Doanh nghiệp tiếp cận báo giới thế nào cho hiệu quả?

Làm sao doanh nghiệp có thể tiếp cận với báo giới một cách hiệu quả? làm sao để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp không ở thế “đối đầu”?… là những câu hỏi và cũng là trăn trở lớn nhất của không ít những người làm truyền thông doanh nghiệp. Chúng ta lắng nghe chia sẻ của một số chuyên gia, các nhà báo để tìm lời giải cho những câu hỏi trên.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo TW): Cần xóa bỏ những rào cản

Quan hệ giữa ngành Điện nói riêng và các ngành nghề khác nói chung  với báo chí là mối quan hệ tất yếu, hữu cơ. Vì vậy cần thiết lập được mối quan hệ bền chặt. Trách nhiệm và chức năng của báo chí là luôn “săn” tin, cần thông tin mới, sốt dẻo bằng mọi cách. Chỉ có như vậy, nhà báo mới làm tròn trách nhiệm của mình và cung cấp đầy đủ thông tin cho xã hội. Những thông tin của báo chí là một trong những “phương tiện” định hướng dư luận xã hội. Nhà báo tác nghiệp theo Luật báo chí và các quy định khác của Nhà nước. Đồng thời, không một tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nào lại không có nhu cầu cung cấp thông tin cho báo chí. Chỉ có điều, một số doanh nghiệp chưa thân thiện với báo chí. Đặc biệt, một số doanh nghiệp quan niệm tiếp xúc với báo chí mặt lợi thì ít mà mặt không lợi thì nhiều. Có trường hợp doanh nghiệp đạt nhiều thành tích trong sản xuất – kinh doanh nhưng cũng ngại tuyên truyền vì sợ năm sau lại không giữ được mức tăng trưởng đó. Thực tế những nghi ngại về tâm lý như  vậy chính là rào cản giữa doanh nghiệp và báo chí. Hãy xóa bỏ những “rào cản” này.

 

PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, (Học viện Báo chí - Tuyên truyền): Cần phải hiểu đúng về báo giới

Theo tôi, điều quan trọng nhất khi tiếp xúc với báo chí, đại diện doanh nghiệp là cần phải hiểu đúng về báo giới cũng như tìm hiểu báo giới cần những thông tin gì. Với những thông tin gửi đến báo giới từ doanh nghiệp, hãy nhấn mạnh quan điểm vì các quyền lợi của công chúng, chứ không phải vì quyền lợi riêng của đơn vị mình. Ví dụ: Với nhà sản xuất đồ uống không gas, nếu họ bắt đầu từ việc thu gom và tái sử dụng các vỏ chai đã dùng, điều đó có nghĩa là công ty của họ đã đáp ứng quyền lợi của xã hội vì đã tạo điều kiện thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, những tư liệu khi công bố cần phải viết sao cho dễ hiểu, dễ đọc, không sử dụng những thuật ngữ ít thông dụng. Cần lưu ý là, thông tin quan trọng nhất phải đặt ở phần đầu. Tuyệt đối không đôi co, tranh chấp với các nhà báo. Không đánh mất mình. Hãy nhớ các nhà báo cần những thông tin hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu của công chúng và vì điều đó họ sẵn sàng trao đổi hoặc tìm kiếm bằng nhiều cách. 

 

Nhà báo Thanh Mai – Báo Hà Nội Mới: Không có gì che đậy được sự thật!

Doanh nghiệp cần hiểu được mục đích của nhà báo đến làm việc với đơn vị.. Ví dụ: Nhà báo đến muốn viết về tiêu cực thì họ rất cần những tài liệu, dữ kiện bác bỏ được vấn đề tiêu cực đó, hay chí ít là có được tài liệu phản ánh đúng sự thật. Tài liệu đúng sự thật rất quan trọng cho cả bài viết biểu dương cũng như bài viết phê bình. Bởi khen phải khen đúng, chê càng phải chê đúng.

Nhiều phóng viên đến với doanh nghiệp ban đầu là mục đích phê bình nhưng khi họ có sự thật rồi thì họ sẽ không viết phê bình nữa. Muốn vậy, đơn vị phải chứng minh được những điều nhà báo hỏi không đúng như dư luận đồn thổi. Bởi, hầu hết nhà báo đều mong muốn những điều tố giác hay tố cáo là không đúng sự thật, muốn doanh nghiệp trong lĩnh vực mình theo dõi là trong sạch. Tuy nhiên, mối quan hệ, quen biết hay thậm chí là tiền bạc cũng  không thể mua hay che đậy được sự thật!.

Biết là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, hay  người phát ngôn rất ít bỏ thời gian tìm hiểu báo chí. Theo tôi, đại bộ phận nhà báo đến với doanh nghiệp không phải là để hạch sách, vòi vĩnh. Những nhà báo đến với doanh nghiệp vì ý định tốt nhưng khi không được coi trọng hay luôn bị nghĩ rằng, họ đến để xin quảng cáo hoặc vòi vĩnh... Điều đó sẽ khiến nhà báo bị tổn thương và họ có ác cảm với doanh nghiệp cũng là lẽ đương nhiên. Vì thế, doanh nghiệp phải hiểu được Luật Báo chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi làm việc với báo chí cũng như quyền của nhà báo khi làm việc với doanh nghiệp.

 

Nhà báo Phạm Tuyên - Báo Tiền Phong: Cần phản hồi nhanh chóng

Thực tế hiện nay việc tiếp xúc với  báo chí còn nặng thủ tục hành chính. Trước một thông tin “sốt dẻo” hay một luồng dư luận “nóng” mà phóng viên và các độc giả của họ đang rất quan tâm, chờ đợi ý kiến phản hồi từ cơ sở thì đôi khi lại nhận được yêu cầu của cơ sở đòi phải có công văn đề nghị mới cung cấp thông tin. Nếu “tuân thủ” theo nguyên tắc ấy thì khi nhận được câu trả lời của cơ sở cũng là lúc thông tin đã lạc hậu và không còn giá trị nữa.

Một điểm bất lợi là nếu các đơn vị chậm cung cấp thông tin cho báo chí thì các phóng viên, nhà báo sẽ tự điều tra, tìm hiểu và xử lý những tin tức thu thập được bằng cảm tính hoặc theo góc nhìn chưa toàn diện do nguồn tin không chính thức mà họ được cung cấp, điều đó có thể tạo ra những dư luận không tốt, thậm chí là gây “nhiễu loạn thông tin”.

Do đó, để công tác tiếp xúc với báo giới hiệu quả hơn, theo tôi, EVN và các đơn vị thành viên của mình nên có người đại diện phát ngôn với báo chí. Trong tình huống người phát ngôn chưa nắm rõ các thông tin mà phóng viên cần cung cấp thì có thể yêu cầu các đơn vị, bộ phận liên quan trả lời báo chí để yêu cầu cung cấp thông tin của nhà báo không bị “rơi vào im lặng” hoặc bị gián đoạn quá lâu.

Một giải pháp khác mà tôi cho rằng có thể hiệu quả hơn nữa, đó là EVN nên có một cơ quan truyền thông chuyên nghiệp đại diện cho mình để chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tổ chức họp báo định kỳ, hoặc truyền tải những tin tức muốn truyền thông ra bên ngoài. Khi đó, cơ quan truyền thông này sẽ là cầu nối giữa báo chí và doanh nghiệp, giúp mối quan hệ này gắn bó và thân thiết hơn.


  • 30/07/2012 02:06
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 6760


Gửi nhận xét