Thủy điện Sơn La: Niềm tự hào của trí tuệ và bản lĩnh

Đến giờ này, sự nhộn nhịp vào lúc cao điểm nhất trên công trường với hơn một vạn con người đã không còn; những ngổn ngang của sắt thép, thiết bị, những ồn ào liên tục suốt ngày đêm của lực lượng xe, máy thi công đã lùi xa. Thay vào đó là sự ngăn nắp, gọn gàng, sừng sững và uy nghi của một công trình được xây dựng bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Công trình sẽ đi vào lịch sử ngành Điện như một mốc son chói lọi nhất. Trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hà - Trưởng ban Ban quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La (Ban A) về công trình lịch sử này.

PV: Thưa ông, ấn tượng nhất của ông về sự kiện trọng đại này là gì?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Công trình được khởi công và ngăn Sông Đà ngày 2/12/2005, đến nay, cả 6 tổ máy có tổng công suất 2.400 MW của công trình Thủy điện Sơn La đã đi vào sản xuất ổn định, an toàn trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua, làm lợi cho Nhà nước khoảng 1 tỷ USD. Tính đến thời điểm này, Thủy điện Sơn La là công trình điện lớn nhất đầu tiên trong cả nước do EVN làm chủ đầu tư được thực hiện vượt tiến độ.

Ông Nguyễn Hồng Hà - Trưởng ban A Sơn La - Ảnh CTV

PV: Ông có thể cho biết khái quát các yếu tố tác động để công trình hoàn thành trước dự kiến?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Việc hoàn thành công trình Thuỷ điện Sơn La trước thời gian dự kiến có sự tổng hợp rất nhiều yếu tố, trong đó cơ bản là những yếu tố chính như sau:

Thứ nhất, dự án được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành rất quan tâm. Trong các bước triển khai dự án, chỉ duy nhất là việc chọn phương án Thuỷ điện Sơn La cao hay thấp là còn có tranh luận, còn lại tất cả các khâu, khi đã đi vào thi công đều được kết hợp với nhau một cách nhuần nhị.

Về chuyên môn, do tính chất quan trọng của việc chọn quy mô nào cho công trình vì sẽ có nhiều ảnh hưởng đến quy hoạch bậc thang của cả sông Đà, ảnh hưởng đến cả vấn đề an toàn, hiệu quả, hiệu ích hết sức tổng hợp cho nên việc chọn phương án được thực hiện rất kỹ càng. Nhưng có một thuận lợi đặc biệt, đó là việc chọn phương án nào thì vị trí tuyến xây dựng đập hiện nay đã được nhất trí. Với điều đó, kiểu gì cũng phải có điện, đường, cầu, mặt bằng để đi vào và thi công.

Thông thường, với các dự án khác, phải có quyết định đầu tư mới triển khai một số hạng mục phục vụ thi công. Tuy nhiên, với Thuỷ điện Sơn La, dự án đã được sự đồng thuận cao nên EVN - Ban A đã xin Chính phủ cho phép triển khai trước một số hạng mục phục vụ thi công công trình trước khi có quyết định đầu tư.

Cách đây 10 năm, tôi có mặt ở đây. Từ đây vào Mường La có 40 km thôi nhưng đi không biết có vào được không vì không có cầu và đường. Còn việc tiến hành làm trước một số hạng mục như cầu, đường, kéo đường điện… chúng tôi dám làm và chắc chắn không sai. Vì, quy mô nào thì Thuỷ điện Sơn La vẫn cần có con đường để đi vào, các đường điện để cấp điện phục vụ cho thi công công trình, cần cầu để qua sông Đà. Do đó, việc tiến hành trước các hạng mục chuẩn bị cho thi công là yếu tố quan trọng, nếu tính định lượng thì đã sớm được hơn một năm; có thể khởi công công trình năm 2005 nhưng không thể ngăn sông 2005.

Thứ hai, khác với các công trình khác là sử dụng đập đá đổ lõi đất, công trình Thuỷ điện Sơn La muốn làm đập cao thường làm đập bê tông vì làm đập khác khối lượng quá lớn. Khi tính toán phương án đầu tư, các chuyên gia đã thống nhất chọn phương án đập bê tông, còn phương án đập đá đổ như đập Hoà Bình không thể dùng. Trước đây, các công trình đập thường dùng bê tông thường (CVC). Đập sử dụng công nghệ bên tông đầm lăn (RCC) cũng đã được phổ biến trên thế giới từ những năm 1970 thế kỷ trước. Nếu chọn đập sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn, tiến độ của đập sẽ được rút ngắn lại.

Đối với công trình Thuỷ điện Sơn La, nhà máy nằm sau đập, cửa nhận nước nằm trên đập. Cho nên, có muốn phát điện sớm thì đập phải xong sớm để còn đặt cửa nhận nước lên. Không như các nhà máy khác, đập một nơi, nhà máy một nơi và ở đây, các đường ống áp lực nằm vắt ngang trên đập. Vì vậy, Việc Thủy điện Sơn La quyết định sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn đã giúp cho tiến độ xây dựng đập tránh phải kéo dài thêm một năm.

