Hệ số đàn hồi điện/GDP: Không chỉ là chuyện của riêng EVN

Khi phê duyệt Quy hoạch điện VII, Chính phủ yêu cầu phải giảm dần hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm. Đây không phải và không thể là câu chuyện của riêng EVN.

Phóng viên đã trao đổi với GS. VS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam về vấn đề này:

PV: Giáo sư đánh giá thế nào về hệ số đàn hồi điện ở nước ta hiện nay so với các nước trong khu vực và thế giới?

GS. VS Trần Đình Long: Theo báo cáo thống kê từ Quy hoạch điện VI, hệ số đàn hồi điện trong khoảng 5 năm trở lại đây của nước ta giao động từ 1,98 – 2,0. Có thể khẳng định, đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực và cả trên thế giới. Đặc biệt, ở các nước phát triển, hệ số này chỉ vào khoảng xấp xỉ bằng 1,0, thậm chí có những nước chỉ từ 0,5 – 0,8. Nếu chỉ nhìn đơn thuần vào các con số này, rõ ràng hiệu quả sử dụng điện của nước ta chưa cao, chưa tạo ra được giá trị kinh tế cao từ mỗi kWh điện.

 PV: Theo GS, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

GS. VS Trần Đình Long: Đó là hệ quả tất yếu của cả một chuỗi các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, là do nội tại của nền kinh tế. Trong một thời gian dài, chúng ta đã hy sinh rất nhiều thứ, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu công nghiệp hóa. Một loạt các ngành công nghiệp nặng được ưu tiên phát triển như luyện kim, xi măng, sắt thép… Rồi đến công nghiệp gia công dệt may, da giầy… phát triển nhanh đến mức ồ ạt. Đó là các ngành công nghiệp sử dụng rất nhiều điện năng, do máy móc cũ, công nghệ lạc hậu… nên làm ra giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, ý thức sử dụng điện của chúng ta cũng còn thấp, dẫn đến dùng điện một cách lãng phí, khiến hiệu quả kinh tế do ngành Điện đóng góp cho GDP không cao… Nước ta về cơ bản vẫn là một nước nghèo, chưa thoát ra được mức thu nhập trung bình, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn thấp, nên hệ số đàn hồi điện trong một thời gian dài duy trì ở mức cao là khó tránh khỏi!

PV: Vai trò của ngành Điện nói chung, EVN nói riêng đối với yêu cầu giảm hệ số đàn hồi là như thế nào, thưa Giáo sư?

GS. VS Trần Đình Long: Đến thời điểm này, thì yêu cầu giảm hệ số đàn hồi đã là vấn đề bắt buộc, không phải bàn cãi. Quy hoạch điện VII cũng đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ đối với vấn đề này. Cụ thể, đến năm 2015, hệ số đàn hồi phải giảm xuống còn 1,5 và năm 2020 là 1,0, tiệm cận với các nước trong khu vực.

Để cụ thể hóa được mục tiêu này, trước hết và quan trọng nhất, chính là ngành Điện – cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thể hiện được vai trò chủ lực của mình, thông qua các chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn, các giải pháp triển khai hợp lý đối với từng vùng miền, từng lĩnh vực ngành nghề. Làm sao để giảm tối đa tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng điện và thực hiện tiết kiệm điện một cách triệt để. Không ai khác, EVN phải là đơn vị đứng đầu chịu trách nhiệm hiện thực hóa mục tiêu này của Chính phủ.

Tuy nhiên, hệ số đàn hồi không chỉ là câu chuyện riêng của ngành Điện hay của EVN, mà nó còn là biểu hiện rõ nét bản chất của nền kinh tế, nên không thể và không chỉ EVN “đơn phương” thực hiện được mục tiêu này! Bởi lẽ, nếu EVN cứ tuyên truyền tiết kiệm điện, điều chỉnh kế hoạch cấp điện… mà chính sách kinh tế vĩ mô không thay đổi, các ngành công nghiệp nặng tiêu tốn điện năng vẫn phát triển ồ ạt… thì nhu cầu tăng trưởng tiêu thụ điện vẫn sẽ cao, hệ số đàn hồi sẽ khó mà giảm được.

PV: Vậy đâu là những điều kiện cần và đủ để có thể giảm hệ số đàn hồi điện theo lộ trình như trong Quy hoạch điện VII, thưa GS?

GS. VS Trần Đình Long:  Theo tôi, để giảm hệ số đàn hồi, trước hết và quan trọng nhất, là cơ chế điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Nếu Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp nặng như, xi măng, sắt thép… mà không có chính sách đầu tư để đổi mới công nghệ phù hợp, thì mức độ tiêu thụ điện năng chung sẽ vẫn cao, hiệu quả đóng góp của các ngành này cho GDP vẫn thấp. Mà đây là những ngành tiêu thụ trên 40% điện thương phẩm, nên rất khó để có  thể giảm hệ số đàn hồi điện. Ngược lại, nếu Chính phủ ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế xanh – với các ngành công nghệ cao, du lịch, dịch vụ… là những nhóm ngành tiêu hao điện năng thấp, cho giá trị kinh tế cao, thì hệ số đàn hồi sẽ giảm là tất yếu.

Bên cạnh đó, trong các quy hoạch của các bộ, ngành như: Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương… cũng cần có quy hoạch dài hạn cho các ngành ít tiêu tốn điện năng, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ sự phát triển các ngành ngoài quy hoạch…

Đối với chính quyền địa phương, cũng rất cần sự vào cuộc đồng bộ với ngành Điện, căn cứ vào đặc thù của mỗi tỉnh, thành phố mà có những chiến lược cụ thể cho riêng mình nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, cần có những chế tài đủ mạnh để giám sát việc triển khai, thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp. Công tác kiểm toán năng lượng cần đi vào thực chất, đồng bộ hơn.

Theo tôi, vấn đề giá điện cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đẩy hệ số đàn hồi lên cao như hiện nay. Trong một thời gian dài, chúng ta đã trợ cấp giá điện cho người dân, thậm chí đã duy trì cơ chế bù chéo giá rất bất hợp lý giữa các ngành, dẫn tới việc sử dụng điện của người dân cũng như  doanh nghiệp còn chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả. Vì vậy, để giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, để mỗi một khách hàng sử dụng điện phải trả đúng giá trị của nó, thì tự thân họ sẽ thấy sự cần thiết phải sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn, từ đó, sẽ góp phần giảm hệ số đàn hồi điện.

Đồng bộ và triệt để các giải pháp trên, là các điều kiện “cần và đủ” cho việc hiện thực hóa mục tiêu giảm hệ số đàn hồi điện mà Quy hoạch điện VII đã đề ra.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!


  • 01/10/2012 10:46
  • Theo TCĐL Chuyên đề QLHN
  • 7282


Gửi nhận xét