Nhà báo thực hiện vai trò giám sát và phản biện với ngành Điện: Sao cho đúng và trúng?

Liệu báo chí đã phản ánh kịp thời, đúng, và trúng về các hoạt động của ngành Điện? Liệu báo chí đã thể hiện được nhiệm vụ “giám sát – phản biện” đối với một lĩnh vực quan trọng như điện lực? Và liệu EVN làm được gì để hỗ trợ báo chí thực hiện các chức năng này?... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nhà báo (NB) Thanh Mai - Báo Hà Nội Mới, NB Đinh Công Thắng – Trưởng ban Kinh tế Báo Lao động, NB Ánh Tuyết – Ban thư ký Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và NB Bùi Thành Công  - Ban Kinh tế Báo Năng lượng mới (Petrotimes) xung quanh vấn đề này.

Cởi mở hơn với báo chí

PV: Theo anh chị, báo chí trong nước đã thể hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội như thế nào đối với ngành Điện Việt Nam và đại diện cụ thể là EVN?

Nhà báo Thanh Mai

 

NB Thanh Mai: Nhiều năm qua, báo chí đã làm tốt việc phản ánh khá trung thực những mặt tích cực và tiêu cực của ngành Điện, trong đó có EVN. Điều này giúp cho ngành Điện gần gũi hơn với khách hàng và ngược lại. Qua sự phản ánh của báo chí, ngành Điện cũng tự nhìn nhận và khắc phục các hạn chế để hoàn thiện mình.

Báo chí cũng tác động tích cực đến việc thúc đẩy ngành Điện thực thi các chính sách của nhà nước khá tốt, rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước được EVN và cộng đồng thực hiện thắng lợi từng bước mà công đầu thuộc về báo chí như: Chính sách giá điện, thị trường điện, điện khí hóa nông thôn,…

 

Nhà báo Đinh Công Thắng

 

 

NB Đinh Công Thắng: Thiên chức giám sát và phản biện, nói theo cách “văn nghệ” của anh em là “soi”.  Báo chí mà không “soi” thì không còn là báo chí đúng nghĩa!

Trong những năm gần đây, chức năng này được thể hiện khá thành công, không chỉ với ngành Điện mà với tất cả các doanh nghiệp khác: Làm tốt thì tuyên dương, làm không tốt thì phê phán. Đó là điều bình thường.

Phản biện của báo chí đối với ngành Điện nói chung, EVN nói riêng đã hội tụ đủ các góc cạnh cần thiết. Với tần suất thông tin cao, đảm bảo độ “nóng”, các hoạt động của ngành Điện nói chung, EVN nói riêng đã được báo chí phản biện khá nhanh chóng và toàn diện.

Nhà báo Ánh Tuyết

 

 

 

NB Ánh Tuyết: Nhìn ở góc độ giám sát và phản biện, thời gian qua, báo chí nước ta đã có những bước tiến vượt bậc. Đối với ngành Điện, cụ thể là EVN, điều này càng được thể hiện rõ nét. Số lượng bài báo viết về EVN ngày càng nhiều, với nội dung phản ánh cũng ngày càng đa dạng và sâu sắc hơn.

Nhà báo Bùi Thành Công

 

 

 

 

 

NB Bùi Thành Công: Những năm gần đây, báo chí đã và đang thể hiện rõ nét hơn chức năng phản biện xã hội của mình đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành Điện. Cụ thể, với EVN - một tập đoàn kinh tế nhà nước lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các tầng lớp xã hội - thì việc báo chí quan tâm, phản ánh với tần suất và số lượng dày đặc là điều dễ hiểu. Nhìn chung, bức tranh toàn cảnh EVN đã được báo chí thể hiện khá toàn diện, kể cả mặt trái.

 

 

PV: Anh chị có nhận xét như thế nào về cách ứng xử của đơn vị ngành Điện trước những phản biện của báo chí?

NB Thanh Mai: Theo quan điểm của tôi, mối quan hệ giữa báo chí và EVN hiện nay đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước. Mối quan hệ này đang trở nên công bằng hơn, tương hỗ, hai chiều với sự tôn trọng, minh bạch, khách quan và được đặt trên nền tảng là lợi ích cộng đồng xã hội.

Các doanh nhân chân chính đều trân trọng và tôn trọng báo chí. Bởi làm kinh doanh, sản xuất vốn đã nhọc nhằn, còn việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp là cả một quá trình và nếu không có sự giúp sức của báo chí, truyền thông thì thành công gần như là không tưởng. Tôi vẫn còn nhớ câu: “Doanh nghiệp nào làm được mà không nói được thì chẳng khác nào cô gái đẹp đứng trong bóng tối”.

