Trung tâm KHCN Hạt nhân - phép thử quan trọng trong việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam

Theo TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, việc xây dựng Trung tâm Khoa học - Công nghệ (KHCN) Hạt nhân là một khâu quan trọng, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ  trong Chương trình Phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Trung tâm KHCN hạt nhân, trong đó có một lò nghiên cứu mới sẽ do Nga hỗ trợ xây dựng theo Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga (ký tháng 11/2011), với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD do Chính phủ Nga cho vay với lãi suất ưu đãi. PV đã trao đổi với TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết vai trò của lò hạt nhân nghiên cứu đối với chương trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam?

Ông Trần Chí Thành: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lò hạt nhân nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ cho chương trình ĐHN, trong đó khâu quan trọng là đào tạo nhân lực, đội ngũ cán bộ, chuyên gia.

Do đó, với những nước mới bắt đầu chương trình ĐHN như Việt Nam, việc có một trung tâm KHCN hạt nhân là hết sức cần thiết, là một phép thử quan trọng về năng lực thực hiện chương trình đó. Việc xây dựng thành công Trung tâm KHCN hạt nhân sẽ góp phần nâng cao trình độ KHCN, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cũng như nguồn nhân lực cho ĐHN, tạo niềm tin của xã hội.

PV: Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng Trung tâm KHCN hạt nhân, thưa ông? 

Ông Trần Chí Thành: Chúng tôi đã đề xuất với Bộ KH&CN trình Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Trung tâm KHCN Hạt nhân với chức năng: nghiên cứu  vật lý hạt nhân, khoa học vật liệu…; phát triển một số dịch vụ như sản xuất đồng vị phóng xạ cho lĩnh vực y tế, và đào tạo nguồn nhân lực....

Trung tâm này sẽ được xây dựng tại TP Đà Lạt, nơi có 1 lò hạt nhân nghiên cứu và có thể tận dụng được nguồn nhân lực với kinh nghiệm 30 năm xây dựng và vận hành lò Đà Lạt. Tuy nhiên, lò hạt nhân nghiên cứu mới sẽ đặt tại 1 địa điểm khác, cách lò hiện nay khoảng 12 km. Khi có lò nghiên cứu mới, lò phản ứng hạt nhân cũ sẽ được chuyển sang sử dụng cho mục đích đào tạo nhân lực, xây dựng Trường Đại học Đà Lạt thành trường đại học đi đầu trong đào tạo cán bộ cho ngành Hạt nhân. Hiện tại, ROSATOM đã nghiên cứu sơ bộ và đánh giá địa điểm đó đáp ứng tốt các yêu cầu của việc xây dựng Trung tâm KHCN Hạt nhân.

Đồng thời, tại Viện NLNT cũng sẽ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu, bao gồm trang bị các phòng thí nghiệm về vật lý hạt nhân, thủy nhiệt, đánh giá vật liệu, trung tâm tính toán mô phỏng, đào tạo nhân lực, hỗ trợ cho Chương trình phát triển điện hạt nhân.

Để có thể xây dựng thành công Trung tâm KHCN Hạt nhân, đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể của đội ngũ cán bộ Viện NLNT; sự hợp tác của phía Nga và các nhà khoa học đầu ngành của các nước phát triển điện hạt nhân. 

Trong những năm qua, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom đã hợp tác tích cực với Việt Nam trong các nghiên cứu đánh giá triển khai các dự án điện hạt nhân tại Việt Nam- Ảnh: H.Hiếu

PV: Mô hình Trung tâm KHCN Hạt nhân của Việt Nam có gì khác so với mô hình của Nga hiện nay, thưa ông?

Ông Trần Chí Thành: Trung tâm KHCN Hạt nhân của Việt Nam sẽ không giống mô hình các trung tâm nghiên cứu ở Nga. Nước Nga có nhiều Viện nghiên cứu, có nhiều hướng nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, vì họ là nước có công nghệ gốc, là nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Họ là nước phát triển công nghệ nên quan tâm những vấn đề nghiên cứu khác. 

Trong khi đó, Việt Nam quan tâm đến nâng cao năng lực khoa học công nghệ để có thể tiếp nhận công nghệ, xây dựng và vận hành an toàn các nhà máy ĐHN, đưa lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, một vài lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng cũng sẽ được triển khai ở Trung tâm này, tùy theo điều kiện cụ thể. 

Điện hạt nhân là một lĩnh vực khoa học công nghệ cao, đa ngành, chương trình ĐHN đòi hỏi đất nước phải thực sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Chúng tôi sẽ tìm hiểu một số đơn vị nghiên cứu liên quan đến ĐHN của Nga để xây dựng phương án thiết kế sao cho phù hợp với Việt Nam.

PV: Việc xây dựng Trung tâm KHCN Hạt nhân tại Việt Nam đang gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Trần Chí Thành: Hiện nay, nguồn kinh phí do Bộ GD&ĐT quản lý (kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hạt nhân theo đề án 1558) chưa được sử dụng vào việc đào tạo nhân lực của Trung tâm. Trong dự án khả thi (FS) của Trung tâm sẽ đưa ra một lộ trình đào tạo nguồn nhân lực, nếu vậy, có thể  phải sử dụng một phần nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm để thực hiện đào tạo nhân lực.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa đồng tình với việc xây dựng Trung tâm tại Đà Lạt. Tỉnh muốn xây dựng Trung tâm cách thành phố ít nhất 50 - 60 km để bảo đảm cho chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Nếu xây dựng ở địa điểm trên thì phải mất khoảng 10 năm, và không thể thu hút được các chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc.

Khi địa điểm chưa được xác định thì Việt Nam chưa đủ cơ sở để tiếp tục trao đổi với đối tác Nga về việc xây dựng Trung tâm KHCN Hạt nhân, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 12/04/2013 02:35
  • Theo TC Tia Sáng
  • 3300


Gửi nhận xét