Chuyển đổi cấp điện áp lưới điện trung thế ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện chuẩn hóa cấp điện áp lưới điện trung thế theo quy hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đang triển khai thí điểm việc nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV trên lưới điện trung thế tại địa bàn huyện Nhà Bè và huyện Củ Chi. Việc chuyển đổi này liên quan đến 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất do phát sinh chi phí chuyển đổi. Ông Trần Khiêm Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC trao đổi quanh vấn đề này.

- Thưa ông, việc chuyển đổi cấp điện áp từ 15kV lên 22kV nhằm mục đích gì và sẽ có lợi gì cho các DN sản xuất?

Việc chuyển đổi cấp điện áp trung thế từ 15kV lên 22kV được thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực TP HCM đến năm 2015, có xét đến năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt và Sở Công thương thông báo tại văn bản 3663/TB-SCT ngày 9-6-2011. Theo đó, lưới điện trung thế khu vực TP HCM sẽ được chuẩn hóa cùng một cấp điện áp 22kV và phù hợp với cấp điện áp lưới điện trung thế quốc gia. Việc nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV sẽ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho  khách hàng, chất lượng điện áp sẽ tốt hơn, góp phần phục vụ hiệu quả cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các DN.

- Trước mắt, EVN HCMC sẽ chọn địa bàn nào để thực hiện thí điểm việc chuyển đổi? Sẽ có bao nhiêu DN phải chuyển đổi cấp điện áp cho máy biến thế?

Theo Quy hoạch phát triển điện lực TPHCM đến năm 2015, sẽ thực hiện nâng cấp điện áp lưới điện trung thế từ 15kV lên 22kV cho toàn bộ lưới điện các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, các quận 2, 7, 9, 12 và một phần lưới điện các quận Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú. Trước mắt, chúng tôi triển khai thực hiện thí điểm ở huyện Nhà Bè và Củ Chi vì các khu vực này có nhiều khu công nghiệp.

Từ những kinh nghiệm đúc kết sau khi thí điểm, chúng tôi sẽ thực hiện nâng cấp lưới điện cho các khu vực còn lại. Từ nay đến năm 2015 có khoảng 2.000 khách hàng phải chuyển đổi máy biến thế có cấp điện áp 15kV lên cấp điện áp 22kV. Sau đó, dự kiến đến năm 2020 tiếp tục có khoảng 2.300 khách hàng phải chuyển đổi cấp điện áp cho máy biến thế.

- Có mấy phương án chuyển đổi cấp điện áp, nếu máy biến thế do DN trước đây tự đầu tư?

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi cấp điện áp, các công ty điện lực sẽ thông báo trước tới khách hàng về kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện nâng cấp để khách hàng chuẩn bị. Đối với máy biến thế do DN trước đây tự đầu tư, phương án chuyển đổi cấp điện áp sẽ được thực hiện như sau: Nếu máy biến thế của khách hàng có 2 cấp điện áp 15kV/22kV, khi nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV, ngành Điện sẽ chuyển đấu nối máy biến thế sang cấp điện áp phù hợp. Nếu máy biến thế của khách hàng chỉ có cấp điện áp 15kV, khi nâng lên 22kV, khách hàng cần phải cải tạo máy biến thế hoặc thay thế máy biến thế khác phù hợp với cấp điện áp 22kV.

- Ngành Điện có giải pháp nào để giúp DN thuận lợi, ít tốn kém trong việc chuyển cấp điện áp trong hoàn cảnh hiện nay nhiều DN khó khăn về vốn, sản xuất - kinh doanh?

Việc nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV cần nguồn vốn rất lớn để thực hiện. Do đó, EVN HCMC rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ và chia sẻ từ xã hội, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện. Các công ty điện lực sẽ trao đổi với khách hàng để thỏa thuận phương án thực hiện trên cơ sở phải đảm bảo thuận lợi cho khách hàng trong quá trình thực hiện nâng cấp.

Theo đó, ngành Điện sẽ hỗ trợ lập dự toán việc nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV cho phần tài sản do khách hàng đầu tư. Trên cơ sở đó, khách hàng tự thực hiện chuyển đổi cấp điện áp hoặc ngành điện thực hiện chuyển đổi nếu khách hàng đề nghị. Ngành Điện có thể hỗ trợ cho khách hàng thuê máy biến thế trong thời gian cải tạo máy biến thế của khách hàng.


  • 16/07/2012 09:13
  • Theo SGGP online
  • 8419


Gửi nhận xét