Nhận thức đúng điều này, EVN và các đơn vị trực thuộc đã có cách ứng xử tích cực và ngày càng thiện chí, cầu thị hơn trước những phản biện của báo chí – đó là điều đáng mừng.

NB Đinh Công Thắng: Thời gian gần đây, EVN đã thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề mà báo chí phản biện. Doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp thông tin hỗ trợ tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo trước những vấn đề nóng liên quan đến Ngành. Tuy nhiên, tôi cho rằng, EVN vẫn cần phải tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp cung cấp thông tin cho báo giới, đặc biệt là trước những vấn đề/sự kiện quan trọng như tăng giá điện, xảy ra sự cố lớn,…

NB Ánh Tuyết: Tôi cho rằng EVN đã và đang ngày càng thân thiện hơn với báo chí. Trước những phản biện - mà tôi thấy là không ít, EVN đã có những động thái tích cực, chủ động để cung cấp, bổ sung thông tin mà báo chí cần, giải thích những phản biện còn thiếu chính xác,… Điều đó chứng tỏ EVN đang dành sự quan tâm đúng  hướng trong công tác truyền thông – báo chí.

NB Bùi Thành Công: Nếu nói EVN đã hoàn toàn thân thiện với báo chí thì vẫn chưa hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, tôi thấy EVN đã có những ứng xử kịp thời và thiện chí hơn. Theo tôi, đây là vấn đề cần thiết để có thể thiết lập được mối quan hệ gắn bó hơn giữa các doanh nghiệp thuộc EVN với báo giới trên cơ sở 2 bên cùng có lợi: Báo chí có thông tin nhanh chóng, chính xác, còn EVN có kênh thông tin đa chiều, quan trọng để kết nối với cộng đồng, xã hội…

EVN nên tổ chức họp báo rộng rãi, công khai trước những sự kiện nóng, trước những thông tin không chính xác, để các NB  chất vấn, có nguồn tin chính thống - Ảnh:H. Hiếu

PV: Là những người trực tiếp cầm bút, anh chị mong muốn doanh nghiệp ngành Điện ứng xử như thế nào trước những phản biện như vậy?

NB Thanh Mai: EVN cần công khai mọi thông tin liên quan đến các hoạt động của mình (trừ những vấn đề bảo mật do Nhà nước quy định) để khách hàng, cộng đồng biết. Báo chí cần thông tin gì, doanh nghiệp nên cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời. EVN nên có người phát ngôn chính thức để thông tin được rõ ràng, chính xác và kịp thời hơn.

NB Đinh Công Thắng: Thông tin, thông tin và thông tin - Nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời. Đó luôn là điều mà anh em làm báo cần ở ngành Điện. Trước những phản biện của báo chí, dù đúng hay sai, EVN cũng nên và cần đứng ra giải thích, thậm chí là phản biện ngược lại, để báo chí có được nguồn tin chính thống, định hướng cho những thông tin tiếp theo của mình.

NB Ánh Tuyết: Thẳng thắn nhìn nhận, không e dè và không né tránh trước các phản biện của báo chí, tôi nghĩ đó là việc EVN nên làm.

NB Bùi Thành Công: EVN nên cởi mở hơn trong việc thể hiện các quan điểm của mình trước phản biện của báo giới. Thậm chí sẵn sàng đối thoại để đi đến cùng vấn đề với bất kỳ phản biện nào. Tất nhiên để làm được điều này một cách thường xuyên là không dễ. Do đó, EVN cần có đội ngũ quan hệ báo chí chuyên nghiệp và thân thiện, nhiệt tình hơn.

Vì sao thông tin thiếu chính xác?

PV: Bên cạnh những bài viết có tâm,có tầm và thiện chí góp ý, xây dựng thì cũng có không ít những bài viết về các doanh nghiệp ngành Điện còn thiếu khách quan, thiếu thông tin, thậm chí là đưa tin không chính xác. Điều đó đã tạo ra sức ép nặng nề, ảnh hưởng lớn đến uy tín và sự phát triển của doanh nghiệp. Theo ý kiến của anh chị thì nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?

NB Đinh Công Thắng: Trong vô số các bài báo phản biện, có không ít số lượng các bài báo thông tin còn phiến diện, thiếu chính xác, thậm chí là “công kích” một cách thiếu thiện chí. Điều đó không chỉ diễn ra với ngành Điện, mà rất nhiều các lĩnh vực kinh tế khác.