Thứ ba, ngoài hai yếu tố gốc trong bản chất kỹ thuật nói trên, trong quá trình thi công còn có yếu tố khác có thể hiểu như là sự kết nối chặt chẽ với nhau, từ Ban chỉ đạo Nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo của các Phó Thủ tướng. Bên cạnh đó, ông Thái Phụng Nê, Phó Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình Thuỷ điện Sơn La, là người có kinh nghiệm nhiều năm và rất tâm huyết với công trình, là cầu nối giữa các nguyên thủ Nhà nước với công trình.

Mặt khác, Dự án Thuỷ điện Sơn La phải thực hiện di dân trên 20 ngàn hộ trải rộng trên 3 tỉnh (diện tích lòng hồ 220 km2). Phần việc này do bên Di dân tái định cư của 3 tỉnh thực hiện. Các bên đua nhau để hoàn thành các phần việc của mình đúng với tiến độ được bên thi công công trình báo trước và thậm chí còn xong trước thời gian đã định. Có thể nói, thông tin của Dự án, Chủ đầu tư và Ban Di dân tái định cư của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu được kết nối với nhau một cách khít khao. Kể cả giao thông tránh ngập (cầu Pá Uôn) cũng khớp được vào nhau, không để tình trạng làm hồ nước dâng lên mà dân không có đường đi hoặc cầu chưa xong…

Tất nhiên, khó có thể hoàn hảo, trọn vẹn theo ý tất cả. Nhưng nói chung, sự kết nối trong nội bộ Dự án cũng như sự kết nối với dự án giao thông, di dân - tái định cư ăn khớp với nhau nên không bị làm lãng phí thời gian phải chờ đợi nhau.

Ban quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La cũng đã được kinh qua quản lý nhiều công trình lớn và được EVN đầu tư nhiều về nhân sự và điều kiện vật chất. Về phía tổ hợp các nhà thầu thi công Thuỷ điện Sơn La (Tổng công ty Sông Đà, Lilama, Trường Sơn, Licogi), hiện nay, để thi công thuỷ điện thì có thể nói đó là những đơn vị tốt nhất, đã kinh qua nhiều công trình lớn như: Hòa Bình, Ialy, Sê San, Tuyên Quang… Họ có năng lực thực sự và đầu tư thực sự cho dự án này, đồng thời cũng rất có trách nhiệm với dự án này. Việc thu xếp vốn cho dự án cũng được chủ đầu tư thu xếp đầy đủ và là một trong những dự án có công tác giải ngân rất tốt.

Ngoài ra, công tác ký hợp đồng mua thiết bị từ các nhà thầu nước ngoài (5 nhà thầu) được phối hợp tốt nên thiết bị được giao đúng ngày, đúng tháng, thậm chí khi yêu cầu giao sớm 6 tháng, họ cũng đáp ứng. Với các thiết bị cơ khí thuỷ công khác, ta cũng chủ động được nhiều, như đường ống áp lực, cửa nhận nước, cần trục… Bên cạnh đó, việc vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng cũng chọn được nhà vận chuyển có khả năng thực sự (Công ty vận tải Đa phương thức). Tất cả các yếu tố đó tạo nên được điều mà mọi người đã thấy như ngày hôm nay.

Nhà máy Thủy điện Sơn La chính là sự kết tinh sức mạnh nội lực Việt Nam - Ảnh XT

Như vậy, công trình của chúng ta đã có được điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn, đó là “thiên thời-địa lợi-nhân hoà”. Vậy việc bố trí nhân sự cho việc bàn giao, tiếp nhận sang đơn vị quản lý, vận hành là Công ty Thuỷ điện Sơn La được thực hiện như thế nào và có đáp ứng được yêu cầu?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Thuỷ điện Sơn La là công trình nguồn, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống lưới điện, với công suất 2.400 MW nên được EVN rất quan tâm đến công tác vận hành. Để đảm bảo cho việc vận hành sau khi công trình hoàn thành, Ban Chuẩn bị sản xuất Thuỷ điện Sơn La trực thuộc Ban A đã được thành lập rất sớm (nay là Công ty Thuỷ điện Sơn La). Khi đội ngũ vận hành được thành lập, đội ngũ này đã được đưa đi thực tập vận hành tại các nhà máy thuỷ điện đang chạy hiện nay như: Hòa Bình, Ialy, Tuyên Quang,… Nhờ có sự chuẩn bị rất sớm và kỹ càng như thế nên từ lúc tổ máy 1 đi vào vận hành đến nay là tất cả 6 tổ máy, gần như không có bất kỳ một lỗi nào do anh em vận hành gây ra và cũng chưa bao giờ phải xả nước vì thiết bị (ngoại trừ phải xả lũ). Như vậy, các tổ máy đã luôn sẵn sàng đáp ứng được năng lực khi nước về.

