Ứng phó nguy cơ thiếu điện: Tất cả đã sẵn sàng

Dự báo nhu cầu sử dụng điện trong các tháng mùa khô sẽ tăng cao và nguy cơ thiếu điện luôn tiềm ẩn. Vì vậy, các đơn vị sản xuất, truyền tải và cung ứng điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước đã chuẩn bị mọi phương án đối phó với tình hình xấu nhất có thể xảy ra, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương): Các đơn vị sản xuất điện trong cả nước cần phối hợp chặt chẽ

Trong những tháng đầu năm, ngành Điện đã đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân với sản lượng điện đạt trên 29,9 tỷ kWh, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến từ tháng 4 đến tháng 6, sản lượng điện toàn hệ thống ước đạt khoảng 34,35 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012.

Bước vào tháng 4 - tháng bắt đầu nắng nóng ở miền Bắc và cao điểm khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đảm bảo vận hành liên tục, ổn định hệ thống điện. Nếu 3 tập đoàn trên phối hợp tốt, thì về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện và không phải chạy thêm nguồn điện có giá thành cao từ dầu FO và DO, giảm áp lực tăng giá bán điện.

Ông Trần Xuân Hòa – Chủ tịch HĐTV Vinacomin: Sẵn sàng đảm bảo sản lượng than cho  sản xuất điện

Trách nhiệm của ngành Than là luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện tối đa trong những tháng mùa khô và cả năm 2013. Hiện tại, sản lượng than cung cấp cho các nhà máy điện chiếm hơn 50% sản lượng than tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, đến nay chỉ có riêng giá bán than cho điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường nên chỉ bằng gần 70% giá thành. Vinancomin đề nghị các đơn vị sản xuất điện sớm hoàn thành ký hợp đồng nguyên tắc để các đơn vị ngành Than chủ động kế hoạch khai thác và cung cấp than cho điện. Ngoài ra, Vinacomin cũng đề nghị các đơn vị sản xuất điện phối hợp chặt chẽ với EVN, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động tối đa công suất nguồn tại các nhà máy điện do Vinacomin quản lý, đáp ứng nhu cầu nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Phùng Đình Thực – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN): Nỗ lực cung cấp đủ sản lượng khí cho nhiệt điện

Ngay từ những tháng đầu năm 2013, PVN đã có kế hoạch phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện phía Bắc, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thành viên PVN lập kế hoạch điều chỉnh nguồn khí cấp cho các nhà máy nhiệt điện khu vực phía Nam. Tất cả vì mục tiêu sẽ huy động được công suất tối đa của các nhà máy nhiện điện theo nhu cầu huy động của hệ thống điện quốc gia. Đối với nguồn điện mới của PVN, cuối tháng 3/2013 đã thực hiện hòa lưới điện quốc gia 2 tổ máy của Thủy điện Hủa Na (công suất 180 MW), hoàn thành dự án điện gió công suất 6 MW ở đảo Phú Quý (Bình Thuận). PVN đang nỗ lực tập trung nguồn vốn, đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện đang làm chủ đầu tư như, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu cũng luôn sẵn sàng, khi có kế hoạch bổ sung nguồn điện vào hệ thống, PVN sẽ huy động tất cả các nguồn dầu kể cả huy động nguồn điện chạy bằng dầu giá cao FO và DO để đảm bảo điện cho phát triển đất nước.

Đối với nguồn khí, hiện nay PVN có từ 2 nguồn khác nhau ở miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ. PVN đã rà soát, cân đối lại việc cung cấp khí cho sản xuất điện và đạm ở miền Tây để bảo đảm ưu tiên nguồn khí cho phát điện tại khu vực Cà Mau. Đối với nguồn khí phía Đông, PVN sẽ cân đối lại nguồn khí cấp cho các hộ tiêu thụ khác trong thời kỳ thấp điểm để bổ sung nguồn khí cho các nhà máy điện nếu cần huy động.

Ông Nguyễn Khắc Sơn  - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1): Huy động tối đa các nguồn điện

Bắt đầu vào mùa khô năm 2013, các nhà máy thủy điện của Genco 1 đều nằm ở khu vực miền Trung, Tây nguyên, mà mực nước ở khu vực này rất thấp, báo hiệu mùa khô năm nay huy động sản lượng từ thủy điện là rất khó khăn. Vì vậy, kế hoạch của chúng tôi là tập trung sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện. Trước đó, công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị, công tác duy tu, bảo dưỡng… các tổ máy đã được thực thi một cách nghiêm túc .

Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí có 4 tổ máy duy trì phát điện đều đặn, nếu xảy ra sự cố, có thể xử lý được ngay. Còn tổ máy Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (công suất 300 MW) Genco 1 mới bàn giao vận hành thương mại, mặc dù vận hành chưa ổn định, nhưng chúng tôi đã tiếp nhận nhà máy này và đang vận hành ở mức cao nhất có thể.

Đối với cụm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, 2 tổ máy Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 đã đi vào vận hành, tổ máy 3 Nhiệt điện Quảng Ninh cũng đã hòa lưới điện quốc gia. Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo Nhà máy phải nỗ lực phấn đấu sớm đưa tổ máy 4 vào vận hành, cấp điện cho mùa khô năm nay. Đối với dự án Nghi Sơn, chúng tôi cố gắng  trong tháng 4/2013 sẽ đưa 1 tổ máy vào vận hành. Trong kế hoạch, thời gian tới sẽ đưa Nhà máy Thủy điện Khe Bố vào vận hành, góp thêm công suất cho hệ thống. Ngoài ra các nhà máy thủy điện  khác như Đại Ninh, Bản Vẽ, Đồng Nai, Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi sẽ được vận hành theo phương thức của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Mọi cố gắng của chúng tôi đều hướng tới mục tiêu duy nhất là vận hành ổn định các nhà máy điện, góp phần đảm bảo đủ điện cho hệ thống điện mùa khô năm nay.





 


  • 29/05/2013 03:31
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3947


Gửi nhận xét