Công trình Thủy điện Sơn La: Chia sẻ người trong cuộc

Những chia sẻ từ sâu thẳm trong đáy lòng của những người con Việt Nam – những “Anh hùng” của thời bình, chung tay góp nên thành công của công trình tựa như một lời tri ân, một niềm tự hào, một nỗi khát vọng…

Minh chứng cho sự trưởng thành vượt bậc…

Nhà máy Thủy điện Sơn La phát điện sớm 2 năm không chỉ làm lợi cho đất nước mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng mà còn góp phần đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Có được thành quả hôm nay, trước hết là sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp vùng Dự án và sự ủng hộ, chấp hành chính sách di dân tái định cư của hàng vạn hộ dân trong diện phải di dời khỏi vùng lòng hồ và sự hăng say lao động của hàng nghìn cán bộ công nhân viên trên công trường, đã thực hiện nghiêm túc từng mốc tiến độ của Dự án, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Điều đáng tự hào của công trình Thủy điện Sơn La không chỉ ở tính hiện đại và quy mô lớn nhất Đông Nam Á, mà còn là công trình lớn đầu tiên ở tất cả các khâu quan trọng đều do những kỹ sư và công nhân Việt Nam thuộc các doanh nghiệp trong nước thực hiện; thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ, trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân Việt Nam về năng lực quản lý, điều hành, thiết kế và xây lắp, nhất là đối với các công trình thủy điện lớn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La (giai đoạn 2004 - 2008)

Tôi thực sự xúc động và tự hào

"Trong thời điểm cả công trường đang khẩn trương hoàn tất các công việc cuối cùng để chuẩn bị khánh thành công trình Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tôi thực sự xúc động và tự hào. Để có được ngày vui trọn vẹn hôm nay, đã có sự hy sinh lợi ích, nhường đất cho thủy điện của hơn 10 vạn người dân đã di chuyển ra khỏi vùng lòng hồ và sự đóng góp công sức của gần một vạn cán bộ, công nhân tham gia thiết kế, quản lý và xây dựng công trình Thủy điện Sơn La. Thành công của Dự án là sự kết tinh của tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam. Công cuộc chinh phục sông Đà đang dần hoàn thành, đưa những công trình điện thế kỷ trở thành biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Phó thủ tướng Chính phủ, Hoàng Trung Hải
Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La - Lai châu

Vinh quang thuộc về những người đúng hẹn!

"Tháng 12 năm 2010, một vạn cán bộ, công nhân tham gia thiết kế quản lý và xây dựng công trình Thủy điện Sơn La (TĐSL) và hơn 10 vạn người dân di chuyển ra khỏi vùng lòng hồ reo hò mừng đón sự kiện tổ máy 1 phát điện. Họ trân trọng đón chào thành quả tuyệt vời của sự lao động dũng cảm và sáng tạo trong 5 năm của chính mình, tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành toàn bộ Nhà máy TĐSL với công suất đặt 2400 MW vào cuối năm 2012. Họ rất mực tự hào vì đã về đúng các đích tiến độ xây dựng công trình được duyệt. So với yêu cầu tại Quyết định đầu tư, phát điện tổ máy 1 sớm hơn 2 năm và hoàn thành công trình sớm hơn 3 năm đã đem lại những giá trị lớn lao."

Phái viên Thủ tướng Chính phủ Thái Phụng Nê
Phó ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La

Mong công trình sẽ “thổi lửa” vào khát vọng Tây Bắc…

"Tôi cũng là một trong những người tâm huyết với Thủy điện Sơn La từ những ngày chuẩn bị khởi công. Khi cùng chủ đầu tư lập Dự án Di dân tái định cư, rồi đến khi trực tiếp triển khai Dự án này, tôi vẫn hy vọng và tin rằng, Thủy điện Sơn La sẽ là một trong những yếu tố tạo nền tảng và động lực phát triển kinh tế Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững trong tương lai… Đến nay, khi công trình đã hoàn thiện, nhìn Nhà máy nguy nga, hoành tráng giữa  vùng trời Tây Bắc, tôi càng kỳ vọng, công trình lịch sử này sẽ “thổi lửa” vào khát vọng Tây Bắc, tạo nên những đột phá mạnh về kinh tế - xã hội trong một ngày không xa…"

