Đảm bảo truyền tải điện mùa nắng nóng: Khi nhu cầu về điện đột biến...

Căng thẳng truyền tải 500 kV Bắc – Nam, đặc biệt là trong những thời điểm nắng nóng là câu chuyện đang làm “nóng” nghị trường hiện nay. Làm thế nào để truyền tải Bắc – Nam an toàn, đảm bảo dòng điện thông suốt cho nhân dân trong những tháng cao điểm mùa khô? Xung quanh nội dung này, phóng viên evn.com.vn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Lẫm – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT).

 

PV: Ông nhận định thế nào về tình hình truyền tải điện những tháng nắng nóng 2013, đặc biệt là truyền tải trên hệ thống đường dây (ĐZ) 500 kV Bắc - Nam?

Ông Trần Quốc Lẫm: Không chỉ năm 2013, mà trong nhiều năm gần đây, cung ứng điện mùa nắng nóng luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Ngoài nguyên nhân hạn hán làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của các nhà máy thủy điện, thì việc phụ tải tăng cao và đột biến cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cung ứng điện nói chung, năng lực truyền tải nói riêng.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung điện tại chỗ cho khu vực phía Nam chưa đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải, bắt buộc hệ thống phải truyền tải công suất cao từ Bắc vào Nam. Mà truyền tải công suất cao trên lưới 500 kV, ngoài việc gây tổn thất (về mặt kỹ thuật) lớn, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về mất an toàn do người dân vi phạm hành lang lưới điện, điển hình như sự cố hy hữu trên đường dây 500 kV gây mất điện trên diện rộng ngày 22/5/2013 vừa qua.

PV: Vậy EVN NPT đã làm gì để đảm bảo truyền tải điện thông suốt, góp phần cung ứng điện an toàn, ổn định cho cả nước vào những tháng cao điểm nắng nóng 2013 sắp tới, thưa ông?

Ông Trần Quốc Lẫm: Nhận định sớm tình hình và phân tích rõ các nguy cơ căng thẳng về truyền tải trong những thời điểm nắng nóng, EVN NPT đã chủ động lên phương án sớm và đã tiến hành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường khả năng truyền tải.

Trước hết, Tổng công ty đã tiến hành nâng máy biến áp các trạm hiện hữu, cải tạo và thay mới nhiều hệ thống đường dây 220 kV từ dây cũ sang dây siêu nhiệt để tăng khả năng truyền tải, nâng công suất trạm 500 kV Phú Lâm, thay máy biến áp 450 MVA lên máy 900 MVA, lắp máy thứ 3 của trạm 500 kV Tân Định, lắp thêm 2 máy 450 MVA của trạm 500 kV  Pleiku để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực phía Nam.

Theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chúng tôi cũng đã và đang tiến hành triển khai nâng tụ bù dọc của ĐZ 500 kV từ Hà Tĩnh đến Phú Lâm, bao gồm việc thay các tụ bù dọc dung lượng 1000 A hiện nay bằng các bộ tụ mới 2000 A tại các trạm 500 kV Pleiku, Di Linh, Đắc Nông, Hà Tĩnh, nhằm nâng công suất đồng bộ toàn tuyến Hà Tĩnh – Phú Lâm lên 2000 A, đảm bảo khả năng truyền tải công suất cao những tháng nắng nóng 2013 và những năm sau.

Tổng công ty cũng chỉ đạo các công ty truyền tải trực thuộc tiến hành sửa chữa, kiện toàn hệ thống đường dây, trạm biến áp ngay trước mùa nắng nóng. Đồng thời, sẵn sàng các phương án phản ứng nhanh, khắc phục sự cố nóng (nếu có) để đảm bảo truyền tải ổn định, an toàn trong bất kỳ điều kiện nào.

