăn việc làm trong các ngành công nghiệp liên quan. Từ đó, doanh thu cho các công ty của Nam Phi sẽ tăng thêm khoảng 15 tỷ USD và bảo đảm 3,5 tỷ USD tiền thuế được nộp vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, với chủ trương nội địa hóa trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Nam Phi sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế của địa phương, tăng khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng.
Hiện ở Nam Phi, khoảng 90% năng lượng được sản xuất từ các nhà máy điện sử dụng than. Từ tháng 3/2011, Nam Phi đã phê duyệt kế hoạch phát triển tài nguyên dài hạn, trong đó có nội dung nâng phần đóng góp của năng lượng hạt nhân trong năng lượng - hỗn hợp của quốc gia lên đến 25% vào năm 2030.