Ông Hoàng Chí Thức
Nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La, Phó ban Chỉ đạo Tây Bắc

Mãi sâu nặng với Thuỷ điện Sơn La

"Với tôi, dự án TĐSL về đích sớm hơn 3 năm, làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng cho đất nước, góp phần đáng kể  vào việc cung ứng điện và điều tiết thuỷ lợi cho hạ du... là một niềm vui vô bờ bến. Trong niềm vui ấy, tôi luôn nhớ đến bức ảnh hai cháu bé dân tộc thiểu số ngơ ngác trong sương mờ, cái rét hiển hiện trên khuôn mặt tím tái. Điều đó khiến tôi luôn đau đáu nghĩ về việc trả nghĩa cho người dân tái định cư nơi đây một cuộc sống tốt hơn, cũng như trọng trách của người làm điện là tiếp tục mang ánh sáng, mang no ấm đến đồng bào vùng cao xa xôi, xua tan cái đói, cái nghèo, cái vất vả và là tấm lòng tri ân sự hy sinh to lớn mà đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc đã dành cho các công trình thủy điện."

Ông Vũ Đức Thìn - Ủy viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam,
Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La (giai đoạn 1996 - 2008)

Bắt gặp hình ảnh những anh hùng thời bình

"Một ngày đầu tháng 11/2005, thời điểm chuẩn bị là diễn ra lễ ngăn sông, khởi công dự án Thủy điện Sơn La thì một trận lũ lớn bất chợt đổ về. Đê quai phía thượng lưu kênh dẫn dòng có nguy cơ bị sụp, đe dọa tính mạng hàng trăm người và máy móc thiết bị trên công trường, đồng thời báo hiệu nguy cơ lùi lại ngày khởi công chặn dòng đợt 1 công trình. Tại thời điểm đó, để đảm bảo an toàn, Ban Chỉ đạo đã cho rút bớt máy móc, nhân lực sơ tán khỏi kênh dẫn dòng, chỉ còn lại các lãnh đạo chủ chốt và đặc biệt là lực lượng thi công của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn ở lại để chiến đấu với cơn lũ. Cả cuộc đời làm thủy điện, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh này. Tại nơi nguy hiểm nhất, anh em công nhân vẫn vững tay lái chở đất đá liên tục để đắp cho thân đê. Dường như quyết tâm cao của lính Trường Sơn đã thổi niềm tin và sức mạnh, giúp anh em thi công của cả các đơn vị bạn xốc lại tinh thần, sẵn sàng ở lại cứu công trường, không để nước tràn qua đê. Khoảnh khắc cận kề giữa sự sống và cái chết không thể tả nổi. Nếu không có những con người đó – những người với tinh thần quả cảm mà có thể ví như những “anh hùng thời bình”, thì không thể có một Thủy điện Sơn La như hôm nay."


Ông Phạm Lê Thanh
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Công trình của cuộc đời

"Gần 10 năm gắn bó với công trình Thủy điện Sơn La, nếu để nói một điều ngắn gọn nhất, thì với tôi, đây chính là công trình của cuộc đời!
Tôi chọn nghề thủy điện, theo nghề và rồi được tham gia dự án này, chính là một may mắn, vinh dự lớn của đời tôi! May mắn, vinh dự, không chỉ vì đây là một công trình có tầm vóc, quy mô và ý nghĩa mang tính lịch sử, mà còn là vì tôi đã đi cùng nó từ đầu đến cuối, từ ngày mở đường vào công trường, đến khi tổ máy cuối cùng phát điện, hòa lưới, vận hành an toàn, ổn định… Có những lúc khó khăn, có những thời điểm căng thẳng, có rất nhiều áp lực… Nhưng đến thời điểm này, có thể nói niềm hạnh phúc đã là trọn vẹn!..."

