Ông Nguyễn Trọng Oánh
|
PV: “Với đặc thù của lĩnh vực thủy điện, người ta sẽ không thể tìm ra một sự phát triển đột biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Câu nói này của ông liệu có làm các cổ đông của DHD thất vọng hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Oánh: Tôi có thể khẳng định là không, có nhiều lý do để chứng minh cho thực tế này. Hoạt động của doanh nghiệp sản xuất thủy điện có sự khác biệt khá nhiều so với các đơn vị khác. Ví dụ, sản phẩm điện sản xuất ra không thể để dành, muốn xây dựng một nhà máy thủy điện dù quy mô nhỏ thì cũng phải mất nhiều năm mới hoàn thành, thủy điện lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu, thủy văn… Vì vậy, không doanh nghiệp sản xuất thủy điện nào đặt ra mục tiêu tăng trưởng đột biến, hay mở rộng quy mô sản xuất qua từng năm cả.
Đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp sản xuất thủy điện phải đi liền với chiều sâu, ổn định và bền vững. Phát triển của một nhà máy sản xuất thủy điện cần được đánh giá bằng quá trình nắm bắt, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý. Đó là hệ số an toàn vận hành của thiết bị, khả năng sẵn sàng của máy móc và trình độ quản lý, kỹ thuật của con người điều hành thiết bị đó phải thường xuyên được nâng cấp.
PV: Sự khác biệt với “chiều sâu, ổn định và bền vững” được ông nhắc tới hiện hữu ở DHD thời gian qua là gì?
Ông Nguyễn Trọng Oánh: Trong khoảng 5 năm trở lại đây, DHD đã thành công trong quyết tâm đổi mới toàn diện các nhà máy thủy điện thuộc hệ thống do DHD quản lý vận hành.
DHD cũng không ngừng nâng cao giá trị gia tăng trên cơ sở lợi thế là có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật hùng hậu và nhiều kinh nghiệm trong công tác vận hành, sửa chữa thiết bị thủy điện. Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật DHD được ra đời vào năm 2010, thực sự đã trở thành “cánh tay vươn dài” mang thương hiệu DHD đến với thị trường thông qua lĩnh vực quản lý, lắp đặt, giám sát, đào tạo nghề và sửa chữa thiết bị thủy điện, cơ khí. Các đối tác của Trung tâm từ phạm vi khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã vươn ra thị trường cả nước và từng bước thâm nhập không chỉ lĩnh vực điện lực mà cả lĩnh vực dầu khí.
Để đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Dịch vụ cũng như đáp ứng yêu cầu vận hành hiệu quả hệ thống máy móc của các nhà máy, hiện DHD đang đặt hàng các phần mềm quản lý về công tác sửa chữa, theo dõi giám sát thiết bị cũng như triển khai phòng thí nghiệm điện và hóa dầu để công tác sửa chữa, hiệu chỉnh thiết bị đạt chất lượng tốt hơn nữa.
Nhằm tham gia tích cực, chủ động vào thị trường phát điện cạnh tranh, trong gần 2 năm qua, DHD đã chú trọng đầu tư cho tổ thị trường điện và tiến tới là hoàn thiện trung tâm điều hành sản xuất DHD. Bởi 4 nhà máy có hệ thống thiết bị khá hoàn chỉnh, nhưng với sự khác biệt về chế độ thủy văn, nên rất cần 1 “đầu não” điều hành linh hoạt, chính xác, tạo sự liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau giữa các nhà máy. Đây vừa là giải bài toán quản lý nội bộ, nhưng với khả năng mở rộng sau này, có thể góp phần mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho DHD.
Đồng thời, DHD cũng đang tiến hành đầu tư xây dựng Thủy điện Hạ Sông Pha để tận dụng tối đa nguồn nước từ Thủy điện Sông Pha, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của Công ty. Với nỗ lực thi công ngày đêm liên tục, hiện dự án đã đạt khoảng 50% khối lượng công việc. Dự kiến Nhà máy Thủy điện Hạ sông pha 1 (2 tổ máy với tổng công suất 5,4 MW) sẽ hoàn thành vào tháng 4/2013.
PV: Cùng với việc phát triển nguồn lực và mở rộng phạm vi hoạt động, công tác quản trị doanh nghiệp của DHD sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần có gì khác trước đây (khi còn là một doanh nghiệp nhà nước) không thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Oánh: Cá nhân tôi từ khi giữ vai trò lãnh đạo DHD đến nay chưa bao giờ quan niệm quản trị doanh nghiệp nhà nước thì phải khác quản trị công ty cổ phần. Vì với tôi, công ty nhà nước về bản chất cũng là một công ty cổ phần mà nhà nước là cổ đông duy nhất. Nên dù hoạt động dưới mô hình nào thì lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động đều phải có trách nhiệm với cổ đông với khách hàng và với cộng đồng. Một người lãnh đạo luôn cần tâm niệm là làm sao cho công ty phát triển và đời sống cán bộ, nhân viên của mình được chăm lo, hưởng lợi từ những giá trị mà doanh nghiệp mang lại.
