Ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng giám đốc EVN
|
PV: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, hạn hán kéo dài nhiều tháng nay, EVN dự báo như thế nào về tình hình nguồn cung ứng điện những tháng nắng nóng sắp tới, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng An: Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia trong 4 tháng đầu năm 2013 là 41 tỷ kWh, tăng 10,77% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng khá cao. 4 tháng đầu năm nay, do diễn biến bất thường của thời tiết đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất và cung ứng điện. Đặc biệt, tình hình khô hạn kéo dài ở miền Trung và Tây Nguyên từ các tháng cuối năm 2012 đến nay đã làm cho lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện trong khu vực này rất thấp, dẫn đến giảm khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện trong khu vực và ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh dưới hạ du.
Mặt khác, do nắng nóng kéo dài ở miền Nam và dự báo sẽ diễn ra ở miền Trung và miền Bắc trong các tháng tới, nên nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng cao. Trong điều kiện khó khăn như vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn quyết tâm phấn đấu đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Về tình hình cung ứng điện những tháng nắng nóng sắp tới, theo dự báo, phụ tải trung bình ngày của hệ thống điện quốc gia tháng 5 là 380,1 triệu kWh/ngày, tăng 11,13% so với tháng 5 năm 2012, tháng 6 là 384,3 triệu kWh/ngày, tăng 10,71%. Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia tháng 5 là 11,783 tỷ kWh, tháng 6 là 11,535 tỷ kWh. Trên cơ sở cân đối các nguồn điện trong hệ thống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định sẽ cung cấp đủ điện cho các nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân trong các tháng cao điểm sắp tới.
PV: Trong trường hợp các nhà máy thủy điện phải giảm công suất hoặc ngừng phát điện vì thiếu nước, giải pháp của EVN là gì, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng An: Vấn đề điều tiết các hồ thủy điện trong các tháng mùa khô nhằm đảm bảo cân đối công suất và sản lượng của toàn hệ thống cho đến khi mùa mưa đến là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong điều hành hệ thống điện.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất điện, các nhà máy thủy điện còn phải phân bổ lượng nước có trong hồ, cấp cho khu vực hạ du đến cuối mùa khô, vốn rất cần nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống.
Tình hình khô hạn đã và đang diễn ra, trong đó khó khăn nhất là các hồ thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Mùa lũ năm 2012 các hồ thủy điện trong khu vực này không có lũ về và từ đầu năm 2013 đến nay dòng chảy về hồ cũng rất thấp, lượng nước về một số hồ chỉ bằng 40-70% trung bình nhiều năm (TBNN).
Tình hình khô hạn khiến nhiều hồ thủy điện cạn nước - Ảnh: H.Hiếu
|
Mặt khác, trong thời gian qua, hầu hết các hồ thủy điện khu vực miền Trung liên tục vận hành xả nước, đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân cho các địa phương vùng hạ du. Do vậy, đến thời điểm này phần lớn các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, rất gần mực nước chết (hồ Thủy điện A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Sông Côn, Sông Tranh, A Vương, Vĩnh Sơn, Krông Hnăng, Sông Ba Hạ, Plei Krông, Ialy, Buôn Tua Srah, ĐăkR’Tih…). Lượng nước còn trong các hồ thủy điện rất thấp làm giảm công suất hoạt động của các tổ máy và kết quả là giảm sản lượng điện .
Để có đủ công suất đáp ứng công suất đỉnh của hệ thống và công suất cho từng miền, EVN đã và đang thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương tạm ngừng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh một số nhà máy thủy điện do mực nước và dòng chảy về hồ quá thấp, thực hiện chế độ điều hành tập trung, chỉ phát điện khi cần thiết, đáp ứng nhu cầu nước hạ du theo lịch hoặc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống điện; Chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thuỷ lợi và UBND các tỉnh, thống nhất phương án điều hành xả nước các hồ thuỷ điện theo lịch tập trung theo từng lưu vực sông; Tăng cường truyền tải công suất từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, hỗ trợ công suất và sản lượng do thiếu hụt công suất thủy điện ở hai miền này; Chuẩn bị sẵn sàng và huy động hợp lý các nguồn nhiệt điện chạy dầu (dù chi phí sản xuất rất cao) khu vực miền Nam để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam; Tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định sẽ cung cấp đủ điện cho các nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân trong các tháng nắng nóng sắp tới."
"Giải pháp lâu dài, bền vững là thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng giảm dần tỷ trọng của thủy điện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong toàn xã hội." |
PV: Nếu phải huy động các nguồn điện giá cao, EVN sẽ phải cân đối bài toán kinh tế như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng An: Nếu phải huy động các nguồn điện giá cao 5.000-7.000 đồng/kWh (phát điện bằng dầu DO, FO) sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí mua điện của EVN. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu tổng quát mà EVN đã đề ra cho năm 2013 là đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, là “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng” , Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
PV: Về lâu dài, để kịch bản “Căng thẳng nguồn cung mùa nắng nóng” không lặp lại, theo ông, cần có những giải pháp gì?
Ông Đặng Hoàng An: Đặc điểm của hệ thống điện Việt Nam là có tỷ trọng thủy điện rất lớn, tính đến cuối năm 2012, tổng công suất đặt các nhà máy thủy điện là 13.500 MW, chiếm 50% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện; điện năng sản xuất của các nhà máy thủy điện năm 2012 là 53,122 tỷ kWh, chiếm 45,18% điện năng sản xuất của hệ thống điện. Với tỷ trọng thủy điện cao, việc cân đối cung cầu điện hàng năm, đặc biệt là các tháng mùa khô là khó khăn vì phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu và diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện. Vấn đề này càng khó dự báo trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường.
Giải pháp lâu dài, bền vững là thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng giảm dần tỷ trọng của thủy điện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong toàn xã hội.
Về cơ cấu nguồn điện, theo Quy hoạch điện VII, năm 2020 thủy điện chiếm 23,1% tổng công suất các nhà máy điện và 19,6% điện năng sản xuất, năm 2030 thủy điện chỉ chiếm 11,8% tổng công suất các nhà máy điện và 9,3% điện năng sản xuất.
Về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện đã có Luật và Nghị định của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời theo Quy hoạch điện VII sẽ giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội.
PV: EVN còn có kiến nghị gì với Bộ Công Thương, Chính phủ để giải bài toán điều tiết nguồn cung điện về lâu dài, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng An: EVN đã đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ: Tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để các đơn vị hoạt động điện lực có thể vay vốn đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước đảm bảo phát triển nguồn và lưới điện; Thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện và chính sách giá điện phù hợp để các đơn vị hoạt động điện lực phát triển bền vững, đồng thời thu hút đầu tư của toàn xã hội và các nhà đầu tư vào phát triển nguồn điện; Tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời về công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình điện, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình điện; Tăng cường chỉ đạo và có những biện pháp tích cực thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong toàn xã hội theo tinh thần Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!