Để thông điệp trở thành ý thức và hành động

Các thông điệp tuyên truyền tiết kiệm điện hiện nay thực sự có hiệu quả đối với người dùng điện hay không và cần thay đổi thế nào để tiết kiệm điện trở thành ý thức và hành động của mỗi người dân. Chúng ta cùng lắng nghe các ý kiến phản hồi từ phía người dân – đối tượng tác động trực tiếp của các thông điệp truyền thông về tiết kiệm điện.

Chị Trần Hoàng Ngọc Ánh (Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội): Chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu, dễ làm

Xung quanh khu vực tôi ở có treo khá nhiều khẩu hiệu tuyên truyền tiết kiệm điện, thậm chí những sự kiện lớn như “Giờ Trái đất” có dán cả những tấm poster cỡ lớn. Nhưng thực tế, người dân như chúng tôi thường thì chỉ liếc qua chứ cũng không dừng lại tìm hiểu xem nội dung thông điệp ấy là gì, giống như họ cảm thấy nội dung thông điệp chẳng liên quan gì đến mình cả!

Đó là hệ quả của việc đưa ra những thông điệp chung chung và trừu tượng kiểu như tiết kiệm điện vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích gia đình. Người dân thì ở nhiều trình độ nhận thức khác nhau nên khó mà “thẩm thấu” được. Theo tôi, thông điệp tuyên truyền tiết kiệm điện nên là những chỉ dẫn thực tế, có nội dung đơn giản, dễ hiểu và dễ làm theo.

Anh Trương Quang Lâm (Chuyên viên Đào tạo, Hà Nội): Cần thu hút sự chú ý bằng nhiều hình thức sáng tạo

“Mình dùng điện không đáng bao nhiêu so với người khác” – đó là điều mà hầu hết người dùng điện đều nghĩ vậy. Vì thế, không nhiều người dân “mặn mà” với các thông điệp truyền thông về tiết kiệm điện.

Thêm nữa cụm từ “tiết kiệm điện” lại khô khan, giống khẩu hiệu, không gây được sự chú ý. Muốn cải thiện được điều này tôi cho rằng, người làm truyền thông cần phải có ý tưởng sáng tạo, đa dạng và gần gũi với đời sống của người dân hơn, ví dụ, khi truyền thông qua truyền hình, có thể bắt đầu bằng các tiểu phẩm để thu hút người xem, rồi tiếp theo mới là thông điệp. Điều đó có thể làm người xem thấy lý thú, có ấn tượng hơn nhiều.

Anh Lê Văn Sơn (Trưởng nhóm tình nguyện Chiến dịch 26 độ và hơn thế nữa tại Đà Nẵng): Chỉ rõ lợi ích kinh tế, tận dụng sức trẻ

Đối với giới trẻ, tôi cho rằng những thông tin về tiết kiệm điện có thể được cập nhật một cách nhanh chóng và hiệu quả nhờ vào sự năng động, dễ thích nghi với thời đại sử dụng nhiều năng lượng như hiện nay của thanh niên. Tuy nhiên, đối với đa số người dân thì những thông tin đó chưa  thực  sự là mối quan tâm của họ. Muốn họ quan tâm hơn thì cần phải chỉ rõ lợi ích kinh tế của  họ khi làm theo các thông điệp đó.

Về phía ngành Điện, tôi nhận thấy trong thời gian gần đây có khá nhiều hoạt động truyền thông về tiết kiệm điện. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến nhiều đối tượng hơn nữa, theo tôi, ngoài sự phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Điện cũng có thể “tận dụng” sức trẻ, sự nhiệt huyết của các tổ chức/nhóm thanh niên khác để cùng thuyết phục người dân hiểu và thực hiện tiết kiệm điện.

Chị Hà Thị Quỳnh Nga (Điều phối viên của mạng lưới hoạt động bảo vệ môi trường Thế hệ xanh Việt Nam): Truyền thông theo nhóm đối tượng

Xét các yếu tố về phương pháp và nội dung thì những thông điệp về tiết kiệm điện  còn chưa thực sự hấp dẫn và phù hợp. Nội dung thông điệp cần sáng tạo hơn, phản ánh được thói quen lãng phí năng lượng đang tồn tại, đồng thời, gợi mở phương án hành động. Ngôn ngữ thông điệp cũng cần linh hoạt, tránh hô hào khẩu hiệu chung chung.

Thông điệp truyền thông nên được thiết kế cho từng nhóm đối tượng (ví dụ: Học sinh - sinh viên, nhân viên các cơ quan công sở, gia đình..) và kết hợp nhiều hình thức khác nhau (ví dụ: Biển báo, tranh vẽ, clip vui nhộn…). Tổ chức chuỗi sự kiện cũng là 1 cách tuyên truyền tới đại chúng. “Giờ trái đất” là một ví dụ điển hình về truyền thông tiết kiệm điện. Mặt khác, chúng ta nên áp dụng linh hoạt các phương pháp truyền thông như sử dụng diễn đàn, mạng xã hội, phát thanh, truyền hình... để nâng cao tính hiệu quả của thông điệp truyền thông và tiếp cận nhóm đối tượng mà chúng ta mong muốn thay đổi hành vi.

Ông Bùi Hạnh Phúc (Phường Ngọc Hà, Q. Ba Đình, Hà Nội): Tăng cường thông tin trên truyền hình

Ngành Điện đã tổ chức tuyên truyền về sử dụng điện trong gia đình sao cho tiết kiệm, hiệu quả đến tận tổ dân phố. Bản thân tôi là một người được tham dự buổi tuyên truyền thấy rằng, những thông điệp mà các tuyên truyền viên trình bày, cũng như các tờ rơi, poster phát kèm đều rất hữu ích.

Tuy nhiên, để hiệu quả tuyên truyền được rộng khắp trong toàn dân, ngành Điện nên chủ động thực hiện các chương trình về vấn đề tiết kiệm điện, sau đó phối hợp với Đài truyền hình trung ương phát sóng đều đặn, vì đây là kênh thông tin có độ phủ sóng lớn nhất hiện nay.


  • 20/09/2012 08:26
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 5134


Gửi nhận xét