Nếu chỉ ngành Điện nỗ lực thôi thì chưa đủ, mà rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, vì mục tiêu truyền tải điện an toàn, thông suốt - Ảnh: H.Hiếu

PV: Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lưới truyền tải, trạm biến áp… không đáp ứng được nhu cầu phụ tải cao trong những thời điểm nắng nóng là có thật, và đã tái diễn khá nhiều, nhất là ở các thành phố lớn. Đây có phải là nghịch lý “lưới không theo kịp nguồn” không, thưa ông?

Ông Trần Quốc Lẫm: Tôi nghĩ, nếu dùng từ “nghịch lý” thì cũng không hoàn toàn chính xác. Mặc dù trên thực tế, tốc độ phát triển các nguồn điện ở nước ta từ năm 2000 đến nay so với tốc độ phát triển lưới là nhanh hơn khá nhiều. So với kế hoạch trong Quy hoạch điện VII, đầu tư cho truyền tải cũng không đáp ứng được.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này không nằm ở EVN NPT, mà là do nhiều yếu tố khách quan. Cơ bản khó khăn nhất vẫn là vốn, rồi những “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng, những bất cập về giá truyền tải… đã đồng thời cản trở công tác đầu tư truyền tải, trong khi áp lực về truyền tải công suất cao mùa nắng nóng thì không ngừng tăng lên theo các năm.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, do nhu cầu phụ tải cao và đột biến ở những thời điểm nắng nóng cao độ, nên quá tải cục bộ là điều khó tránh.

PV: Vậy để giải quyết tình trạng này cả trước mắt và lâu dài, theo ông, cần những giải pháp gì?

Ông Trần Quốc Lẫm: Như tôi đã nói, khó khăn khách quan của lĩnh vực truyền tải là rất nhiều, nên câu chuyện này không thể giải quyết ngay một sớm một chiều. Đầu tư cho truyền tải, nhất là đối với hệ thống ĐZ 500 kV Bắc – Nam, cần nguồn vốn rất lớn, trong khi tự thân EVN NPT không thể cân đối được. Các “điểm nghẽn” trong công tác giải phóng mặt bằng càng khó khăn hơn, vì hệ thống lưới truyền tải đi qua nhiều tỉnh thành, mà cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng mỗi tỉnh lại một khác… Đó là chưa kể đến quy hoạch sử dụng đất của các địa phương biến động liên tục, khiến rất nhiều dự án truyền tải sau thời gian khảo sát, chưa kịp triển khai xong đã phải di dời trạm, nắn tuyến… Giá truyền tải thấp cũng là một bất cập lớn, nhưng chưa thể điều chỉnh ngay vì còn liên quan đến giá điện bán lẻ đầu ra…

Trước mắt, để tránh quá tải gây mất điện cục bộ vào những thời điểm nắng nóng của năm 2013, ngoài sự nỗ lực và các giải pháp của EVN NPT, chúng tôi cũng kiến nghị các tổng công ty điện lực cần nỗ lực tăng cường đầu tư hơn nữa cho hệ thống lưới 110 kV, trên cơ sở nghiên cứu, dự báo nhu cầu phụ tải của địa bàn mình quản lý. Các phương án dự phòng sự cố quá tải cục bộ cũng cần được tính toán kỹ, tránh để mất điện kéo dài trên diện rộng, gây bức xúc trong nhân dân.

Về lâu dài, đối với hệ thống lưới truyền tải từ 220 kV đến 500 kV do EVN NPT quản lý, để đảm bảo tốc độ đầu tư theo đúng kế hoạch trong Quy hoạch điện VII, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng và các ban ngành, chính quyền địa phương liên quan. Trong đó, quan trọng là cần có đủ nguồn vốn đầu tư (khoảng 90 nghìn tỷ đồng từ năm 2013 đến năm 2015); tháo gỡ các khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, và vấn đề đảm bảo an toàn hành lang tuyến. Có thể nói, nếu chỉ ngành Điện nỗ lực thôi thì chưa đủ, mà rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, vì mục tiêu truyền tải điện an toàn, thông suốt.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!


 


  • 28/06/2013 09:55
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3675


Gửi nhận xét