Báo chí & Doanh nghiệp: Muốn lợi cả đôi đường

Không có cách nào tốt hơn là hợp tác và chia sẻ để báo chí và các doanh nghiệp ngành Điện cùng đạt được những lợi ích của mình – Chia sẻ của nhà báo và những người làm truyền thông ngành Điện về vấn đề này.

Nguyễn Đắc Cường – Phụ trách tuyên truyền Công ty Thủy điện Sơn La: Chủ động hợp tác với báo chí

Đúc rút từ công việc của mình, tôi xin chia sẻ 4 kinh nghiệm cá nhân trong việc ứng xử với báo chí để đạt được hiệu quả truyền thông tốt nhất:

Một là, luôn có thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, và tinh thần chủ động hợp tác, tạo ấn tượng tốt với các phóng viên, nhà báo ngay từ khi bắt đầu làm việc.

Hai là, tìm hiểu trước nhu cầu thông tin của báo giới để chủ động cung cấp tài liệu.

Ba là, bố trí tối đa thời gian để đưa các phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp ngoài hiện trường để họ có cái nhìn khách quan, trung thực về vấn đề định phản ánh.

Bốn là, luôn sẵn sàng hỗ trợ báo chí về kiến thức chuyên môn, giải thích cho họ hiểu đúng vấn đề, dùng chính xác và giải thích rõ các thuật ngữ chuyên ngành để các bài viết của họ không gây phản cảm đối với bạn đọc.

Trên thực tế, tôi cũng không ít lần lâm vào tình huống rất bi hài đối với báo giới. Có thể vì nhiều lý do mà các phóng viên không gửi lại thông tin để chúng tôi – với vai trò là người làm chuyên môn – hỗ trợ thẩm định lại các thông tin mang tính kỹ thuật, hay các thuật ngữ khó,… Ví dụ, có lần sau chuyến đi thực tế tại Thủy điện Sơn La, tôi nhận được bài báo miêu tả vô cùng phi lý “dòng nước tung bọt trắng xóa qua các cửa xả để phát ra điện”… Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi luôn luôn và sẵn sàng hỗ trợ các phóng viên, nhà báo để họ làm tốt công việc của mình, bởi đó là lợi ích của cả 2 bên.

Tiến sỹ - Nhà báo Vũ Duy Thông: Tại sao không ủng hộ nhau?

Từng có thời, nhà báo và doanh nhân đứng trên 2 thái cực tưởng như đối lập. Nhà báo lên tiếng phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, một trong những cái đích là doanh nhân, những nhà buôn bán… - là những kẻ nhiều tiền, lắm mưu mô, keo kiệt và ít văn hóa. Còn các doanh nhân thường nhìn nhà báo như những kẻ không nên tin cậy, thường moi móc chuyện làm ăn, chuyện riêng tư… nên tốt nhất là không nên tiếp xúc.

Ngày nay, giới doanh nhân đang nổi lên như những người có quyết tâm, có tri thức và có khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước, là tầng lớp đáng kính trọng trong xã hội.

Nhà báo cũng vậy, họ đang trong giai đoạn phân hóa gay gắt, một bộ phận kiếm sống bằng tiền nhờ các tin bài lá cải, bộ phận đông đảo hơn vẫn giữ được sự cao quí của nghề nghiệp, tiếng nói vì dân chủ, công bằng, minh bạch của họ ngày càng có sức nặng đối với bạn đọc.

Ở hai lĩnh vực có thể rất khác nhau, nhưng doanh nhân và nhà báo lại có chung mục đích, đó là cùng phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh và tiến bộ xã hội. Như một lẽ tự nhiên, những người cùng chung một mục đích sẽ gần gũi, thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau.

Các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hay doanh nghiệp tư nhân không thể tồn tại được nếu thiếu thông tin mà các thông tin đó, phần nhiều là được quảng bá trên báo chí. Mỗi buổi sáng, các doanh nhân thường bắt đầu ngày làm việc của mình bằng đọc báo hoặc lướt mạng. Ở đó có các thông tin về giá cả, thị trường, cả kinh nghiệm và bài học trong kinh doanh không thể thiếu được đối với họ. Cũng có thể nói rằng, không thể bán được sản phẩm, tức là không thể kinh doanh được nếu không quảng cáo, mà phần lớn các quảng cáo đều do báo chí thực hiện.

Người ta tính rằng mỗi năm chi phí quảng cáo ở nước ta khoảng 1 tỷ USD, trong đó khoảng 800 triệu USD là thị phần của báo chí.

Ngược lại về phía báo chí, khó có thể tồn tại được trong nền kinh tế hàng hóa này, nếu thiếu vắng những thông tin về doanh nghiệp, hàng hóa, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Người ta nói không quá rằng, phần lớn những thông tin về kinh tế hiện nay là những thông tin bênh vực những lợi ích chính đáng, chia sẻ ngọt bùi với các doanh nghiệp gặp khó khăn đồng thời phát hiện, phê phán đến cùng những hoạt động kinh tế tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, làm hàng nhái, hàng giả… gây thiệt hại cho xã hội.

Một phần lớn khả năng tài chính của các báo cũng là từ quảng cáo. Chính vì thế, khi nền kinh tế chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, hàng trăm nghìn doanh nghiệp lao đao thì cũng là khi không ít cơ quan báo chí gặp khó khăn.

Tuy thế, không phải quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”. Sự nghi kỵ lẫn nhau vẫn chưa hoàn toàn được tháo gỡ, nhiều khi, nhiều lúc còn năng nề hơn. Nguyên nhân đều do những tổ chức, cá nhân xấu ở mỗi phía gây ra. Doanh nghiệp xa lánh, nghi kỵ báo chí vì bị tiết lộ bí mật kinh doanh, bị chọc ngoáy, bị đưa tin sai sự thật, bị vòi vĩnh vật chất. Báo chí dè chừng vì đã từng bị doanh nghiệp lợi dụng trong những phi vụ làm ăn, những âm mưu triệt hạ đối thủ trong cuộc cạnh tranh sống mái.

Thái độ ấy có lợi cho ai? Không ai cả, nếu có chăng chỉ là những kẻ xấu ở mỗi phía. Vậy thì không có lý do gì để không nhích lại gần nhau, để tin tưởng nhau hơn, ủng hộ nhau hơn vì lẽ công bằng, dân chủ, văn minh của xã hội…
 


  • 06/07/2013 04:30
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4051


Gửi nhận xét