Ông Chris King
|
PV: Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng văn hóa an toàn điện hạt nhân từ thời điểm nào, thưa ông?
Ông Chris King: Là một trong những quốc gia có sản lượng điện hạt nhân tương đối lớn và lâu đời trên thế giới, Hoa Kỳ luôn đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu. Đặc biệt, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Three Mile Island (1979), Viện Vận hành Điện hạt nhân Hoa Kỳ (INPO) được thành lập. Với vai trò là cơ quan giám sát an toàn công nghiệp điện hạt nhân Hoa Kỳ, INPO đã xây dựng và ban hành các tiêu chí an toàn điện hạt nhân và yêu cầu các nhà máy điện hạt nhân thành viên phải thực hiện nghiêm túc những tiêu chuẩn đã được ban hành.
Tháng 11/2004, INPO công bố cuốn sách “Các nguyên tắc để có một nền văn hóa an toàn điện hạt nhân”. Theo đó, văn hóa an toàn là các giá trị cốt lõi và thái độ ứng xử được tạo nên từ cam kết tập thể của đội ngũ lãnh đạo và các cá nhân, trong đó nhấn mạnh vai trò của an toàn luôn được xếp hàng đầu trong nhiệm vụ bảo vệ con người và môi trường. Cũng trong năm 2004, Cơ quan pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (NRC) còn ban hành một số văn bản liên quan đến văn hóa an toàn.
PV: Văn bản về văn hóa an toàn điện hạt nhân được ban hành từ 2 cơ quan khác nhau có gây khó khăn cho các nhà máy điện hạt nhân hay không, thưa ông?
Ông Chris King: Rõ ràng là có. Việc cam kết thực hiện văn hóa an toàn điện hạt nhân cực kỳ khó khăn, vì hằng ngày công việc vận hành nhà máy chịu nhiều áp lực về tiến độ, chi phí vận hành, sản lượng... Bên cạnh đó, với văn bản hướng dẫn từ 2 cơ quan khác nhau đã khiến cho các nhà máy điện hạt nhân Hoa Kỳ “bối rối” trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, đến năm 2009, INPO và NRC đã tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều đối tượng thuộc các ngành công nghiệp khác và thống nhất xây dựng chính sách chung về Văn hóa an toàn. 10 đặc điểm mới về văn hóa an toàn được công bố chính thức từ tháng 12/2012. 2 phụ lục đề cập đến tác phong làm việc của lãnh đạo từ cấp cao nhất đến mức thấp nhất với thái độ đúng mực và tài liệu kiểm tra chéo về văn hóa an toàn cũng được ban ban hành từ quý I/2013.
Một nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ - Ảnh minh họa
|
PV: Việc tuyên truyền, phổ biến văn hóa an toàn mới của Hoa Kỳ được tiến hành thế nào, thưa ông?
Ông Chris King: Để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về văn hóa an toàn mới, chúng tôi đã thành lập Trung tâm Chất lượng cao, tập trung tất cả những thông tin về tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, INPO đã xây dựng bộ tranh áp phích lớn, dán tại nhiều nơi công cộng, dễ nhìn của từng nhà máy.
INPO còn gửi áp phích hoặc đưa lên các trang web để các thành viên có thể tải về, in và dán trực tiếp tại đơn vị của mình. Ngoài ra, các nhà máy có thể thay đổi hình ảnh trên áp phích sao cho phù hợp với thực tế của nhà máy đó. INPO cũng khuyến khích in các tài liệu tuyên truyền dán ngay tại bàn họp, để mọi người có thể nhìn thấy và thực hiện bất kỳ lúc nào.
Tháng 7/2013, INPO còn xuất bản cuốn cẩm nang về văn hóa an toàn của Hoa Kỳ. Lượng xuất bản lên tới 120.000 cuốn đã được phát tới 100 nhà máy, đảm bảo tất cả những cán bộ làm việc trong ngành Điện hạt nhân đều có cuốn cẩm nang này, từ đó, luôn ý thức được việc thực hiện văn hóa an toàn. Nói cách khác, văn hóa an toàn điện hạt nhân phải được xuất phát từ đội ngũ lãnh đạo thông qua việc ra quyết định và cách ứng xử trong công việc hằng ngày của mỗi nhân viên.
PV: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để xây dựng được văn hóa an toàn điện hạt nhân?
Ông Chris King: Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị triển khai dự án Điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận. Vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan cần tìm hiểu cụ thể về văn hóa an toàn của IAEA và các quốc gia phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm, Việt Nam cần sớm ban hành chính sách cụ thể về văn hóa an toàn phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Đồng thời, Hoa Kỳ luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam thiết lập một nền văn hóa an toàn, phục vụ cho việc xây dựng và vận hành 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với tiêu chí an toàn là trên hết.
PV: Xin cảm ơn ông!