Ông Nguyễn Hồng Hà
Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La

Hạnh phúc thật giản dị…

"Lăn lộn với công trường từ những ngày đầu thi công, với bộn bề khó khăn vất vả, hạnh phúc nhiều khi thật giản dị… Có những đêm mưa phùn gió bấc, rét cắt thịt cắt da, tôi cùng mấy anh em đi nghiệm thu vừa mệt, vừa đói, chỉ ước có 1 bát mì tôm nóng ăn xì xụp thì coi như mãn nguyện lắm rồi. Và bây giờ, khi công trình đã hoàn thành, Nhà máy đã vận hành ổn định, trở thành một trong những công trình trọng điểm về đích sớm, là công trình thủy điện lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam, đồng thời cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Hạnh phúc, với tôi, là đã góp phần sức lực và trí tuệ nhỏ bé của mình vào thành quả chung, đào tạo được một đội ngũ cán bộ kỹ sư trẻ giỏi về nghề, vững về bản lĩnh và giàu nhiệt huyết! Mai sau, biết đâu, trong số anh em đó, sẽ có một, thậm chí là nhiều người, trở thành lãnh đạo cao cấp, thành cá nhân xuất sắc, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển không ngừng của ngành Điện Việt Nam – có thể lắm chứ!."

Ông Hoàng Trọng Nam
Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc!

"Để công tác di dân tái định cư trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được hiệu quả như vậy là do Sơn La đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc với việc thành lập Ban Chỉ đạo Di dân Tái định cư do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đối với các huyện phải di dân, Bí thư huyện ủy làm Trưởng ban. Khi di chuyển, chúng tôi huy động trên 1.500 chiến sỹ gồm, quân đội, công an giúp đỡ  bà con di chuyển. Trước đó, chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc di dân tái định cư xây dựng Thủy điện Sơn La. Chính nhờ sức mạnh tổng hợp đó mà 12.584 hộ với trên 60.000 dân đã di chuyển về nơi ở mới đúng kế hoạch 4/2010. Trong quá trình di chuyển, Ban Chỉ đạo tỉnh Sơn La đã cử người giám sát việc di dời của từng hộ, đảm bảo quyền lợi của người dân."

Ông Lù Văn Bình
Trưởng ban quản lý dự án Di dân Tái định cư Công trình Thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La

Làm tốt công tác tuyên truyền

"Trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay, chúng tôi đã thường xuyên phổ biến đến từng hộ dân các chế độ chính sách về tái định cư, để mỗi cán bộ, Đảng viên xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Từ đó tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường giải thích, vận động nhân dân để nhân dân thấy được những khó khăn, thuận lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, đồng thời hiểu được những quyền lợi, chính sách của Nhà nước dành cho nhân dân trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư."

Ông Từ Bá Minh
Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên

Ðời sống người dân Tái định cư ở Phiên Luông ngày một ổn định hơn

"Bản Phiên Luông 2 là điểm di cư cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Sơn La với  36 hộ dân, 328 nhân khẩu gồm nhiều dân tộc khác nhau. Nhiều người dân trong bản sống du canh, du cư,  phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nay về bản mới, nơi ở ổn định. Ðời sống người dân TĐC Phiên Luông ngày một tốt hơn.
Nhớ lại những ngày đầu, bản TĐC như một công trường thu nhỏ. Không phân biệt dân bản mới, bản cũ, mọi người đều vui vẻ, hòa đồng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi tắt lửa, tối đèn."

