Cộng đồng với việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện: Không nên và không thể đứng ngoài cuộc

“Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ) là bảo vệ sự ổn định, thông suốt của dòng điện vì lợi ích của cộng đồng và cả nền kinh tế. Vì vậy, ngoài trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thì người dân và các cá nhân, đơn vị liên quan cũng không nên và không thể đứng ngoài cuộc!”

Ông Vũ Ngọc Minh

Đó là khẳng định của Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) – ông Vũ Ngọc Minh. Trao đổi với Thế giới điện, ông Minh cho biết tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ hiện vẫn đang tiếp diễn rất phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến cung cấp điện và cả an ninh hệ thống điện quốc gia.

PV: Thưa ông, từ vụ vi phạm hành lang lưới điện cao áp 500 kV gây “rã lưới” hệ thống điện miền Nam ngày 22/5 vừa qua, ông có bình luận gì về thực trạng vi phạm hành lang ATLĐ ở nước ta hiện nay?

Ông Vũ Ngọc Minh: Sự cố trên là trường hợp hy hữu, tuy nhiên nguyên nhân vẫn “quá quen thuộc” - đó là do người dân thiếu ý thức vi phạm an toàn hành lang lưới điện. Hậu quả nghiêm trọng của sự việc lần này là hồi chuông cảnh báo đối với tất cả chúng ta về sự cần thiết và tính cấp thiết của vấn đề bảo vệ hành lang ATLĐ cao áp nói riêng, an toàn cho tất cả các công trình điện nói chung.

Trên thực tế, việc vi phạm hành lang ATLĐ có vẻ như là chuyện “biết rồi, khổ lắm…” nhưng vẫn không thể không nói! Nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc, trong đó có EVN NPT, đã rất quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ hành lang ATLĐ, nhưng vi phạm vẫn xảy ra nhiều và ngày càng gia tăng hơn về số lượng và nghiêm trọng hơn về hậu quả.

Thời gian qua, liên tiếp các vụ vi phạm, cả đối với hành lang tuyến 500 kV, 220 kV, cũng như hàng lang đường cáp điện ngầm, hành lang các đường điện hạ áp, trong khu dân cư. Nếu chỉ tính riêng các vụ vi phạm hành lang lưới điện truyền tải 220 kV đến 500 kV trong 5 tháng từ đầu năm 2013, con số đã là 20. Trong đó, vụ vi phạm hành lang lưới điện 500 kV mới đây, dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng thiệt hại về kinh tế - xã hội là rất lớn.

Trong trường hợp vi phạm xảy ra, dù lớn hay nhỏ, cũng cần được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, triệt để theo luật định để phòng ngừa tái diễn - Ảnh: H. Hiếu

PV: Vậy phải chăng là EVN, mà cụ thể ở đây là EVN NPT, chưa làm tròn trách nhiệm của mình và các giải pháp để bảo vệ an toàn cho hành lang lưới điện chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Minh: Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm chính trong bảo vệ hành lang ATLĐ là của ngành Điện, chính quyền địa phương các cấp, và của nhân dân ở nơi có lưới điện đi qua. Nếu chỉ mình EVN NPT không thôi, thì không thể đủ để bảo vệ hành lang lưới điện vốn trải dài và rộng khắp cả nước, đi qua rất nhiều địa bàn đồng bằng, miền núi, hải đảo… phức tạp khác nhau. Ví dụ như đối với hệ thống đường dây 500 kV Bắc – Nam, ngành Điện không thể đủ quân số để “rải quân” toàn tuyến, đứng dưới đường dây để bảo vệ 24/24h được.

Luật Điện lực, Nghị định 106 của Chính phủ, cùng rất nhiều văn bản có tính pháp lý khác cũng đã quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong việc phối hợp với ngành Điện để bảo vệ hành lang ATLĐ quốc gia. Theo đó, các chế tài xử phạt cũng đã được đưa ra để răn đe, xử lý các vi phạm, nếu có. Vấn đề ở đây là thực trạng vi phạm vẫn cứ xảy ra, không chỉ ở 1 vài địa phương mà là ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất, vẫn là do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa cao, việc bảo vệ hành lang ATLĐ chưa được xã hội coi trọng.
Mặt khác, chính quyền địa phương một số tỉnh còn vào cuộc chưa triệt để, phối hợp với ngành Điện chưa hiệu quả nên chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân. Tôi cho rằng, đây là một bất cập rất lớn mà tất cả chúng ta phải cùng nhìn thẳng vào vấn đề để chung tay tháo gỡ!

PV: Cụ thể, những giải pháp để tháo gỡ, theo ông là gì?

Ông Vũ Ngọc Minh: Trước hết, về phía EVN NPT, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, nhằm tuyên truyền sâu rộng, cụ thể đến tất cả các đối tượng người dân về sự cần thiết của việc bảo vệ hành lang ATLĐ. Bên cạnh đó, ngành Điện cũng rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng, và đặc biệt là sự đồng lòng, chung tay của người dân trong cả nước. Chỉ khi có sự chung tay của cả cộng đồng, các giải pháp bảo vệ hành lang ATLĐ mới thực sự phát huy được hiệu quả thực tiễn. Trong trường hợp vi phạm xảy ra, dù lớn hay nhỏ, cũng cần được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, triệt để theo luật định để phòng ngừa tái diễn.

PV: Xin cảm ơn ông!
 

Khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp quy định tại khoản 4 Điều 51 của Luật Điện lực: Là khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Cụ thể như bảng sau:

             Điện áp

Đến 22 kV

35 kV

66-110 kV

220 kV

500 kV

Khoảng cách an toàn phóng điện

4,0 m

4,0 m

6,0 m

6,0 m

8,0 m

 

Ông Phạm Lê Phú – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1):

“Các vi phạm về hành lang ATLĐ thuộc địa bàn PTC1 quản lý là khá nhiều và đa dạng về hình thức. Nhiều nhất là các vi phạm do người dân thả diều vướng lên dây, đốt nương rẫy, công trình xây dựng trong hành lang an toàn khiến khói lửa gây phóng điện, xe chở vật liệu vi phạm độ cao vướng vào lưới điện… Tất cả các vi phạm này chủ yếu vẫn là do ý thức của người dân về việc bảo vệ hành lang ATLĐ chưa cao. Đây cũng chính là trở ngại lớn nhất đối với PTC1 nói riêng, ngành Điện nói chung trong việc bảo đảm an toàn truyền tải điện để cung cấp điện ổn định cho nhân dân…”
 


 


  • 26/06/2013 01:07
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới Điện
  • 4198


Gửi nhận xét