PV: Đâu là rào cản lớn nhất đối với việc phát triển điện gió tại Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Cường: Hiện nay, tại Việt Nam có 3 dự án điện gió đã được triển khai là: Tuy Phong, Bình Thuận (công suất 30 MW), Bạc Liêu (công suất giai đoạn 1 16 MW) và đảo Phú Quý, Bình Thuận (công suất 6 MW). Tất cả các dự án còn lại vẫn “nằm” trên giấy. Trong khi đó, theo kết quả đánh giá tiềm năng gió của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được xác định là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Thái Lan. Theo WB tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước tính khoảng 513.360 MW.
So sánh công suất thực tế với tiềm năng, dễ dàng nhận thấy, điện gió Việt Nam còn chiếm vị trí quá “khiêm tốn” . Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam theo mức giá 7,8 UScent/kWh. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm mua với giá 6,8 UScent/kWh, Nhà nước hỗ trợ 1,0 UScent/kWh thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư bởi chưa có lãi. Nếu tiếp tục duy trì mức giá này sẽ là rào cản lớn nhất, kìm hãm điện gió Việt Nam phát triển.
PV: Vậy, theo ông giá bán điện gió bao nhiêu là hợp lý?
Ông Nguyễn Đức Cường: Giá bán điện gió ở các nước trong khu vực trung bình hiện nay đều trên 10 UScent/kWh. Riêng tại Thái Lan, giá điện gió được mua khoảng 20 UScent/kWh, trong khi giá bán điện trung bình của hệ thống là 10 UScent/kWh. Trung bình 4 tháng, giá điện gió ở Thái Lan được điều chỉnh 1 lần và phải có hội đồng thẩm định giá, căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất điện gió, từ đó xây dựng giá bán phù hợp.
Song, cần phải nhấn mạnh rằng, giá bán điện gió còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như suất đầu tư, lãi suất vay, kết cấu hạ tầng, tốc độ gió... Do đó, để có một mức giá bán điện gió hợp lý, Nhà nước cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố. Giá bán điện gió quá cao, người dân sẽ khó có khả năng mua được, mặc dù trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và các nguồn hóa thạch cũng đang bị khai thác một cách cạn kiệt. Mặt khác, Nhà nước cũng cần đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư thông qua một lộ trình giá cụ thể, sau khi đưa điện gió tự sản xuất hòa vào lưới điện quốc gia.
PV: Như vậy, đồng nghĩa với việc EVN phải mua điện gió với giá cao và bán với giá thấp?
Ông Nguyễn Đức Cường: Mới đây, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã đề nghị bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá là 12 UScent/kWh trong 10 năm đầu, 10 Uscent/kWh trong 4 năm tiếp theo và các năm sau đó là 6,8 Uscent/kWh. Trong khi đó, mức giá Bộ Công Thương đề nghị tương ứng là 11,5 Uscent/kWh – 9,8 Uscent/kWh – 6,8 Uscent/kWh. Với mức giá này, giá điện gió cao nhất khi mua vào là 2.400 đồng/kWh, cao hơn so với giá bán lẻ điện bình quân lần tăng gần đây nhất (từ ngày 1/8/2013) là 1.508,85 đồng/kWh.
Việt Nam được xác định là quốc gia có tiềm năng gió lớn nhất so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Thái Lan - Ảnh: H.Hiếu
|
PV: Vậy EVN làm cách nào có thể cân bằng được tài chính và liệu người dân có chấp nhận trả giá mua điện cao hay không?
Ông Nguyễn Đức Cường: Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ cho phép ngành Điện được tính toán và chuyển giá mua điện từ các nguồn điện gió vào giá bán điện chung. Để dư luận hiểu được thực tế này, EVN cần phải thông báo rõ, sẵn sàng mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đa dạng hóa nguồn điện. Mặc dù các công trình điện tái tạo thường có quy mô nhỏ, phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ nên sản lượng thấp, nhưng đây là nguồn năng lượng xanh và sạch, góp phần hạn chế vào nhập khẩu than và giảm phát thải khí nhà kính… Tất cả những vấn đề đó rất cần các cơ quan liên quan và EVN thẳng thắn chia sẻ thì mới nhận được sự đồng thuận của người dân.
PV: Có ý kiến cho rằng, hợp tác công – tư sẽ tạo điều kiện cho điện gió Việt Nam “cất cánh”, quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Cường: Hợp tác công – tư (PPP) là thỏa thuận giữa Nhà nước (cơ quan nhà nước) và một hoặc nhiều đối tác tư nhân, trong đó đối tác tư nhân cung cấp tài sản hạ tầng và dịch vụ công phù hợp với mục tiêu của Nhà nước và mục tiêu lợi nhuận của đối tác tư nhân. Mô hình PPP đã được nhiều quốc gia áp dụng trong quá trình phát triển hạ tầng, trong có có ngành năng lượng xanh.
Tuy nhiên, đối với các dự án điện gió tại Việt Nam, không thể áp dụng mô hình này. Trong khi suất đầu tư điện gió khá cao, giá bán ra lại quá thấp, cả công – tư đều không thể bỏ tiền ra để đầu tư mà không nhìn thấy hiệu quả!. Do đó, chúng ta không thể áp dụng một cách máy móc mô hình phát triển điện gió của các nước trên thế giới. Thay vào đó, chúng ta cần nhìn thẳng và thực tại của Việt Nam, khó ở khâu nào gỡ khâu đó thì điện gió mới có cơ hội để “cất cánh”.
PV: Xin cảm ơn ông!