Werner Kossmann - Cố vấn trưởng Dự án Năng lượng gió GIZ - Dự án Hợp tác về năng lượng gió giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức Ảnh: Huyền Trang
|
PV: Là người đã có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và quản lý môi trường, theo ông, phát triển điện gió có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi quốc gia?
Ông Werner Kossmann: So với các nguồn năng lượng truyền thống khác như than, khí đốt, dầu mỏ, gió là nguồn năng lượng tái tạo, không bao giờ cạn kiệt. Vì vậy, phát triển điện gió đồng nghĩa với việc từng bước thay thế dần các nguồn nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính.
Các dự án điện gió thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Phát triển điện gió tại các khu vực này sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu điện khí hóa nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, điện gió còn tạo cơ hội việc làm, phát triển giao thông tại chỗ, cải thiện kết cấu hạ tầng cho cộng đồng dân cư.
PV: Theo quan điểm cá nhân ông, vì sao Việt Nam vẫn chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh của điện gió?
Ông Werner Kossmann: Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên Việt Nam lại chưa có một chính sách phù hợp đối với phát triển năng lượng gió để khuyến khích các nhà đầu tư, có thể đảm bảo cho họ những rủi ro trong quá trình triển khai. Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg hỗ trợ giá cho các dự án điện gió là 7,8 cent/kWh nhưng theo đánh giá thì mức giá này là chưa đủ để nhà đầu tư thực sự tin tưởng. Kết cấu hạ tầng của Việt Nam còn kém phát triển, các trại gió đều nằm ở vùng sâu vùng xa, đường sá chưa tốt. Muốn triển khai các dự án điện gió, nhà đầu tư còn phải tính đến chi phí cho phương tiện đi lại, xây dựng đường sá để chuyên chở máy móc, thiết bị….
Bên cạnh đó là những khó khăn về lưới điện truyền tải. Để điện gió có thể hòa vào lưới điện quốc gia thì phải đầu tư cực kỳ tốn kém do tốc độ gió không ổn định, dẫn đến suất đầu tư cho 1 kWh điện gió là rất lớn. Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm và kiến thức trong việc xây dựng một ngành mới như điện gió, cũng gây không ít khó khăn cho việc phát triển điện gió.
Các dự án điện gió có thể được đầu tư xây dựng thông qua các hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO) hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Quyết định số 30/2006/QĐ-BCN ngày 31/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương, quy định chi tiết trình tự đầu tư cho các dạng đầu tư này. Tuy nhiên, đối với điện gió, do chưa có quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia và cấp địa phương nên các chủ đầu tư phải tự đi tìm địa điểm và tiến hành đánh giá tiềm năng gió trước, sau đó mới lập báo cáo đầu tư và xin bổ sung dự án vào Quy hoạch điện lực, lập dự án đầu tư, ký hợp đồng mua bán điện với EVN, thực hiện dự án. Điều này lý giải tại sao các nhà đầu tư chưa mặn mà trong việc tham gia phát triển điện gió ở Việt Nam.
PV: Vậy, điều kiện nào để có thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Werner Kossmann: Quan trọng nhất là Nhà nước phải đưa ra được một cơ chế đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư có thể chấp nhận, bù đắp được những rủi ro phát sinh khi thực hiện dự án. Quyết định 37/2011/QĐ-TTg đã được ban hành, tuy nhiên, vẫn chưa đủ mạnh, chưa hấp dẫn. Các dự án điện gió đều nằm ở các tỉnh, vì vậy, sự hỗ trợ của chính quyền và nhân dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển dự án. Cần phải từng bước nâng cao vai trò của chính quyền địa phương bằng cách hỗ trợ việc thẩm định, nhận hồ sơ, đưa ra quy trình thẩm định hồ sơ rõ ràng và minh bạch để các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi họ đầu tư vào ngành này.
Hiện nay tại Việt Nam, các tuabin gió đều được nhập khẩu, việc duy tu bảo dưỡng phải được thực hiện theo vòng đời của trại gió khoảng 20 năm. Nếu thuê nhân công nước ngoài thì rất tốn kém. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghể cao, có thể vận hành, duy tu, bảo dưỡng trong suốt vòng đời của một trại gió.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ưu thế của điện gió:
* Là nguồn năng lượng vô tận, không bị hạn chế như các nguồn năng lượng hóa thạch khác (than, dầu, khí…)
* Là nguồn năng lượng xanh – sạch, thân thiện với môi trường so với các nguồn năng lượng khác. 1 GWh điện gió chỉ sản sinh ra khoảng 10 tấn CO2, trong khi 1 GWh nhiệt điện than là 830-920 tấn CO2.
* Thời gian xây dựng nhà máy điện gió ngắn hơn nhiều so với xây dựng nhà máy thủy điện, nhiệt điện.
|