EVN góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Xung quanh vấn đề cấp nước cho vụ Đông Xuân 2013, phóng viên Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Duy Hiển – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN & PTNT.

Ông Đặng Duy Hiển

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của EVN trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung, vụ Đông Xuân 2013 nói riêng?

Ông Đặng Duy Hiển: Cấp điện, cấp nước phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân nói riêng và nông nghiệp nói chung, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của EVN!

Nhiều năm qua, EVN đã làm rất tốt công tác này. Không chỉ cấp nước đảm bảo cho sản xuất các vụ Đông Xuân ở đồng bằng Bắc Bộ, EVN còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục chất lượng cao phục vụ lấy nước đổ ải của các địa phương. Cụ thể, tính đến thời điểm này, kết thúc 3 đợt xả nước của các hồ thủy điện thuộc EVN, hơn 99% diện tích đồng bằng Bắc Bộ đã lấy đủ nước gieo cấy, đảm bảo thời vụ. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, vụ Đông Xuân 2013 hứa hẹn sẽ là một vụ mùa bội thu. Có thể nói, thành công này có sự đóng góp quan trọng của EVN.

PV: Theo ông, sự phối hợp giữa EVN với Bộ NN & PTNT đã thực sự phát huy hết hiệu quả có thể?

Ông Đặng Duy Hiển: Trách nhiệm của EVN trong việc hỗ trợ ngành Nông nghiệp là rất nặng nề. Hằng năm, EVN đã phối hợp với Bộ NN & PTNT, Tổng cục Thủy lợi đi kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các công ty thủy lợi, các đơn vị điện lực trong việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện, xả nước hồ thủy điện phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Chúng tôi đã cùng Tập đoàn phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các chương trình tuyên truyền trực tuyến với nông dân, lắng nghe nguyện vọng của nông dân.

Vụ Đông Xuân năm nay, do những khó khăn bất thường như ảnh hưởng của  bão số 8, rét đậm rét hại kéo dài, nên đòi hỏi càng phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và chặt chẽ hơn nữa.

Với mục tiêu đó, EVN đã phối hợp với Bộ NN & PTNT mở 2 cuộc hội thảo, mời các bên liên quan cùng tham dự bàn bạc thống nhất, nhằm tìm ra các giải pháp tốt nhất, lựa chọn thời điểm các đợt xả nước một cách hợp lý nhất, mang lại hiệu quả cao nhất.

Bộ NN & PTNT và Tổng cục Thủy lợi đánh giá rất cao những hoạt động này của EVN. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào sự phối hợp cũng phát huy được hiệu quả cao nhất, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác…

PV: Cụ thể, đó là những yếu tố gì, thưa ông?

Ông Đặng Duy Hiển: Đó là các yếu tố như: Hệ thống các công trình thủy lợi nói chung được xây dựng từ lâu, nên đã xuống cấp, làm thất thoát một lượng nước khá lớn. Ngoài ra, hiện tượng xâm thực, bồi lấp tự nhiên cũng ảnh hưởng lớn đến các dòng chảy. Khi mực nước hạ thấp, những cống thoát nước vùng triều và những trạm bơm nhỏ ở các vùng thượng nguồn đều không thể hoạt động được. (Ví dụ như ở Phú Thọ, Bắc ninh, Hà Nam…)

Vì vậy, mặc dù EVN xả liên tục 3 đợt với lượng nước lớn, nhưng lượng nước thực tế chảy vào đồng ruộng chỉ đạt khoảng 50 – 60%, số còn lại chảy ra biển.

Nguồn nước xả từ các hồ thủy điện của EVN là nhân tố quan trọng cho những mùa vàng bội thu. Ảnh: CTV

PV: Như thế nghĩa là đã có sự lãng phí tài nguyên nước. EVN cùng  Bộ NN & PTNT đã có những giải pháp nào đối phó với tình trạng này?

Ông Đặng Duy Hiển: Hiện nay, nguy cơ về biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và mang tính  cực đoan hơn, làm cho lưu lượng dòng chảy các sông ngày càng thấp, suy giảm dòng chảy về mùa kiệt ngày càng nặng nề. Cùng với đó là hiện tượng khai thác cát trên các  dòng sông chính và sự bồi lấp lòng kênh dẫn nước, nên cùng 1 cấp lưu lượng, mực nước đã giảm từ 1 đến 2m. Trong hoàn cảnh đó, để một lượng nước xả lớn chảy ra biển, dù là do nguyên nhân gì đi nữa, trách nhiệm cũng thuộc về chúng tôi. Cả EVN và Bộ NN & PTNT đều nhận thức rõ điều này. Về phía Bộ NN & PTNN, Tổng cục Thủy lợi đã có dự án nâng cấp, cải tạo một số hệ thống công trình thủy lợi đầu mối như Bắc Hưng Hải, Nghi Xuyên 2...

Về phía EVN, trách nhiệm cũng rất nặng nề. Trước nguy cơ hạn hán dẫn tới thiếu nước cho sản xuất điện, nhưng vẫn phải đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, EVN càng phải thể hiện vai trò của mình hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của Tổng cục Thủy lợi và EVN, cần có sự vào cuộc đồng bộ và tích cực hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương. Chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc một cách  mạnh mẽ, quyết liệt, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, thì người nông dân mới hiểu hết được sự cần thiết phải lấy nước đúng thời vụ, đảm bảo đủ nước cho sản xuất và phải sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên quý của Quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!
 


  • 05/04/2013 12:43
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3745


Gửi nhận xét