|
Ông Vyacheslav Alenkov, Phó giám đốc chi nhánh Mátxcơva, Công ty liên hợp NIAEP - ASE (Rosatom) - Ảnh: PV |
PV: Tại Hội nghị và Triển lãm Năng lượng hạt nhân châu Á lần thứ V năm 2014 vừa diễn ra ở Hà Nội, Rosatom đã giới thiệu một công nghệ quản lý dự án nhà máy điện hạt nhân mới, thưa ông?
Ông Vyacheslav Alenkov: Đúng vậy! Công nghệ quản lý dự án nhà máy điện hạt nhân mới nhất và hiện đại nhất mà Rosatom vừa giới thiệu là Multi-D.
Công nghệ này sẽ hỗ trợ đơn vị thi công và chủ đầu tư trong việc lập kế hoạch thi công và vận hành, giúp xây dựng lộ trình hoàn thiện và xác định thời gian thực hiện mỗi giai đoạn, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó, công nghệ quản lý dự án Multi-D còn cho phép đơn vị thi công, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan có thể giám sát chặt chẽ và đảm bảo thời gian thi công nhà máy điện hạt nhân diễn ra theo đúng kế hoạch.
PV: Ông có thể mô tả khái quát cơ chế hoạt động của công nghệ này?
Ông Vyacheslav Alenkov: Nói một cách khái quát, công nghệ Multi-D gồm 3 phần: thông tin - dữ liệu - mô phỏng ba chiều.
Thông tin về dự án được chuyển thành dữ liệu và minh họa bằng mô hình ba chiều, giúp các đơn vị liên quan thuận tiện trong việc thiết kế, kiểm tra tiến độ và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Trên cơ sở đó có thể đưa ra những giải pháp ưu việt hơn, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Một trong những tính năng đáng chú ý của Multi-D nữa là khả năng ứng dụng cho việc đào tạo nhân lực, bao gồm cả nhân lực thi công và vận hành công trình nhà máy điện hạt nhân.
PV: Công nghệ Multi-D có đáp ứng được các chuẩn mực về an toàn điện hạt nhân theo quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA không, thưa ông?
Ông Vyacheslav Alenkov: Từ mô hình ba chiều về nhà máy điện hạt nhân ứng dụng công nghệ Multi-D, chúng ta có thể mô phỏng những sự cố có thể xảy ra đối với nhà máy, trên cơ sở đó thẩm định từng phương án thiết kế để đưa ra phương án cuối cùng tối ưu .
Công nghệ Multi-D cũng giúp cho những nhân viên vận hành nhà máy điện hạt nhân nắm rõ quy trình và những công việc phải thực hiện trong trường hợp nhà máy bị tác động bởi sự cố do động đất hoặc sóng thần. Bên cạnh đó, việc có thể đưa ra một thiết kế tối ưu từ trước khi thi công sẽ giúp các cơ quan liên quan, chủ đầu tư có cái nhìn trực quan về từng chi tiết của nhà máy, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.
PV: Vậy, Rosatom sẽ ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam?
Ông Vyacheslav Alenkov: Hiện tại, Rosatom đã ứng dụng công nghệ Multi-D tại lò phản ứng thứ ba của Nhà máy Điện hạt nhân Rostov (Nga). Thời gian tới, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong quản lý dự án và điều tiết khối lượng công việc tại các nhà máy điện hạt nhân của Nga và các nước trên thế giới.
Đối với Dự án nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, là đối tác chính nên chắc chắn Rosatom sẽ ứng dụng công nghệ Multi-D tại Việt Nam. Đồng thời, Rosatom cũng sẽ hỗ trợ nhân lực cho Việt Nam để ứng dụng công nghệ này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Công nghệ Multi-D là một hệ thống quản lý dự án tích hợp mang tính đột phá, phục vụ thi công các công trình kỹ thuật cao, dựa trên tính năng mô phỏng quá trình thi công bằng mô hình 3D thông minh.
Công nghệ Multi-D bao gồm:
- Khả năng tích hợp tổng thầu EPC (thiết kế, cung ứng vật tư, thi công)
- Lộ trình sử dụng nhân sự, máy móc thiết bị
- Tích hợp thu chi ngân sách
- Mô hình 3D
- Mô hình Multi-D
- Hệ thống quản lý tương tác giữa các nhà thầu, tổng thầu EPC và khách hàng
- Thay đổi và cài đặt hệ thống quản lý.
|