Phát triển điện gió: Không thể thiếu chính sách đồng bộ

Theo T.S. Hoàng Tiến Dũng – Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) để có thể biến tiềm năng điện gió của Việt Nam thành hiện thực, cần có một cơ chế đồng bộ, sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ và các ban ngành liên quan.

TS. Hoàng Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)    Ảnh: Vĩnh Long

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, cơ hội phát triển điện gió ở Việt Nam?

T.S.Hoàng Tiến Dũng: Là một nước có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về điện gió. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) sau một cuộc khảo sát tiềm năng năng lượng gió cho 4 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan (năm 2001), hơn 39% lãnh thổ Việt Nam, có vận tốc gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65m, tương đương với 531 GM  công suất. Đặc biệt, hơn 8% lãnh thổ được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió rất tốt, với công suất tiềm năng khoảng 112/GW.

Nhu cầu điện của Việt Nam trong 2 thập kỷ tới là rất lớn, khoảng hơn 600 tỷ kWh vào năm 2030. Tuy nhiên, nguồn cung năng lượng hóa thạch lại đang ngày càng cạn kiệt. Chúng ta đã phải nhập khẩu điện và dự kiến sau 2015 sẽ phải nhập khẩu than cho sản xuất điện, với khối lượng ngày càng lớn. Mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu cao, trong khi giá năng lượng thế giới thường biến động mạnh có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, đang được cộng đồng quốc tế khuyến khích mạnh mẽ. Chúng ta cũng đã có những cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo; chi phí đầu tư sản xuất điện từ năng lượng tái tạo đang có xu hướng giảm nhanh. Đây là những nhân tố, cơ hội cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung, và điện gió nói riêng ở Việt Nam trong thời gian tới.

PV: Vậy, để biến tiềm năng về điện gió thành hiện thực, theo ông, cần những yếu tố nào?

T.S. Hoàng Tiến Dũng: Để thúc đẩy điện gió phát triển, ngày 21/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 37/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió nối lưới thông qua hình thức hỗ trợ giá. Tiếp theo đó, các thông tư hướng dẫn về thực hiện Quyết định 37 đã và đang được Bộ Tài Chính, Công Thương biên soạn và ban hành làm cơ sở cho việc quy hoạch, đầu tư các dự án điện gió ở Việt Nam và cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện gió.

Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu 6.200 MW điện gió vào năm 2030 thì theo tôi, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, quan trọng nhất là có một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ làm nền tảng. Trước mắt, một số công việc chính cần làm sớm là: Đánh giá đầy đủ và chi tiết tiềm năng gió ở Việt Nam, bao gồm cả tiềm năng gió ngoài biển; lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió nối lưới và ngoài lưới; tiến hành các hoạt động nghiên cứu đánh giá xu thế phát triển công nghệ (công suất, giá thiết bị) trên thị trường thế giới, nghiên cứu từng bước nội địa hóa các thiết bị của nhà máy điện gió. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư điện gió tiếp cận được vốn vay, với lãi suất và thời hạn vay ưu đãi; giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện gió… Bên cạnh đó, cơ chế về giá là một trong những “cú hích” quan trọng cần thiết nhất. Tuy đã có cơ chế hỗ trợ giá điện gió, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn còn băn khoăn vì mức hỗ trợ giá điện gió hiện nay còn thấp, chưa thực sự hấp dẫn. Đây là yếu tố rất quan trọng tác động đến sự phát triển của điện gió. Hy vọng, mức hỗ trợ giá điện gió sẽ sớm được thay đổi theo hướng tăng. Thông tư 96/2012/TT-BTC ngày 8/6/2012 của Bộ Tài chính cũng đã đề cập về việc mức hỗ trợ giá điện có thể thay đổi trong từng thời kỳ.

PV: Ngoài những đòi hỏi cấp thiết đó, còn những khó khăn gì đối với sự phát triển điện gió trong tương lai, thưa ông?