Ông Hoàng Văn Ven
Trưởng bản Phiên Luông 2, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, Tỉnh Lai Châu

Cầu cao đến đâu, khó khăn đến đó

Trong quá trình triển khai thi công các công trình giao thông tránh ngập cho Công trình Thủy điện Sơn La, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Cầu càng cao, địa hình càng hiểm trở thì công tác thi công càng khó khăn. Đặc biệt là cầu Pá Uôn - cây cầu cao nhất Việt Nam lần đầu tiên các nhà thầu xây dựng Việt Nam thi công (chiều cao trụ cầu lên đến gần 100 m). Không những vậy, cầu được xây dựng trên vùng có điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, địa chất phức tạp, đường sá xa xôi, hiểm trở anh em công nhân thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng, nhất là thiếu rau xanh… Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và kịp thời của Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, được EVN đảm bảo cung cấp vốn, việc xây dựng cầu Pá Uôn đã bảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng được tiến trình nước dâng của Thủy điện Sơn La.

Ông Nguyễn Quốc Bình
Phó tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án 1 (Bộ Giao thông Vận tải)

Một mình chúng tôi không thể làm được

"Có nhiều yếu tố giúp công trình Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm, trong đó, yếu tố đầu tiên phải kể đến  là công tác thiết kế kỹ thuật của dự án. Ngoài ra, các đề xuất chọn tuyến Pa Vinh thay vì tuyến Tạ Bú; thay phương án 8 tổ máy x 300 MW bằng phương án 6 tổ máy x 400 MW; thay thế trạm phân phối điện 500 kV ngoài trời bằng trạm phân phối cửa kín (GIS)... đã góp phần giảm đáng kể  khối lượng xây dựng và thời gian thi công công trình. Các sáng kiến cải tiến kĩ thuật, hợp lý hóa sản xuất và mốc tiến độ về thời gian thi công  do bên thiết kế kỹ thuật tính toán và dự kiến, nhưng việc thực hiện lại là các nhà thầu thi công, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và quan trọng  nhất là sự quyết tâm và tinh thần lao động quên mình không kể ngày đêm của hơn một vạn cán bộ, công nhân  trên công trường Thủy điện Sơn La. Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các đơn vị trên công trường Thủy điện Sơn La đã giúp cho những sáng kiến, thiết kế kỹ thuật của Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 phát huy được hiệu quả."

Ông Nguyễn Quyết Thắng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1

Tự tin thử sức với đột phá lớn mang tên “Bê tông đầm lăn - RCC”

“Thông thường các công trình xây dựng quan trọng quốc gia của Việt Nam từ trước đến nay hoàn thành đúng tiến độ đã là may, nhiều công trình chậm tiến độ cả năm trời. Vì vậy nhiều người đã không tin khi Tổng công ty Sông Đà - Tổng thầu tuyên bố “Thuỷ điện Sơn La có thể về đích trước 3 năm”. Và một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên kỳ tích này là việc áp dụng công nghệ RCC cho đập chính của Nhà máy.
Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án, theo báo cáo gửi  lên Quốc hội, dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư, lúc này Tư vấn chính đã đề nghị áp dụng công nghệ RCC, tiến độ khâu đổ bê tông và tổng tiến độ được rút ngắn 30%, như vậy không có lý gì không rút ngắn được 3 năm. Sông Đà đã tự tin thử sức và đã thành công như vậy đó”.

Ông Nguyễn Kim Tới
Phó TGĐ Tổng Công ty Sông Đà, GĐ Ban Điều hành Dự án Thuỷ điện Sơn La


