Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: “Chính phủ phải vào cuộc cùng ngành Ðiện”
Theo Đề án này, đến năm 2016, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống giảm xuống còn khoảng 8,9%. Đây là một mục tiêu lớn, tuy nhiên, để thực hiện được, theo tôi không hề dễ dàng.
Trong Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2012 – 2016 của EVN đã được Bộ Công Thương phê duyệt, các nhóm giải pháp về giảm tổn thất kỹ thuật, tổn thất thương mại… đã được tính toán khá cụ thể. Theo đó, nâng cao hiệu quả quản lý cũng được đề cập đến như một yếu tố có tính chất then chốt. Tuy nhiên, để thực hiện được các nhóm giải pháp này, một mình EVN không thể đảm đương được, nếu không có sự vào cuộc của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan. Cần một số vốn rất lớn để cải tạo lưới điện, nhất là lưới điện nông thôn sau tiếp nhận, cũng như nâng cấp, đổi mới hệ thống máy móc, thiết bị toàn hệ thống, nhằm giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Số vốn này quá lớn, nên nếu EVN “đơn thương độc mã” thì Đề án sẽ rất khó thực hiện thành công… Vì vậy, để giảm tổn thất lưới điện hạ áp nói riêng và hệ thống lưới điện quốc gia nói chung cần có một hệ thống giải pháp tổng thể và đồng bộ.
|
Ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực: “Bài toán về vốn cho đầu tư lưới điện”
Theo quyết định 1177/QĐ-BCT của Bộ Công Thương phê duyệt Đề án Giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2012 – 2016, mỗi năm EVN thực hiện giảm chỉ tiêu này xuống 0,1% nhưng phải tiến hành đầu tư nâng cấp nhiều kết cấu hạ tầng hệ thống điện quốc gia. Tại Hàn Quốc, giá điện của quốc gia này lên tới 14 cent/kWh, nên họ có rất nhiều tiền để đầu tư cho việc nâng cấp đường dây truyền tải và phân phối. Thế nhưng, Hàn Quốc cũng phải mất trên 10 năm thực hiện để giảm tổn thất từ 13%/năm xuống 5%/năm như hiện nay. Chỉ nói riêng về khả năng mang tải và truyền tải điện trên lưới phân phối thì lưới điện Hàn Quốc ở mức 40%, trong khi đó lưới điện Việt Nam đang mang tải từ 80-90%, nên dẫn đến tổn thất điện năng cao.
Như vậy, “bài toán” về vốn đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống điện quốc gia để giảm tổn thất điện năng xuống mức cho phép là rất khó khăn mà chúng ta phải thực hiện theo lộ trình với từng bước thích hợp.
Ông Lê Kim Hùng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC): “Sẽ có bước đột phá mới”
Thời gian tới, EVN CPC sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt tiến độ và chất lượng các công trình đầu tư xây dựng mới, đảm bảo tuân thủ theo đúng tiến độ đề ra; ưu tiên đối với các dự án trọng điểm góp phần giảm tổn thất điện năng mà trọng tâm là phấn đấu đưa vào vận hành dự án cải tạo lưới điện trung hạ áp vốn vay ADB và KfW trong năm 2012.
Với các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ, sẽ thường xuyên rà soát chế độ vận hành để không làm tăng tổn thất điện năng trên đường dây, khi cần thiết có thể sửa đổi quy trình phối hợp vận hành, quy định về nhận và phát công suất vô công vào hợp đồng mua bán điện. Tại Công ty Lưới điện cao thế miền Trung, sẽ thực hiện triệt để việc chọn số lượng MBA vận hành kinh tế tại các TBA 110 kV có 2 MBA vận hành song song để giảm TTĐN; thường xuyên kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng, xử lý kịp thời các trường hợp hỏng hóc, đặc biệt là với các khách hàng 110 kV; phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung và Điều độ phân phối đảm bảo điện áp vận hành tại thanh cái trung áp các TBA 110kV đạt từ 1,05 - 1,1 Uđm.
Hằng tháng, các công ty điện lực thực hiện thường xuyên công tác tổng hợp, phân tích, xác định nguyên nhân, theo dõi sát các trường hợp khách hàng có lượng điện thương phẩm tiêu thụ bất thường, xử lý kịp thời các TBA phụ tải có tổn thất âm, tổn thất trên 7% đối với khu vực không phải lưới tiếp nhận và trên 15% đối với lưới điện tiếp nhận hạ áp nông thôn. Phấn đấu từ nay cho đến năm 2016, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) và các đơn vị phải tạo được một bước đột phá mới trong công tác giảm tổn thất điện năng.
Ông Trần Đăng Hiền - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: “Ðồng bộ nhiều giải pháp”
Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2011 của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đạt khoảng 6,5%, thấp hơn nhiều so với tổn thất bình quân chung toàn EVN. Hết quý II/2012, tỷ lệ tổn thất của Công ty tiếp tục giảm xuống ở mức 6,4%. Ban lãnh đạo Công ty xác định ngoài các giải pháp kỹ thuật, quản lý vận hành, công ty tập trung quyết liệt các biện pháp kinh doanh như phối hợp với Sở Công Thương, Công an địa phương kiểm tra, phát hiện những biểu hiện vi phạm, sử dụng điện, lấy cắp điện. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi phát hiện trên 10 vụ trộm cắp điện, đặc biệt trong đó có vụ trộm cắp lớn tại một cơ sở sản xuất nước đá, ước tính số tiền truy thu lên đến cả tỷ đồng. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, tôi cho rằng công tác giảm tổn thất điện năng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.