Giảm chi phí sản xuất, không giảm lương người lao động

Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cắt giảm lương của người lao động như một giải pháp giảm chi phí sản xuất- kinh doanh trong năm 2012. Để làm rõ mức độ chính xác của thông tin này, phóng viên evn.com.vn đã trao đổi với ông Trần Văn Ngoc - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam .

PV: Thưa ông, có hay không việc Tập đoàn thực hiện cắt giảm lương của người lao động – như một giải pháp góp phần giảm chi phí sản xuất - kinh doanh trong năm 2012?

Ông Trần Văn Ngọc: Đến thời điểm này, Công đoàn Điện lực Việt Nam chưa nhận được văn bản chính thức nào từ phía lãnh đạo Tập đoàn có nội dung thông báo về việc cắt giảm lương của cán bộ, công nhân viên chức lao động.

Tôi xin nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng  của Lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn là phải duy trì ổn định tiền lương và ngày càng cải thiện đời sống cho CBCNV. Muốn giảm chi phí sản xuất – kinh doanh phải đổi mới phương thức quản lý, đổi mới thiết bị công nghệ, tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từ đó nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội với giá thành rẻ chứ không phải cắt giảm lương của người lao động.

PV: Có thông tin phản ánh, thu nhập của CBCNVC lao động tại một số đơn vị kinh doanh và  phân phối điện bị giảm đi, ông bình luận gì về thông tin này?

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC): Tại NPC không có chuyện cắt giảm lương của người lao động đến gần 30% để giảm chi phí sản xuất - kinh doanh như một số báo đã đưa tin.

Sau khi EVN Telecom chuyển sang Viettel, toàn Tổng công ty tiếp nhận trở lại trên 1.000 lao động viễn thông vào công tác SXKD điện; riêng tại Cơ quan Tổng công ty là 50 người.

Tại các đơn vị điện lực đều bố trí việc làm hợp lý và đảm bảo thu nhập cho người lao động, chỉ có khối Cơ quan Tổng công ty bị sụt giảm thu nhập chút ít so với trước đây.

Ông Trần Văn Ngọc: Đây lại là một câu chuyện khác! Theo tôi được biết, để đảm bảo đời sống người lao động, sau khi EVN Telecom chuyển sang Viettel, một phần cán bộ, nhân viên trước đây vốn là CB, NV của các đơn vị kinh doanh và phân phối điện làm công tác viễn thông được tiếp nhận trở lại thông qua việc bố trí các công việc hợp lý trong dây chuyền sản xuất kinh doanh điện, một số người phải đào tạo lại để đảm nhiệm công việc mới. Bộ phận người lao động này trước đây hưởng lương viễn thông nhưng hiện tại đã chuyển sang hưởng lương từ quỹ lương SXKD điện.

Trong điều kiện như vậy, có thể tại một số đơn vị, do số người lao động tăng thêm, thu nhập của mỗi người lao động có thể bị giảm đi so với trước đây. Tuy nhiên, hiện công đoàn cấp trên chưa nhận được đơn thư hoặc phản ánh nào thắc mắc về vấn đề này từ người lao động ngành Điện.

PV: Thực hiện giảm chi phí sản xuất góp phần kiềm chế lạm phát, thời gian qua, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã có những hoạt động gì để chung tay thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

Ông Trần Văn Ngọc: Tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm chi phí là nội dung quan trọng được Công đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với EVN quyết tâm thực hiện bằng nhiều cách làm phù hợp và hiệu quả như, phối hợp với các báo, tạp chí, hệ thống Bản tin và Website Công đoàn, tổ chức các cuộc thi tại địa phương, đơn vị về tiết kiệm điện, tổ chức Hội thảo về các giải pháp nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện nhằm tìm ra cách làm hiệu quả nhất.

Hằng năm, cán bộ, công nhân viên chức lao động trong  EVN luôn cố gắng phấn đấu nâng cao năng suất lao động từ 7-12%/năm. Công đoàn cũng đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, tăng cường chất lượng của đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật trong Tập đoàn như lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua liên kết, thi đua gắn biển công trình,…Vì vậy, tại các đơn vị ngày càng có nhiều sáng kiến, cải tiến khoa học kỹ thuật..góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng  các công trình xây dựng. 

Thực tế cho thấy, dù kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, công tác đầu tư, sản xuất kinh doanh điện của EVN còn nhiều trở ngại, đặc biệt là trong thu xếp vốn, nhưng CBCNV ngành Điện vẫn nỗ lực triển khai các dự án đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, EVN đưa vào vận hành 4 tổ máy với 746,5MW, đóng điện gần 60 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV, góp phần  phát huy hiệu quả truyền tải công suất của các nhà máy điện lớn và chống quá tải khu vực và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Năm 2012, EVN đặt mục tiêu giảm chi phí khoảng 1.800 tỷ đồng, trong đó:

* Giảm 5% các khoản chi phí và chi tiêu trong Tập đoàn, tương đương 160 tỷ đồng;

* Giảm 0,2% tỷ lệ điện tự dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện (từ 9,5% xuống 9,3%), tương đương 330 tỷ đồng.

* Tiết kiệm 1% sản lượng điện, tương đương 1.300 tỷ đồng.

 


  • 13/09/2012 08:31
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3745


Gửi nhận xét