T.S. Hoàng Tiến Dũng: Như đã nói ở trên, hiện giá mua điện gió (hay mức hỗ trợ giá điện gió) còn thấp, trong khi suất đầu tư điện gió khá cao là một khó khăn lớn đối với phát triển điện gió ở Việt Nam.

Việc thiếu thông tin, số liệu gió cũng gây nhiều trở ngại cho công tác chuẩn bị đầu tư. Các quy hoạch phát triển điện gió quốc gia và địa phương cần sớm được lập và công bố làm cơ sở cho việc triển khai các dự án điện gió.

Mặt khác, năng lực, kinh nghiệm của các nhà tư vấn và các nhà đầu tư trong nước còn yếu. Một số đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư điện gió không đủ năng lực, kỹ năng cũng như hiểu biết, thiếu cả giấy phép hành nghề đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dự án. Đặc biệt là công tác tư vấn cho các dự án điện gió ngoài lưới vận hành theo hệ lai ghép (gió diesel, gió + mặt trời + diesel…) còn bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực, kể cả năng lực tài chính để triển khai dự án. Phần lớn các chủ đầu tư không có số liệu thực tế về chi phí vận hành và sửa chữa các thiết bị điện gió (bởi điện gió là loại hình đầu tư mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm), nên kết quả phân tích kinh tế - tài chính của dự án có thể sai khác nhiều với thực tế sản xuất.

PV: Vậy mục tiêu phát triển điện gió theo quy hoạch Điện VII liệu có thể trở thành hiện được không, thưa ông?

T.S. Hoàng Tiến Dũng: Theo Quy hoạch điện VII thì đến năm 2020 chúng ta sẽ có 1.000 MW và đến 2030 là 6.200 MW công suất nguồn điện gió.

Hiện tại, mới có 2 dự án điện gió hoàn chỉnh và hòa lưới điện quốc gia. Đó là dự án Nhà máy Điện gió Tuy Phong, Bình Thuận (công suất 30 MW) và nhà máy Điện gió Phú Quý (công suất 6 MW). Như vậy, đến năm 2020 (8 năm còn lại) chúng ta phải phát triển trung bình mỗi năm khoảng 120 MW/năm.  Con số này có thể đạt được nếu sớm ban hành quy hoạch và có các cơ chế hỗ trợ hấp dẫn hơn so với hiện nay.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2030, phải phát triển thêm 5.200 MW, trung bình mỗi năm khoảng 520 MW là rất khó nếu không có những đột phá về năng lực đầu tư và công nghệ điện gió, làm cho giá thành điện gió có thể cạnh tranh được với các loại hình điện truyền thống, hoặc ít nhất cũng làm cho mức hỗ trợ giá điện gió không quá cao để ngân sách nhà nước có thể chịu được mà vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư (Để mua toàn bộ điện năng sản xuất từ gió của năm 2030, với mức hỗ trợ giá điện như hiện nay, Nhà nước cần bỏ ra hơn 3.250 tỷ đồng). Cũng cần phải nói thêm rằng, các vị trí có chế độ gió tốt nhất phần lớn được khai thác ở giai đoạn đầu. Giai đoạn 2021 - 2030, các vị trí xây dựng điện gió sẽ gặp khó khăn hơn về điều kiện tự nhiên. Vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển điện gió cũng cần sớm đặt ra, tránh sử dụng đất vào các mục đích khác ở những vùng đất có tiềm năng điện gió. 

Không dễ để đạt được mục tiêu trên, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan liên quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Năng lượng gió: Là động năng của không khí di chuyển trong khí quyển trái đất. Năng lượng gió là một hình thức gián tiếp của năng lượng mặt trời. Sử dụng năng lượng gió là một trong những phương pháp sử dụng năng lượng xa xưa nhất từ môi trường tự nhiên và đã được biết đến từ thời kỳ cổ đại.

Điện gió: Là nguồn điện được sản xuất từ gió thông qua hoạt động của các tua bin nhờ sức gió.

 


  • 14/11/2012 10:08
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4510


Gửi nhận xét