Dự kiến, với nhịp độ sản xuất ổn định như hiện nay, đến hết năm 2012, Thuỷ điện Sơn La sẽ phát và cung cấp lên lưới được khoảng 13 tỷ kWh. Hai năm vừa rồi không vận hành trọn vẹn các tổ máy. Từ năm 2013 trở đi, khi vận hành trọn vẹn thì sẽ đạt được điện lượng như tính toán (10 tỷ kWh trong đó có 1 tỷ kWh cấp cho Hòa Bình). Điều đó cho thấy, công tác chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành đã được EVN - Ban A quan tâm đào tạo, chọn lựa, và cho đến nay, đã đáp ứng được yêu cầu và vận hành an toàn lần lượt các tổ máy của Nhà máy Thuỷ điện Sơn La.

PV: Thưa ông, theo phương án đầu tư ban đầu, mức đầu tư cho công trình khoảng 39 ngàn tỷ đồng, nay đã được điều chỉnh lên hơn 60 ngàn tỷ đồng. Vậy ông có thể giải thích về mức điều điều chỉnh này?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Thực ra, đây là giá khi đưa vào tổng mức đầu tư từ năm 2002 và đã dự định có điều chỉnh ngay từ hồi đó. Xin lưu ý rằng đây cũng là mức đầu chưa tính lãi vay (giá USD lúc đó quy đổi tiền Việt chỉ bằng gần ½ bây giờ). Còn khi nhập thiết bị về lúc nào thì trả lúc đó và cho đến bây giờ vẫn phải trả với giá USD là 20.800 VND (trượt giá USD). Mức điều chỉnh nữa là tiền lương. Vừa rồi, tổng mức đầu tư được điều chỉnh nhưng chủ yếu điều chỉnh về tái định cư và di dân. Với việc về đích trước thời hạn đã tiết kiệm được rất nhiều thứ, trong đó, theo tính toán sẽ làm lợi cho Nhà nước khoảng 1 tỷ USD. Điều này có thể thấy, chạy được sớm từ cuối năm 2012 thì bắt đầu từ năm 2013 trở đi sẽ có được sản lượng của cả 6 tổ máy và hàng năm có được 9-10 tỷ kWh (mức giá 5 cen-USD/1 kWh) tương đương 500 triệu USD/năm.

PV: Từ góc độ người quản lý, ông có thể khái quát về hiệu quả kinh tế - xã hội của Công trình Thuỷ điện Sơn La?

Ông Nguyễn Hồng Hà: Có thể nói rằng, công trình đã được xây dựng theo thiết kế được duyệt, không có sự thay đổi nào và mọi yêu cầu đặt ra ngay từ ban đầu đều đạt được. Bình thường, làm đúng đã là hiệu quả, ở đây chúng ta làm xong sớm hơn thời gian dự kiến thì hiệu quả chắc chắn là điều không phải bàn cãi nhiều.

Ở góc độ khác là chức năng của công trình được phát huy sớm, bao gồm phát điện, chống lũ và cung cấp nước cho vùng hạ du. Chức năng phát điện thì đã được đấu nối vào hai tuyến đường dây chính là Sơn La - Hiệp Hoà và Hoà Bình - Nho Quan đi về hai nơi đang rất cần điện. Chức năng thứ hai đó là chống lũ thì năm 2012 đã thể hiện rất rõ điều này. Còn chức năng thứ 3 là cung cấp nước cho vùng hạ du thì không chỉ tưới mà còn đẩy mặn cho tương lai.

Trước đây, trong việc vận hành hồ có mỗi hồ Hoà Bình thì EVN phải cân nhắc rất nhiều khi xả hồ Hòa Bình để lấy nước và lại cũng muốn để dành nước cho phát điện vào giờ cao điểm. Hiện nay, đã có hồ Sơn La thì việc phải cân nhắc đã đỡ hơn nhiều; ít nhất trong tương lai gần, kể cả những năm thuỷ văn không thuận lợi. Điều đương nhiên nữa đó là công trình cũng góp phần cho sự phát triển của tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Cho đến giờ này, công trình đã đóng trên 1.000 tỷ đồng tiền thuế cho tỉnh Sơn La và là nguồn thu quan trọng của tỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mới đây, tại Hội nghị Đập đầm lăn của thế giới tổ chức tại Tây Ba Nha, đập bê tông đầm lăn của công trình Thuỷ điện Sơn La được nhắc đến trong tài liệu hội nghị là một trong 10 đập bê tông đầm lăn lớn trên thế giới (top 10) về tiến độ, khối lượng, chiều cao.

 

 


  • 20/12/2012 10:22
  • Theo Nangluongvietnam.vn
  • 4376


Gửi nhận xét