Tạo nền tảng cho thị trường điện hoàn thiện tại Việt Nam

Sau một năm vận hành chính thức, nhiều chuyên gia và đơn vị đang trực tiếp tham gia trên thị trường phát điện cạnh tranh đều cho rằng, giai đoạn này là nền tảng cần thiết, chuẩn bị cho việc ra đời một thị trường điện hoàn thiện tại Việt Nam sau năm 2020.

GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Giai đoạn “tập dượt” quan trọng

Trên thực tế, sự tham gia của các nhà máy chào giá điện đã làm “khuấy động” tính cạnh tranh của thị trường điện. Nếu so với trước đó, thị trường này cũng đã có tính cạnh tranh, bởi có sự phân định, nhà máy chào giá thấp thì sẽ được huy động trước, còn nhà máy chào giá cao sẽ “xếp hàng đằng sau”. Đó là một điểm mới của thị trường này. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì sau một năm đi vào vận hành chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh vẫn được xem là giai đoạn tập dượt của các nhà máy về thủ tục pháp lý, chào giá, huy động công suất, nên chưa có được tính cạnh tranh như mong muốn.

Muốn hình thành thị trường điện cạnh tranh hoàn thiện, trong đó người mua có thể được lựa chọn người bán điện cho mình thì cần thời gian chuyển đổi từ các cấp độ. Khi chuyển đổi từ cấp độ này sang cấp độ khác có rất nhiều việc phải làm như cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ sở vật chất, kỹ thuật phải được trang bị đầu tư tương ứng, nhất là thiết bị đo đếm, thiết bị thông tin…

Để thị trường điện cạnh tranh vận hành một cách đồng bộ sau năm 2020, các tổng công ty phát điện (EVN GENCO) phải đứng độc lập về tài chính và kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa hay nói cách khác, tiến trình tái cơ cấu ngành Điện cũng phải được thúc đẩy nhanh.

Ông Tống Đức Chính – Phó tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Ninh Bình: Vận hành ổn định và tin cậy

Sau thời gian tham gia thị trường điện phát điện cạnh tranh, Công ty Nhiệt điện Ninh Bình đã duy trì công tác vận hành ổn định, tin cậy với hiệu suất cao. Về cơ bản, doanh số bán điện phụ thuộc vào kết quả chào giá và giá điện theo thị trường phát điện cạnh tranh với tỷ lệ tăng dần từ 5 – 10%. Việc tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp các đơn vị phát điện xây dựng được chiến lược chào giá phù hợp, vừa đảm bảo sản lượng điện theo kế hoạch vận hành, vừa tăng doanh thu bán điện của đơn vị. Công tác chào giá, lập hồ sơ thanh toán đã đi vào nề nếp và khoa học hơn.

Công ty luôn thực hiện tốt việc chào giá ngày theo đúng quy định, đảm bảo việc nhận và gửi bản chào giữa đơn vị phát điện với Công ty Mua bán điện và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0). Hệ thống thu thập số liệu đo đếm vận hành ổn định, đáp ứng đầy đủ số liệu thanh toán. Sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị của EVN, A0 và Công ty Mua bán điện trong quá trình tham gia thị trường điện đang dần dần tạo ra cơ chế giá điện phát điện khách quan và hợp lý.

Tuy nhiên, Công ty Nhiệt điện Ninh Bình có công suất nhỏ (100 MW), sản lượng trung bình năm đạt trên 600 triệu kWh, suất tiêu hao nhiên liệu cao do công nghệ cũ, đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh giá bán điện của Nhà máy khi tham gia thị trường.

Vì vậy, để thị trường điện cạnh tranh có thể phát triển đồng bộ trong tương lai, thiết nghĩ Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần sớm đánh giá ưu, nhược điểm của thị trường phát điện cạnh tranh, đồng thời xem xét những kiến nghị phát sinh của các đơn vị, hướng tới một thị trường điện hoàn thiện thực sự minh bạch và bình đẳng tại Việt Nam.

Ông Trần Văn Khánh – Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Quản lý vận hành hiệu quả các nhà máy thủy điện bậc thang

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý 3 nhà máy thủy điện bậc thang trên sông Srêpôk là Buôn Tua Srah (86 MW), Buôn Kuốp (280 MW) và Srêpôk 3 (220 MW). Trong đó, hồ chứa Buôn Tua Srah là hồ điều tiết năm, các hồ còn lại là hồ điều tiết ngày.

Trong giai đoạn chuẩn bị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, CBCNV Công ty  Thủy điện Buôn Kuốp đã được tham dự các khóa đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, tìm hiểu thông tư, quy định khi tham gia thị trường. Đồng thời, hệ thống công nghệ thông tin cũng được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành thử nghiệm cùng thị trường từ tháng 7/2012.

Với sự chuẩn bị toàn diện đó, mặc dù mới chính thức tham gia thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7/2013, nhưng các nhà máy thủy điện của Công ty đã được huy động hợp lý, việc điều tiết phối hợp các hồ chứa bậc thang đã đạt được kết quả tốt. Ngoài ra, thời điểm bắt đầu tham gia chính thức TTĐ là vào cuối mùa khô, cơ hội gặt hái doanh thu nhờ giá thị trường cao vào mùa khô đã trôi qua, nhưng nhờ khai thác tối ưu đặc điểm và lợi thế của hệ thống thủy điện bậc thang, tính toán hợp lý giá chào trong từng thời điểm, nên các nhà máy thủy điện của Công ty vẫn phát được sản lượng điện cao và đạt được doanh thu khá tốt.

Vì vậy, để các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong thời gian tới được tốt hơn, các đơn vị tham gia thị trường cần tính toán chính xác về chi phí, sản lượng điện sản xuất để có chi phí phù hợp với doanh thu; có bộ phận chuyên trách am hiểu về các quy định của thị trường, theo dõi, cập nhật, tính toán các số liệu dựa trên thông tin hệ thống và những điều kiện cụ thể của đơn vị, từ đó, lập các bản chào giá tốt nhất cho đơn vị mình. Đồng thời, hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường cần không ngừng được nâng cấp, đảm bảo vận hành tin cậy, ổn định. Các cơ quan quản lý cũng tạo điều kiện để các đơn vị bắt đầu tham gia thị trường vào những thời điểm phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 


  • 08/08/2013 08:29
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4830


Gửi nhận xét