Sự phối hợp rất nhịp nhàng, thông suốt…

"Với vai trò tư vấn phụ, trong quá trình làm việc, sự phối hợp của Đoàn chuyên gia Nga với chủ đầu tư và các chuyên gia tư vấn thiết kế (Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 - PECC1) của Việt Nam rất nhịp nhàng, thông suốt, thể hiện được sự hiểu biết lẫn nhau. Tất cả các ý kiến khác biệt, các tranh luận,… cuối cùng  đều đi đến thống nhất và có giải pháp hợp lý cho mọi vấn đề. Mốc tiến độ hòa lưới tổ máy 1, rồi lần lượt là các tổ máy số 2, 3, 4, 5, 6 đưa vào vận hành an toàn đều theo sát tiến độ mà thiết kế kỹ thuật đặt ra. Theo đánh giá của cá nhân tôi, các cán bộ tư vấn, thiết kế của Việt Nam đều là kỹ sư bậc cao. Họ được đào tạo bài bản và đã kinh qua thực tế. Trong công việc, họ luôn thể hiện được sự tự tin và tính chuyên nghiệp. Có thể khẳng định, trong quá trình thực hiện dự án, các chuyên gia tư vấn thiết kế của PECC1 có thể tự phát hiện, phân tích và đề xuất các giải pháp xử lý mọi vấn đề phát sinh. Bản thân chúng tôi, những chuyên gia của Viện Thiết kế Thủy công Matxcova rất vui vì được làm việc cùng với các cán bộ, kỹ sư tư vấn, thiết kế của Việt Nam. Thủy điện Sơn La hoàn thành, chúng tôi sẽ còn gặp lại nhau ở Thủy điện Lai Châu."

Ông Voloboev Vladimir
Trưởng Nhóm chuyên gia Nga về thiết kế (Viện Thiết kế Thủy công Matxcova)
 

Mọi việc hoàn thành đúng vào phút chót

"Khi tổ máy số 1 TĐSL chỉ còn khoảng nửa tháng là phát điện, vẫn còn tới 15 km đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan qua địa phận tỉnh Hòa Bình chưa có mặt bằng thi công. Đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và lãnh đạo huyện Cao Phong đã đến từng thôn, xã, từng gia đình để bàn bạc, vận động nhân dân và thống nhất cách giải quyết đền bù, sau đó huy động tổng lực tổ chức thi công suốt ngày đêm. Sát ngày đóng điện tổ máy số 1, vẫn còn 01 hộ gia đình cương quyết không nhận tiền đền bù, đoàn công tác của EVN NPT cùng các cộng sự lại tức tốc băng rừng, vận động gia đình chấp nhận di dời và may mắn thay, mọi việc hoàn thành đúng vào phút chót. Thời điểm trước khi đóng điện tổ máy cuối cùng của TĐSL cũng là những giờ phút ngột thở. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hạn chót là ngày 31/3/2012 phải hoàn thành đóng điện đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa, giải tỏa công suất của tổ máy số 6, trong khi trước đó hơn 1 tháng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đoạn đường dây đi qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn hơn 40 km chưa thi công được. Một lần nữa chúng tôi đã cùng lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc lặn lội trên tuyến vận động nhân dân để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công."

Ông Trần Quốc Lẫm
Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT)

Chúng tôi không để chậm một giờ

"Nếu điện như “bánh mỳ” của ngành công nghiệp thì Thủy điện Sơn La được ví như “xương sống” của ngành Điện. Đó là một công trình vĩ đại, đó là sự phát huy trí tuệ Việt Nam. Xác định được tầm quan trọng đó, Công ty CP Vận tải Đa phương thức đã huy động tối đa và đồng bộ các nguồn lực như: Nhân lực, tài chính, thiết bị, công nghệ, vật tư hay nói đúng hơn là những gì tinh hoa nhất chúng tôi đã dành cho Thủy điện Sơn La. Chúng tôi không để chậm một giờ, một phút, góp phần cùng các đơn vị thi công đưa công trình về đích trước tiến độ."

Ông Nguyễn Đăng Sâm
Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đa phương thức

Chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều

"Trong quá trình triển khai dự án Thủy điện Sơn La, các lực lượng công an trong tỉnh Sơn La được giao nhiều trọng trách quan trọng. Trong đó phải nói đến là công tác đảm bảo trật tự xã hội trên khu vực công trường Nhà máy và an ninh kinh tế cho Dự án.
Góp phần hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, các cán bộ, chiến sỹ làm công tác an ninh kinh tế chúng tôi đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giám sát nhiều công đoạn triển khai dự án. Với một dự án kinh tế có tổng giá trị đầu tư rất lớn, với khối lượng công việc và hạng mục thi công khổng lồ, qua mỗi công việc, chúng tôi lại có cơ hội học hỏi, cọ sát và đúc rút nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh tế, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng thủy điện. Qua dự án Thủy điện Sơn La chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều!"