Theo tôi, các nguyên nhân có từ nhiều phía: Bản thân các phóng viên, nhà báo chưa hiểu sâu về lĩnh vực mình viết hoặc có kiến thức nhưng cố tình hiểu khác, hiểu sai do những động cơ riêng,… Cũng có trường hợp do các doanh nghiệp, cụ thể ở đây là ngành Điện, không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin chính thống buộc anh em báo  chí phải khai thác theo các nguồn khác nhau để có thông tin, dẫn tới sai lệch, phiến diện…

NB Ánh Tuyết: Thực trạng các bài báo phản biện, thậm chí là công kích ngành Điện thời gian qua là không ít. Điều này có nhiều nguyên nhân, song dù là do nguyên nhân gì, thì theo tôi, những người làm báo chân chính cũng nên loại bỏ kiểu viết này. Không phải vì ngành Điện hay vì EVN, mà là vì chính uy tín của người cầm bút, uy tín của chính tờ báo mà chúng ta công tác.

NB Bùi Thành Công: Đúng là có hiện tượng nhiều nhà báo không đủ “tâm và tầm”, nên đã phản biện theo kiểu “tát nước theo mưa” để đảm bảo độ “hot” của thông tin một cách tầm thường. Nhiều tờ báo, chủ yếu là báo mạng, đã coi đây như là một tiêu chí câu khách. Đó là điều không thể chấp nhận được, dù là với EVN, hay bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào.

NB Thanh Mai: Có không ít trường hợp báo chí đưa tin không khách quan hoặc mang tính suy diễn, quy chụp, một chiều, thiếu căn cứ, thông tin không đầy đủ, thiếu toàn diện, thiếu sự cân nhắc lợi- hại, đưa đậm các mặt trái, mặt yếu kém,… đã làm tổn hại đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp. Nếu nhìn tổng quan qua số tin, bài hằng ngày về ngành Điện trên báo chí có thể thấy các bài phát hiện, cổ vũ, tôn vinh kịp thời cái hay, cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống của Ngành còn ít.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do thiếu sự trao đổi thông tin giữa hai bên, nhiều vụ việc, EVN chưa chủ động cung cấp thông tin, cơ chế phát ngôn chưa định hình, thống nhất đặc biệt khi EVN gặp khó khăn, sai sót; còn phóng viên chưa am hiểu lĩnh vực chuyên ngành mình viết, thiếu chuyên nghiệp và thiếu cẩn trọng khi đưa tin.

PV: Vậy anh chị có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về việc đứng ở góc độ người làm công tác quản lý, các cơ quan báo chí làm thể nào để “thanh lọc” những nội dung thiếu khách quan, trung thực như vậy?

NB Đinh Công Thắng: Báo Lao Động là một tờ báo “lề phải”, có truyền thống và uy tín, chúng tôi kiên quyết loại bỏ những kiểu thông tin có động cơ xấu, thông tin hời hợt thiếu kiểm chứng… làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Nguyên tắc của chúng tôi là thông tin nhanh nhưng bao giờ cũng có định hướng, được kiểm chứng sát sao về độ tin cậy.

NB Ánh Tuyết: Tôi từng là phóng viên, rồi chuyển qua biên tập, làm trong ban thư ký của 1 tờ báo Đảng, tôi kiên quyết nói “không” với những thông tin phản biện thiếu “tâm và tầm” cần thiết. Nhạy cảm của một người làm báo lâu năm cũng giúp tôi có được sự kiểm chứng cần thiết trước những bài báo phản biện không chuẩn xác.

NB Bùi Thành Công: Tôi nghĩ, ở góc độ những người quản lý báo chí, cần thiết có những biện pháp đủ mạnh để kịp thời thanh lọc các thông tin kiểu này. Vì lợi ích, uy tín của doanh nghiệp, và cũng là vì sự phát triển bền vững của báo chí nói chung.

EVN cần có được đội ngũ làm công tác báo chí, quan hệ cộng đồng thực sự chuyên nghiệp nhằm tư vấn cho lãnh đạo, xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, quan hệ báo chí một cách hiệu quả nhất - Ảnh: H.Hiếu

EVN phải chủ động hơn nữa

PV: Từ phía các doanh nghiệp ngành Điện, họ nên làm gì để “hóa giải” những hiểu lầm như vậy trong tương lai?

NB Đinh Công Thắng: Theo tôi, để có thể hóa giải những hiểu lầm, EVN cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Có thông tin nhanh chóng và thống nhất từ một nguồn sẽ tránh việc các báo khai thác theo các nguồn khác nhau dẫn đến thông tin bị méo mó, sai lệch…

NB Ánh Tuyết: Cởi mở hơn với báo chí, có cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên – tôi nghĩ đó là điều EVN nên làm. Không nên chạy theo sự vụ cụ thể, mà phải làm từ căn bản để ngăn chặn hiểu lầm. Theo tôi đó là điều cần thiết.