Bản chất vấn đề quản trị doanh nghiệp là như vậy. Tuy nhiên, cũng có những đòi hỏi, sức ép lớn đặt ra trong các mặt hoạt động của DHD sau khi hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần. Cụ thể khi chuyển sang mô hình cổ phần, trước tiên DHD gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư. Quá trình thu xếp vốn, trả nợ đã chuyển sang vai doanh nghiệp, thay vì trước đó là EVN. Trong khi mỗi năm lỗ tỷ giá của DHD đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có thể thấy rõ về mặt hình thức, công ty cổ phần tạo sức ép cho người quản trị lớn hơn, bởi phải đáp ứng cao hơn yêu cầu của nhiều cổ đông, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao hơn về công khai, minh bạch thông tin trước cổ đông và công chúng. Tuy nhiên, với quyết tâm không ngừng tìm tòi, sáng tạo, Ban lãnh đạo DHD luôn hướng tới làm sao cho công tác quản trị phải đáp ứng thật tốt yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, năng suất lao động đạt cao nhất và mang lại những giá trị về văn hóa cho công ty và người lao động.
PV: Như vậy, theo ông tiêu chí của DHD về giá trị phát triển con người, của đời sống người lao động được đặt ra như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Oánh: Theo tôi có thể bó gọn trong những phương châm hành động, hay cam kết của doanh nghiệp thế này:
Chúng tôi muốn tạo ra môi trường làm việc tốt. Hiện tại không phải công ty nào cũng có được một môi trường làm việc công sở được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại và thân thiện với môi trường, nhưng DHD đã làm được.
Chúng tôi muốn tạo ra cho người lao động những giá trị đích thực của cuộc sống. Cụ thể chúng tôi không ngừng tạo dựng một môi trường công sở thân thiện, mọi thành viên được tôn trọng, được động viên khích lệ kịp thời, được đánh giá đúng những đóp góp của cá nhân, tập thể đó đối với Công ty.
Chúng tôi không ngừng chăm lo nơi ăn, chốn ở của anh, chị em cán bộ nhân viên của DHD. Thực tế này được chứng minh qua đời sống cư xá DHD tại Bảo Lộc, nơi phần lớn gia đình CBCNV DHD đang làm việc và sinh sống. Những căn hộ rộng rãi, đáp ứng tiêu trí tiện nghi, thoải mái, thoáng đạt. Chúng tôi muốn mỗi cán bộ, nhân viên DHD sau những giờ làm việc căng thẳng có được không gian riêng tư, ấm áp bên gia đình. Người lao động trong mỗi chuyến đi xa phục vụ yêu cầu công việc luôn yên tâm vì gia đình mình có nơi ăn, chốn ở an toàn, bình yên.
Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực để triển khai thành lập một làng điện lực tại Bảo Lộc, đáp ứng nhu cầu về nhà ở sở hữu riêng cho CBNV DHD, đảm bảo cho mục tiêu phát triên lâu dài trong tương lai, ngay cả khi người lao động đến tuổi về hưu hay không làm việc cho DHD nữa.
Những cam kết này đã và đang trở thành hiện thực. Một điều rất đáng mừng là dù nguồn nhân lực kỹ thuật của DHD luôn được các công ty khác nhòm ngó, nhưng thời gian qua rất ít lao động kỹ thuật cao rời DHD để tìm việc ở nơi khác.
PV: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị!
Năm 2006, dự án phục hồi hệ thống thiết bị Thủy điện Đa Nhim công suất 160 MW hoàn thành đã đem lại sức sống mới cho một nhà máy có công nghệ cũ được vận hành khai thác từ năm 1964.
Đa Nhim là nhà máy thủy điện đem lại giá trị kinh tế cao bậc nhất trong hệ thống thủy điện cả nước.
Từ năm 2008 - 2010, các nhà máy Thủy điện Đa Mi (công suất 175 MW), Sông Pha (7,5 MW) đã được đầu tư hệ thống thiết bị điều khiển hiện đại đáp ứng được yêu cầu vận hành từ xa.
Số lượng lao động của DHD: 269 người
* Khối Trực tiếp sản xuất: 91 người (gồm Cụm Nhà máy Hàm Thuận - Đa Mi - 42 người, Cụm Nhà máy Đa Nhim - Sông Pha - 49 người).
* Khối Dịch vụ phụ trợ: 94 người (gồm Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật)
* Khối Quản lý gián tiếp: 84 người.
Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD):
* Thành lập ngày 21/5/2001
* Tổng công suất lắp đặt là 642,5 MW (13 tổ máy)
* Điện lượng bình quân 2,6 tỷ kWh/năm
* Quản lý, vận hành 4 nhà máy thủy điện:
Nhà máy Thủy điện Đa Nhim:
- Tổng công suất: 160 MW
- Sản lượng 1 tỷ kWh/năm
- Chính thức vận hành khai thác từ năm 1964
- Bắt đầu phục hồi, thay đổi toàn bộ thiết bị công nghệ mới từ năm 2005, đến tháng 8/2006 hoàn thành đồng bộ.
Nhà máy Thủy điện Đa Mi:
- Tổng công suất: 175 MW
- Sản lượng 590 triệu kWh/năm
- Chính thức vận hành khai thác năm 2001
Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận:
- Tổng công suất: 300 MW
- Sản lượng 965 triệu kWh/năm
- Chính thức vận hành khai thác: năm 2001
Nhà máy Thủy điện Sông Pha:
- Tổng công suất: 7,5 MW
- Sản lượng 40 triệu kWh/năm
- Chính thức đưa vào vận hành khai thác năm 2004.
|