Đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng: Cần sự hỗ trợ từ cộng đồng

Đó là khẳng định của ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi trao đổi với phóng viên về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng 2013.

Ông Trần Viết Nguyên

PV: Để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục trong những tháng cao điểm nắng nóng 2013, EVN đã có những giải pháp cụ thể nào thưa ông ?

Ông Trần Viết Nguyên: Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực xây dựng kế hoạch cung cấp điện cả năm và từng tháng cho các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở không thực hiện tiết giảm điện, đồng thời phối hợp với Sở Công Thương các địa phương đẩy mạnh các hoạt động về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.  

Tháng 4/2013, Tập đoàn đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị cung ứng điện trong các tháng cao điểm mùa khô 2013 tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Khi diễn ra đợt nắng nóng đầu tiên ở khu vực miền Bắc và miền Trung, ngày 16/5/2013, Tập đoàn đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực tăng cường lực lượng ứng trực để xử lý kịp thời khi có sự cố, tổ chức tiếp nhận và xử lý nhanh các trường hợp người dân báo mất điện, thực hiện các biện pháp cân đảo pha, san tải, hoán đổi máy biến áp để tăng khả năng cấp điện...

Ngày 03/6/2013, Tập đoàn tiếp tục có văn bản yêu cầu các đơn vị truyền tải điện, điện lực hạn chế sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị chưa cần thiết trong những ngày nắng nóng, tập trung đảm bảo cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, đồng thời xem xét trách nhiệm và xử lý cán bộ ở các đơn vị để xảy ra mất điện nhiều lần trên địa bàn quản lý.     

PV :Theo ông, để hạn chế sự cố do quá tải vào những thời điểm nắng nóng cao độ mùa hè 2013, ngoài trách nhiệm của ngành Điện, cần có sự phối hợp như thế nào giữa các cơ quan, đơn vị liên quan?

Ông Trần Viết Nguyên: Trước hết, các cơ quan nhà nước các cấp từ trung ương tới địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện. Các cơ quan thông tin đại chúng như đài phát thanh và truyền hình, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả với các giải pháp hết sức cụ thể như, xây dựng các chương trình về tiết kiệm điện, bố trí thời lượng và thời gian phát sóng hợp lý, phát thanh và đăng bài về tiết kiệm điện, đặc biệt vào các thời điểm nắng nóng.

Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND tỉnh/thành phố/quận huyện/phường xã cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ công tác truyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân và doanh nghiệp về tiết kiệm điện…

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

PV: Cụ thể, đối với người dân và doanh nghiệp sản xuất sử dụng sản lượng điện lớn, cần phải làm gì để góp phần làm giảm bớt căng thẳng về điện trong những thời điểm mùa nắng nóng, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Đối với người dân, nên sử dụng các thiết bị điện trong gia đình một cách tiết kiệm và hiệu quả như: Tắt các thiết bị điện khi không dùng, đặt điều hòa ở mức nhiệt độ phù hợp (từ 25 độ C trở lên). Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như: Đèn compact, bóng đèn huỳnh quang loại T8, T5, thiết bị điện có dán nhãn tiết kiện năng lượng. Ngoài ra, người dân nên sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời thay thế cho bình đun nước nóng bằng điện.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, nên: Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị có công suất điện lớn (như máy nghiền, máy nén khí) vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày; không để các thiết bị điện hoạt động không tải. Từng bước thay thế dần các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Đối với dây chuyền sản xuất hiện đang sử dụng, doanh nghiệp có thể tiến hành kiểm toán năng lượng, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp hợp lý như,lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất. Lắp đặt các thiết bị đo đếm điện năng tại các tổ/đội/dây chuyền sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng, đồng thời giao trách nhiệm tiết kiệm điện cho các bộ phận trong doanh nghiệp thực hiện. Tuyên truyền sâu rộng tới toàn bộ CBCNV và người lao động về thực hành tiết kiệm điện, xem chi phí điện là một trong những chi phí đầu vào cần phải tiết kiệm tại đơn vị.  

PV: Vậy EVN đã hỗ trợ gì cho khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả?

Ông Trần Viết Nguyên: Có thể nói, lợi ích và trách nhiệm thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trước tiên là của khách hàng sử dụng điện. Vì vậy, kiểm toán năng lượng, đặc biệt đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là trách nhiệm bắt buộc.

Trong những năm qua, EVN đã chủ động hỗ trợ một phần kinh phí, phối hợp với sở công thương một số tỉnh, thành phố mời một số cơ quan kiểm toán năng lượng kiểm toán năng lượng miễn phí cho hàng trăm doanh nghiệp. Ngoài ra, các công ty điện lực thuộc EVN thường xuyên và trực tiếp phổ biến, cũng như tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp về các giải pháp về sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Tại các hội nghị khách hàng hàng năm, các tổng công ty điện lực và các công ty điện lực đều tuyên truyền và phổ biến các quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có quy định về lộ trình bắt buộc các doanh nghiệp phải thay thế các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết, bị công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện.  

Từ năm 2003 đến hết năm 2010, EVN đã triển khai chương trình bán hơn 5 triệu bóng đèn compact tiết kiệm điện cho tất cả các khách hàng sử dụng điện, với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 10%. Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, EVN đã tích cực tham gia quảng bá chương trình bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Từ năm 2010 tới hết năm 2012, EVN đã hỗ trợ cho các khách hàng (hộ gia đình, trường học, bệnh viện, nhà hàng và khách sạn) với số lượng 60.000 bình (mỗi bình khách hàng được nhận hỗ trợ từ EVN là 1 triệu đồng). Hầu hết các khách hàng sử dụng bình nước nóng bằng NLMT là hộ gia đình và khoảng 50 khách hàng là bệnh viện, nhà hàng và khách sạn. Trong năm 2013, EVN sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ với số bình dự kiến là 30.000 bình (tương ứng với số tiền hỗ trợ là 30 tỷ đồng).

EVN đã, đang và sẽ vẫn đồng hành cùng các doanh nghiệp nói riêng, khách hàng sử dụng điện cả nước nói chung, trong việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần giảm áp lực quá tải trong những tháng cao điểm nắng nóng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Thống kê phụ tải và sản lượng điện tiết kiệm được của EVN trong các tháng cao điểm nắng nóng một số năm gần đây:

 

TT

Thời gian

Pmax

(MW)

Amax/ngày trong tháng

(triệu kWh)

Atp

(triệu kWh)

Sản lượng điện

tiết kiệm

(triệu kWh)

Tỷ lệ tiết kiệm điện

(%)

1

Tháng 5/2010

14.317

303

6.893,71

105,47

1,53

2

Tháng 5/2011

15.717

333

7.728,04

112,05

1,45

3

Tháng 5/2012

18.366

376

8.919,88

140,93

1,58

4

Tháng 5/2013

19.772

421

9.837,79

209,90

2,13

 

* Ghi chú:

- Pmax: Công suất cao nhất của hệ thống

- Amax/ngày trong tháng: Sản lượng ngày cao nhất trong tháng

- Atp: Điện thương phẩm

- Tiết kiệm điện %: Tỷ lệ sản lượng điện thương phẩm tiết kiệm điện so với sản lượng điện thương phẩm cùng kỳ năm ngoái.




 


  • 06/07/2013 03:57
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3987


Gửi nhận xét