Gặp người “giúp” 15.000 hộ dân không phải di dời

Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam sắp khánh thành trong tháng 12 này tại xã Ít Ong, H.Mường La, Sơn La. Ít người biết rằng, trước đây công trình được Liên Xô và các cơ quan khảo sát thiết kế Việt Nam dự định đặt tuyến Tạ Bú và Bản Pẩu cách nhà máy hiện nay 7-20 km về phía hạ lưu. Nếu phương án đó được thông qua, sẽ có thêm 15.000 dân Mường La phải di dời.

Ông Lê Bá Nhung - nguyên Giám đốc PECC1 - Ảnh KL

Chúng tôi đến nhà riêng ông Lê Bá Nhung, nguyên Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC 1). Nhấp ngụm trà, ông Nhung kể: Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi là một cán bộ của Công ty Khảo sát và Thiết kế điện, tiền thân của PECC 1. Tôi được biết, ngay sau khi làm Thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã giúp chúng ta nghiên cứu và dự kiến làm Thủy điện Sơn La.

Tuy nhiên, cả chuyên gia Liên Xô và chuyên gia đầu ngành của Việt Nam đều dự kiến đặt Thủy điện Sơn La ở Tạ Bú, cách thủy điện Sơn La bây giờ khoảng 7 km về phía hạ lưu. Theo tài liệu còn lại, các chuyên gia cho rằng khu vực đó có nền đá gốc, yếu tố địa chất tốt nên chọn. Thậm chí, có người còn đề xuất đặt tại bản Pẩu, cách Sơn La bây giờ gần 20 km.

Vậy đến thời điểm nào thì chúng ta quyết định chọn địa điểm xây nhà máy ở Ít Ong, H.Mường La như hiện nay, thưa ông?  

Năm 1989 Bộ Năng lượng cho đặt mũi khoan đầu tiên để khảo sát địa chất tại Thủy điện Sơn La thì tôi, trưởng đoàn Thiết kế điện 1, làm phó chủ nhiệm đồ án thiết kế công trình. Tôi thấy nếu đặt nhà máy ở Tạ Bú thì sẽ phải di dời 15.000 dân của H.Mường La và hàng ngàn hecta ruộng sẽ bị ngập.

Đến giữa tháng 10.1994, tôi trở thành giám đốc công ty, chủ nhiệm đề án, tôi quyết định chọn tuyến Pa Vinh, đặt nhà máy ở phía trên thị trấn Mường La, nằm tại xã Ít Ong như bây giờ.

Có 3 điểm lợi khi đặt tại đây, đó là giảm được 15.000 hộ dân phải di dời. Thứ hai, ở Ít Ong có mặt bằng rộng rãi, toàn đất đồi. Thứ ba là khi lui lên thượng lưu, độ cao đặt móng công trình cao hơn nên đập không bị ngập sâu trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Chúng tôi đưa ra các phương án và giải trình có tính thuyết phục về vị trí đặt nhà máy tại Ít Ong, cuối cùng đã được các cơ quan chức năng của nhà nước và các cơ quan tư vấn thẩm định quốc tế Nhật - Mỹ chấp thuận.

Ngoài vị trí đặt con đập, khi thiết kế Thủy điện Sơn La, điều gì ông cho là thành công nhất?

Đó là thay thế bê tông thường bằng bê tông đầm lăn để rút ngắn thời gian thi công. Những ngày sơ khởi xây Thủy điện Sơn La, nhiều người còn định đắp đập đá đổ, lõi sét giống như Thủy điện Hòa Bình. Bởi lẽ chũng ta có kinh nghiệm làm Hòa Bình rồi, còn làm đập bê tông chưa có công trình lớn nào.

Nhờ thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn, tốc độ đắp đập lên tới 189 m3/tháng, cao gấp đôi tốc độ thi công bằng bê tông thường đem đến kỳ tích về tiến độ tại công trình thủy điện Sơn La - Ảnh XT

Tôi và anh em đã đề xuất làm bằng đập bê tông nghèo xi măng, vì độ an toàn cao hơn hẳn đập đá đổ. Sau khi đi thăm nhiều đập bê tông đầm lăn (RCC) ở Trung Quốc, Thái Lan, Pháp… tôi quyết định đề xuất làm đập RCC, vừa giảm được nguy cơ nứt, vừa thi công rất nhanh.

Để thuyết phục các nhà lãnh đạo và cơ quan chức năng, tôi cho phá khu nhà kho của công ty để xây một phòng thí nghiệm, làm ra bê tông, cắt lát, thử tải, thử cường độ kéo - nén để chứng minh.

Suốt từ năm 1994 đến năm 2006, chúng tôi kiên trì thuyết phục bằng các luận cứ khoa học, chứng minh cụ thể bằng thí nghiệm, cuối cùng được Tập đoàn điện lực và các cơ quan chức năng đồng ý cho làm bằng công nghệ RCC.

Nhờ vào công nghệ này mà chúng ta đã đắp đập với tốc độ thần kỳ, tới 186.000 mét khối/tháng. Đây chính là mấu chốt của việc đưa nhà máy đi vào vận hành sớm hơn 3 năm so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

 


  • 13/12/2012 08:06
  • Theo Thanh Niên
  • 3164


Gửi nhận xét