Truyền thông về tiết kiệm điện phải đổi mới và đa dạng hơn

Tiết kiệm 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, 1,43% sản lượng điện thương phẩm năm 2011, thành công đó phải kể đến vai trò to lớn của công tác truyền thông trong việc làm thay đổi nhận thức đến hành vi của cộng đồng. Với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2010 - 2015 là tiết kiệm 5-8% tổng năng lượng tiêu thụ, công tác truyền thông sẽ phải triển khai như thế nào để đáp ứng được yêu cầu?

Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ KHCN&TKNL – Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả?

Ông Phương Hoàng Kim: Ngay từ giai đoạn đầu, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã rất chú trọng đến công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của  cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ công tác truyền thông trên tất cả các loại hình truyền thông hiện đại như truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo viết.

Những con số về tiết kiệm năng lượng những năm vừa qua đã cho thấy công tác tuyên truyền đã làm tốt vai trò của mình, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn ý nghĩa cũng như trách nhiệm của mỗi người trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến nay, đa số người dân và doanh nghiệp đã có nhận thức đúng về chính sách tiết kiệm năng lượng, thay đổi thói quen và có kế hoạch cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

PV: Ông có thể chia sẻ một vài chương trình Bộ Công Thương chủ trì có tác động tích cực tới cộng đồng ?

Ông Phương Hoàng Kim: Từ năm 2008 – 2011, Chương trình TKNL đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hơn 1.000 chương trình phát thanh và chuyên mục về tiết kiệm năng lượng, hàng nghìn tin, phóng sự trên Đài truyền hình Việt Nam như: Chương trình “Cùng lợi ích cộng đồng”  phát trên VTV1, VTV3 (52 số/năm); Chương trình công nghệ thế kỷ 21 của VTV2 (12 số/năm); Bản tin An ninh năng lượng của VCTV15 (12 số/năm)... đã trang bị nhiều kiến thức cũng như đem đến những thông tin bổ ích cho cộng đồng trong việc sử dụng TKNL.

Trang thông tin điện tử của Chương trình TKNL (địa chỉ: http://www.vneec.gov.vn;http://www.tietkiemnangluong.com.vn), với phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh truyền tải nhiều nội dung phong phú, cập nhật đầy đủ các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia, TKNL, các văn bản quy phạm pháp luật về tiết kiệm năng lượng, các giải pháp KHCN tiết kiệm năng lượng, tư vấn tiết kiện năng lượng... đến nay, đã có gần 6,5 triệu lượt người truy cập vào trang thông tin điện tử của Chương trình.

Một trong những thành công của Chương trình là việc phối hợp cùng Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức thành công Sự kiện Giờ trái đất thường niên từ năm 2008 đến nay, tạo ra một phong trào sâu rộng, hưởng ứng TKNL, bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Hay cuộc vận động gia đình tiết kiệm điện và các cuộc thi về tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà tiết kiệm năng lượng được tổ chức hằng năm.

PV: Ông đánh giá như thế nào về giải thưởng truyền thông TKNL và hoạt động này có được duy trì trong năm 2012 hay không, thưa ông?

Ông Phương Hoàng Kim: Giải thưởng truyền thông về TKNL được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các cơ quan thông tấn báo chí tích cực hoạt động truyền thông trong lĩnh vực TKNL. Qua đó, tuyên truyền phổ biến rộng rãi về chính sách của Đảng và Nhà Nước về năng lượng - TKNL, phổ biến mô hình, công nghệ, giải pháp hiệu quả năng lượng. Sau 3 năm tổ chức đã thu hút được nhiều đơn vị báo chí với hơn 3.000 tác phẩm dự thi ngày càng chất lượng về nội dung, đa dạng về hình thức.

Năm 2012, Bộ Công Thương dự kiến sẽ phối hợp với Hội Nhà Báo Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức “Giải thưởng truyền thông về tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2012”. Mục đích là khuyến khích, động viên các cơ quan báo chí đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền hưởng ứng TKNL, coi TKNL là một nếp sống văn minh, là nét văn hóa trong sinh hoạt của người Việt Nam.

PV: Với mục tiêu TKNL từ 5 - 8% trong giai đoạn 2011-2015, theo ông công tác truyền thông cần triển khai thế nào để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn?

Ông Phương Hoàng Kim: Chúng ta đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 6 nhóm nội dung và 11 đề án. Trong đó, nhóm thứ 2 thuộc lĩnh vực truyền thông với các nội dung chính là: Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức, biến nhận thức thành hành động cụ thể  trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường. Như vậy, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công tác tuyên truyền đã được triển khai một cách tích cực  và hoạt động này sẽ đồng hành cùng các nhiệm vụ khác.

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5% - 8% mức năng lượng tiêu thụ giai đoạn 2011 - 2015 đòi hỏi công tác truyền thông phải liên tục đổi mới với nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, từ truyền hình, phát thanh, báo in, tạp chí cho tới các phương tiện truyền thông hiện đại là website điện tử …. Ngoài ra còn phải tận dụng ưu thế của các phương pháp truyền thống như, in, phát hành  sổ tay, tờ rơi, poster, sách hướng dẫn TKNL cho cộng đồng và doanh nghiệp... Trong đó, các phương tiện và thông điệp truyền thông đều hướng tới lợi ích chung của cộng đồng, giúp người sử dụng năng lượng thay đổi từ nhận thức tới hành vi.  Hy vọng, hiệu quả tích cực của công tác truyền thông giai đoạn 2011 – 2015 sẽ góp phần quan trọng vào việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

 


  • 18/09/2012 09:53
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4283


Gửi nhận xét