Thu xếp vốn đầu tư xây dựng năm 2013: Cơ bản thuận lợi

Theo tính toán, năm 2013 EVN cần 75.973 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện. Xoay quanh việc đảm bảo vốn đầu tư năm 2013, Phóng viên evn.com.vn đã trao đổi với ông Mai Quốc Hội – Trưởng ban Tài chính kế toán – Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Mai Quốc Hội - Trưởng ban Tài chính kế toán (EVN)

PV: Trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính đất nước năm 2013 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa ra giải pháp nào trong việc thu xếp vốn để đảm bảo kế hoạch đầu tư – xây dựng?

Ông Mai Quốc Hội: Cho đến thời điểm hiện tại, một số khoản vay lớn của EVN trong năm 2013 đã thu xếp xong như: Dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu do Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thu xếp vốn. Ngày 07/01/2013, EVN đã ký khoản vay 2.500 tỷ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; với dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3, EVN đang chuẩn bị ký hợp đồng vay phía Trung Quốc. Như vậy, các dự án lớn Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Mông Dương, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Nghi Sơn trong năm 2013 đều đã có vốn để giải ngân.

Để đảo bảo nguồn vốn đầu tư, trong quý I và quý II năm nay, dự kiến EVN sẽ phát hành khoảng 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu, như vậy cùng với nguồn vốn tự có thì việc thu xếp vốn của Tập đoàn trong năm 2013 cơ bản thuận lợi.

PV: Từ kinh nghiệm của các đợt phát hành trái phiếu trước đây, việc phát hành trái phiếu trong năm 2013 theo ông có gặp rào cản gì không?

Ông Mai Quốc Hội: Theo tôi, thời điểm này phát hành trái phiếu là thuận lợi bởi nguồn vốn từ các ngân hàng khá dồi dào. Bên cạnh đó, trái phiếu do EVN phát hành có sự cam kết bảo lãnh của Chính phủ, do vậy đảm bảo được yếu tố an toàn, ổn định. Hiện tại, mặc dù thủ tục xin phát hành chưa xong, nhưng đã có một số ngân hàng chào tới hàng nghìn tỷ đồng để có thể hỗ trợ EVN phát hành trái phiếu.

PV: Trong năm 2013, Chính phủ đồng ý tăng vốn điều lệ của EVN từ 76.742 tỷ đồng lên 143.404 tỷ đồng. Việc tăng vốn này tạo thuận lợi như thế nào cho EVN trong việc thu xếp vốn, thưa ông?

Ông Mai Quốc Hội: Việc tăng vốn điều lệ tạo nhiều thuận lợi cho EVN. Đó là tài sản tăng lên đồng nghĩa với tăng khấu hao, tăng nguồn vốn dự trữ. Tăng vốn điều lệ cũng tạo điều kiện cho EVN và các đơn vị thành viên có điều kiện cải thiện các chỉ tiêu tài chính. Bức tranh tài chính của EVN sáng sủa hơn là cơ hội cho EVN tiếp cận tốt hơn các nguồn vốn vay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trong năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã ký hợp đồng vay trên 13.000 tỷ đồng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi trong nước. Còn đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương, Tập đoàn đã ký kết số tiền là 1,93 tỷ USD. Số tiền trên chủ yếu được dùng vào việc đầu tư xây dựng cơ bản các dự án nguồn và lưới điện

 

 

 


  • 04/02/2013 09:22
  • Bài và ảnh: Vũ Lam - Xuân Tiến
  • 4146


Gửi nhận xét