Thượng tá Phạm Mạnh Cường
Phó trưởng phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Sơn La

Muốn thành công phải có cái tâm, cái tầm

"Cái tâm ở đây chính là phải tâm huyết, không ngại gian khổ, đến với những bản làng vùng sâu, xa nhất, tận tụy với bà con, không để cho bà con chuyển đến nơi ở mới phải chịu thiệt thòi. Cái tầm ở đây chính là phải có tầm nhìn, có kiến thức, hiểu được phong tục tập quán của bà con để báo cáo đề xuất với các cấp lãnh đạo, có phương án đền bù, hỗ trợ sát nhất với thực tế. Còn cái tài ở đây chính là công tác dân vận. Làm sao nói bà con nghe, làm theo những chủ trương đúng. Lúc sinh thời Hồ Chủ tịch luôn đề cao công tác dân vận, Bác nói: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Ông Vũ Văn Tuấn
Trưởng phòng Tái định cư – Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La – Lai Châu

Hạnh phúc vỡ òa khi mẻ bê tông cuối cùng hoàn tất!

"Công ty TNHH MTV Sông Đà 9.08 thuộc Công ty CP Sông Đà 9 là đơn vị trực tiếp thi công đập dâng bê tông không tràn theo công nghệ bê tông đầm lăn (RCC). Gần 3 năm, chúng tôi, bất kể là cán bộ, kỹ sư hay công nhân, đều làm việc hết mình trên công trường 16-18 giờ mỗi ngày. Khi ấy, không chỉ chúng tôi mà cả đại công trường hầu như không còn mối bận tâm nào khác ngoài 3 cụm từ  “Tiến độ - Chất lượng – An toàn”. Trong gần một ngàn ngày đó, tôi không có một giấc ngủ trọn vẹn, có khi vừa mới chợp mắt thì bất giác tỉnh dậy, việc đầu tiên - theo phản xạ - là ngóng xuống công trường xem điện có sáng hay không… Ở “chảo lửa” này, có thể nói, những người thợ xây dựng đã vượt qua chính mình để đạt được những kỳ tích mà chính bản thân cũng không dám tin. Không gì có thể diễn tả được niềm hạnh phúc vô bờ khi chứng kiến những mẻ bê tông cuối cùng trút xuống, hoàn thành con đập theo đúng cao trình thiết kế, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đến lúc đó, anh em chúng tôi mới có thời gian ngắm nhìn thành quả lao động của hàng chục ngàn con người và thực sự bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng của công trình. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào vì đã được góp phần xây dựng thành công 1 công trình mang tầm thế kỷ!"

Thạc sỹ, Kỹ sư xây dựng Nguyễn Hoàng Cường
Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 9, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Đà 9.08

Nhiều cảm xúc đặc biệt với Thủy điện Sơn La

"Tôi là một thợ hàn. Trước khi tham gia xây dựng Thủy điện Sơn La, tôi đã được “luyện” ở nhiều công trình thủy điện lớn như Thủy điện Hòa Bình, Ialy, Sê San 4, PleiKrông... Bao nhiêu năm trong nghề, ấy vậy mà khi đặt chân lên công trình này và cảm nhận một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ đón, tôi vẫn  hồi hộp và phấn chấn lạ thường. Có lẽ, động lực lớn nhất giúp những người công nhân như chúng tôi vượt qua được mọi khó khăn, thiếu thốn, đảm bảo được tiến độ công trình chính là niềm vinh dự, xen lẫn đôi chút tự hào vì được góp sức xây dựng nhà máy thủy điện quy mô lớn nhất nước và khu vực."

Ông Nguyễn Hữu Ánh
Nguyên Đội trưởng Đội Hàn hơi Chi nhánh Sơn La, Công ty CP LILAMA 10

 


  • 02/01/2013 02:23
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 5265


Gửi nhận xét