NB Bùi Thành Công: EVN nên tổ chức họp báo rộng rãi, công khai trước những sự kiện nóng, trước những thông tin không chính xác, để các NB  chất vấn, có nguồn tin chính thống, tránh việc chạy đua tìm nguồn tin “độc” theo các kênh khác nhau, gây nhiễu thông tin và thậm chí là méo mó, sai lệch….

PV: Theo anh chị, để hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội của mình, điều các doanh nghiệp ngành Điện nên và cần làm là gì?

NB Thanh Mai: Theo tôi, để báo chí và EVN trở thành người bạn đồng hành thân thiết, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện, giữa báo chí và EVN cần phải cởi mở hơn nữa với nhau, đặc biệt là phải tin cậy, tôn trọng nhau vì lợi ích chung của cộng đồng.

EVN cần tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quan hệ cộng đồng kiến thức không chỉ về quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp mà còn phối hợp với các cơ quan báo chí và ngành chức năng định kỳ tổ chức chương trình tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức về quan hệ cộng đồng, củng cố kỹ năng tác nghiệp của cộng tác viên, đồng thời, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp với báo chí.

NB Đinh Công Thắng: Điều quan trọng nhất mà báo chí cần ở EVN là thông tin. Vì vậy, bằng cách nào đó, EVN phải xây dựng được cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí nhanh chóng và tin cậy nhất. Đó là tất cả mấu chốt vấn đề. Còn cách thức cụ thể, tôi nghĩ EVN sẽ có nghiên cứu và xây dựng cho mình, nhưng cần nhanh chóng và kịp thời.

Ví dụ như cơ chế người phát ngôn trong những trường hợp sự cố, sự vụ nóng, EVN cần có người được giao trách nhiệm, sẵn sàng phát ngôn với báo chí. Hoặc giảm thiểu các thủ tục hành chính như công văn, giấy tờ đối với phóng viên, nhà báo khi cần cung cấp thông tin vì báo chí bây giờ cần nhanh và nóng, chờ vài ngày mới có tin thì không còn giá trị nữa. Đây là câu chuyện mà EVN nên xem xét lại một cách toàn diện, nếu muốn trở thành  “người bạn tin cậy” của báo giới.

NB Ánh Tuyết: Doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp ngành Điện nói riêng ở nước ta, hiện vẫn còn khá lúng túng và lạc hậu trong cơ chế cung cấp thông tin, phát ngôn với báo chí. Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi một cách căn bản từ nhận thức của doanh nghiệp.  Thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của mối quan hệ với báo giới để xây dựng được cơ chế cung cấp thông tin báo chí chuyên nghiệp – đó là điều cần thiết, căn bản nhất.

NB Bùi Thành Công: EVN cần có được đội ngũ làm công tác báo chí, quan hệ cộng đồng thực sự chuyên nghiệp. Đội ngũ này có trách nhiệm tư vấn cho lãnh đạo, xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, quan hệ báo chí một cách chuyên nghiệp, hiệu quả nhất. Trên nguyên tắc chung là cởi mở, thân thiện và thẳng thắn, không né tránh trước bất kỳ câu hỏi nào của báo chí. Cung cấp cả thông tin hoạt động thường xuyên và đột xuất, tổ chức họp báo định kỳ và họp báo khẩn khi có sự kiện nóng, sẵn sàng cử người đứng ra trả lời chất vấn của báo chí nhanh chóng… đó là những việc EVN cần làm và phải làm, tôi nghĩ vậy. Không chỉ là để hỗ trợ báo chí tác nghiệp, mà chính là để xây dựng hình ảnh của chính mình với báo chí, cộng đồng xã hội…

NB Thanh Mai: Tôi vẫn còn nhớ câu: “Doanh nghiệp nào làm được mà không nói được thì chẳng khác nào cô gái đẹp đứng trong bóng tối”.

NB Đinh Công Thắng: Báo chí mà không “soi” thì không còn là báo chí đúng nghĩa!

NB Ánh Tuyết: Thẳng thắn nhìn nhận, không e dè và không né tránh trước các phản biện của báo chí, tôi nghĩ đó là việc EVN nên làm.

NB Bùi Thành Công: EVN cần có đội ngũ quan hệ báo chí chuyên nghiệp và thân thiện, nhiệt tình hơn.

 


  • 06/07/2013 10:36
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4536


Gửi nhận xét