Điện gió - Vốn ở đâu?

Quy hoạch điện VII đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc chú trọng phát triển các nguồn NLTT, trong đó, điện gió đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được chủ trương này, câu hỏi “vốn ở đâu?” tiếp tục là một bài toán khó. Sau đây là ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm NLTT và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng – Bộ Công Thương: 

Cần có chính sách ưu đãi vốn đối với điện gió quy mô lớn

Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam đã nêu rõ những ưu đãi về vốn đầu tư. Song, khác với các nguồn năng lượng khác, vốn đầu tư cho điện gió rất lớn bao gồm: Chi phí khảo sát, thiết kế, mua sắm, vận hành, bảo dưỡng thiết bị…

Trong khi đó, các nhà đầu tư hiện nay đang không có đủ điều kiện vay vốn các ngân hàng trong nước, dẫn đến thiếu vốn đầu tư cho các dự án điện gió quy mô lớn. Để có thể đẩy mạnh phát triển các dự án điện gió này, cần có các chính sách ưu đãi, khuyến khích nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh nguồn vốn vay, lãi suất vay cũng là yếu tố quan trọng, nếu lãi suất ưu đãi nhiều sẽ hỗ trợ được đáng kể cho dự án. Về lâu dài, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu nội địa hóa sản phẩm, thiết bị. Việc tự sản xuất các tua - bin gió trong nước sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm bớt gánh nặng trong việc huy động vốn, tạo động lực cho phát triển điện gió.

 

Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực:

Chính phủ và các ngân hàng phải vào cuộc cùng doanh nghiệp

Vốn để xây dựng một nhà máy điện gió, theo tính toán, đắt gần gấp đôi so với các nhà máy thủy điện/nhiệt điện có cùng công suất. Ngược lại, giá bán mỗi kWh điện gió chưa được tính toán phù hợp, nên sẽ rất khó để có thể kêu gọi đầu tư.

Nếu không có sự vào cuộc của Chính phủ và các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi… thì về lâu dài, rất khó để có thể hấp dẫn đầu tư vào điện gió. Do đó, Chính phủ cần đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo nguồn vốn cho phát triển điện gió.

 

 

Ông Werner Kossmann – Cố vấn trưởng dự án năng lượng gió GIZ:

Tăng cường hỗ trợ vốn trong 7 – 8 năm đầu triển khai

Trong những năm gần đây, điện gió tại Việt Nam đã bước đầu được quan tâm và ưu tiên phát triển, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Giá mua điện gió còn ở mức thấp, rủi ro cao. Việt Nam cũng chưa có luật quy định rõ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như quy định về đầu tư cho năng lượng gió. Hệ thống hạ tầng cơ sở không đủ điều kiện, chẳng hạn chất lượng cầu, đường...

Ngoài ra, năng lượng gió là một ngành mới ở Việt Nam, nên thiếu những thông tin tin cậy như khu vực tiềm năng, số liệu đo gió, chuyên gia về năng lượng gió… Chính những rào cản này đã hạn chế quá trình huy động vốn cho việc phát triển điện gió.

Vì vậy, Việt Nam cần phải có một quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia, xem xét cụ thể vùng nào có nhiều tiềm năng phát triển điện gió, từ đó tập trung vốn và ưu tiên huy động vốn. Đối với mỗi dự án khi được triển khai, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ vốn trong 7 – 8 năm đầu tiên, qua đó, các nhà đầu tư sẽ tự nhận thấy được những ưu nhược điểm và tự do cạnh tranh so với các nguồn năng lượng tái tạo khác.

 


  • 05/10/2012 08:51
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4236


Gửi nhận xét