Ông Nguyễn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Quy hoạch – Tổng cục Năng lượng: Cần sự phối hợp đồng bộ
Thời gian qua, tỉ lệ thực hiện xây dựng lưới điện truyền tải thấp hơn nhiều so với tỉ lệ thực hiện xây dựng nguồn điện theo quy hoạch được duyệt. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2010, tỉ lệ thực hiện quy hoạch của lưới truyền tải chỉ đạt khoảng 50%, trong khi xây dựng nguồn điện đạt gần 70% so với quy hoạch được duyệt. Đây là một bất cập lớn mà nguyên nhân chính là do thiếu sự phối hợp giữa các quy hoạch ngành, dẫn tới mất nhiều thời gian để hiệu chỉnh các quy hoạch.
Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện các quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt còn thấp, dẫn tới lưới điện truyền tải bị quá tải (ví dụ, tỷ lệ thực hiện xây dựng các trạm truyền tải 220 kV của TP Hà Nội giai đoạn 2006 - 2010 là 0%). Ngoài ra, do công tác quy hoạch, định hướng phát triển KT- XH của nhiều địa phương, đặc biệt là các khu công nghiệp có khó khăn so với dự kiến trong quá trình lập quy hoạch phát triển điện, ảnh hưởng đến việc phát triển hệ thống lưới điện truyền tải.
Vì vậy, để đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy hoạch về lưới điện truyền tải, Chính phủ cần ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án, cho phép các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho ngành Điện phát triển lưới điện truyền tải. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành để tạo sự đồng bộ giữa các quy hoạch ngành, tránh phải điều chỉnh quy hoạch ngành Điện quá nhiều dẫn tới sự phát triển manh mún.
Chính phủ cũng cần chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm tới công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án lưới điện truyền tải; ưu tiên đất cho dự án điện theo Quy hoạch đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt… nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng của các dự án. Các cơ quan, ban, ngành cần rà soát các đề án Quy hoạch phát triển điện lực hằng năm để bổ sung điều chỉnh kịp thời; tập trung nguồn lực vào các dự án trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải.
|
Ông Nhữ Tiến Thông – Phó trưởng ban Tài chính – Kế toán, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT): Tăng giá truyền tải để tăng khả năng tự đầu tư
Hằng năm EVN NPT cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Riêng trong năm 2013, EVN NPT phải đầu tư 16.900 tỷ đồng, các năm tiếp theo bình quân mỗi năm phải đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng.
Dự kiến, trong năm 2013, EVN NPT sẽ khởi công mới 50 dự án, nhưng đến nay mới thu xếp được vốn cho 20 dự án. 30 dự án còn lại, EVN NPT đã làm việc với các đối tác nước ngoài và hầu hết các ngân hàng trong nước nhưng vẫn đang trong quá trình thẩm định dự án.
Sở dĩ EVN NPT gặp khó khăn trong quá trình thu xếp vốn là do năng lực tài chính của EVN NPT thấp, lợi nhuận thấp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhỏ hơn lãi suất vay ngân hàng nên các tổ chức tín dụng yêu cầu nhiều biện pháp bảo đảm vốn vay ngặt nghèo như bảo lãnh của EVN, bảo lãnh của Bộ Tài chính. Hiện, mức dư nợ vay của EVN NPT tại các ngân hàng thương mại lớn trong nước đã vượt 25% vốn tự có của ngân hàng đối với nhóm khách hàng có liên quan là EVN. Do vậy, khi cho EVN NPT vay vốn, các ngân hàng đều phải xin phép Ngân hàng nhà nước theo quy định của Luật Tín dụng...
Mặt khác, hiện giá truyền tải ở mức thấp 83,3 đồng/kWh, chỉ chiếm chưa đến 6% giá bán điện nên EVN NPT khó đủ vốn để đảm bảo tỷ lệ vốn tự đầu tư cho các dự án từ 25 - 30%. Thông thường ở các nước, giá truyền tải chiếm 8-10%, thậm chí có nước 15%, trong khi Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 6%. Do đó, cần thiết phải tăng giá truyền tải. Sắp tới, khi thị trường cạnh tranh ra đời, chúng tôi sẽ có ý kiến tính giá truyền tải theo nút truyền tải (ví dụ giá Hà Nội, TP.HCM sẽ phải khác những tỉnh vùng sâu, xa...) có như vậy mới đáp ứng được nguồn vốn để đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải.
Dự kiến từ nay đến năm 2015, EVN NPT phải huy động 90.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn lớn, cần phải có thời gian mới thu thu xếp được. Để tháo gỡ khó khăn, EVN NPT đã tìm nguồn hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như thông qua các tổ chức quốc tế là: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, NEXI, JICA... Mặt khác, EVN NPT cũng phải chủ động thu xếp vốn, đặc biệt là vốn đối ứng cho các dự án không nằm trong danh mục tài trợ của các tổ chức quốc tế. Riêng đối với các ngân hàng trong nước, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ EVN NPT cũng đang tích cực huy động để đảm bảo được nguồn vốn phát triển lưới điện.
|
Ông Đỗ Đức Mạnh - Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc thuộc EVN NPT): Giải phóng mặt bằng còn nhiều thách thức
Năm 2013, EVN NPT giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) 15 dự án phải đóng điện và 14 dự án khởi công mới. Trong đó có một số dự án quan trọng như; Xây dựng đường dây 500 kV Quảng Ninh - Mông Dương; ĐZ 220 kV Vân Trì – Chèm và một số dự án vay vốn của Ngân hàng phát triển Châu Á, với yêu cầu phải giải ngân trong năm 2013. Tuy nhiên, hầu hết tiến độ thực hiện dự án đến nay đang chậm do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Một số dự án đảm bảo điện cho Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 cũng gặp nhiều vướng mắc do sự chồng chéo quy hoạch, có những vị trí cột và tuyến đường dây đi qua đã được Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội cấp chỉ giới đường đỏ, nhưng hiện tại đang nằm trong quy hoạch xây dựng nhà biệt thự của những khu đô thị mới. Bên cạnh đó là chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB theo Quyết định 02/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ phải theo giá thị trường, đây là chính sách mới nên khi thực hiện, chủ đầu tư gặp nhiều lúng túng trong việc bố trí nguồn vốn cho những dự án đã phê duyệt từ nhiều năm trước.
Thời gian tới, khi Luật đất đai sửa đổi bổ sung được Quốc hội phê duyệt, theo đó quy định giá đất để bồi thường sẽ được điều chỉnh theo sát giá thị trường – tức là giá được người mua và người bán thỏa thuận. Tuy nhiên, khi tiến hành xác định giá thị trường, vẫn cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Như vậy, gánh nặng về thủ tục hành chính, thời gian thực hiện sẽ đè nặng lên vai của chủ đầu tư (nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước). Khi đó những vướng mắc trong công tác GPMB càng là “bài toán khó” trong việc xây dựng các dự án lưới điện.