Năm thách thức - 2014

Năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu tái cơ cấu, đồng thời đặc biệt tập trung vào chủ đề chính của năm là "Tối ưu hóa chi phí và điện cho miền Nam". Tuy nhiên, cụ thể hóa được những mục tiêu này, trong bối cảnh vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn, là thách thức lớn đối với EVN cũng như các đơn vị trực thuộc.

Ông Lê Văn Phước - Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC): Tiếp tục phát huy thành quả của "Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng"

Với "Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng 2013", EVN HCMC có thể tự hào là một trong những đơn vị cán đích thành công với  các chỉ tiêu cơ bản về điện thương phẩm, tiết kiệm điện, hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/GDP… EVN HCMC cũng là đơn vị đi đầu trong việc đa dạng hóa các kênh chăm sóc khách hàng, triển khai hóa đơn điện tử, nâng cao chất lượng cung ứng điện... tạo được những dấu ấn đặc biệt trong năm 2013, nâng số điểm hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện đạt  8/10 điểm. Đây sẽ là những thành quả  quan trọng, làm nền tảng và động lực cho ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy trong năm 2014, hoàn thành các nhiệm vụ mới nặng nề hơn và cũng nhiều khó khăn hơn...

Đối với chủ đề của năm 2014 mà EVN đề ra là "Tối ưu hóa chi phí và điện cho miền Nam", EVN HCMC có một lợi thế: Từ năm 2011, Tổng công ty đã ban hành Chương trình hành động về thực hành và tiết kiệm chi phí giai đoạn 2011 - 2015, với bộ quy chế cụ thể gồm 15 quy định, 11 cẩm nang... Từ tiết kiệm đến "tối ưu hóa chi phí" là một bước chuyển mới. Vì vậy, ngay sau khi Tập đoàn đưa ra chủ đề của năm 2014, EVN HCMC đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động với 4 mục tiêu, 4 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp để nhanh chóng triển khai.

EVN HCMC hy vọng và tin tưởng với những giải pháp linh hoạt, chủ động, chúng tôi sẽ vượt qua các thách thức của năm 2014 một cách thành công.

Ông Ngô Việt Hải – Tổng giám đốc, Tổng công ty Phát điện 2 (EVN GENCO2): Đảm bảo nguồn vốn phục vụ đầu tư xây dựng các công trình

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2013, các tổng công ty phát điện trong đó có EVN GENCO 2 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn cho các

dự án đầu tư. Trong năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã huy động được nguồn vốn đầu tư tương đối lớn nên đã hỗ trợ tích cực cho các tổng công ty phát điện.

Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy phát điện, phục vụ an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, đồng thời thực hiện chủ trương cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện, thách thức lớn nhất đối với EVN GENCO 2 chính là cân đối nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư cho các nhà máy điện. Do đó, trong năm 2014, để đảm bảo đủ vốn phục vụ đầu tư xây dựng các công trình, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, EVN GENCO 2 sẽ kiểm soát chặt chi phí ngay từ khâu chuẩn bị, lập dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt; chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, phương án lựa chọn công nghệ, mua sắm thiết bị và lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh tiến độ để các dự án sớm đưa vào hoạt động..

 

 

 

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT): Gỡ "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng

Đối với EVN NPT, để đảm bảo điện cho miền Nam trong bối cảnh các dự án nguồn mới chưa kịp đưa vào vận hành thì nhiệm vụ truyền tải điện trên hệ thống 500 kV Bắc - Nam hết sức nặng nề. Điều này đòi hỏi EVN NPT phải tập trung cải tạo, nâng cấp các đường dây và trạm hiện có, đảm bảo tiến độ các dự án triển khai mới. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng vẫn luôn là một "nút thắt" khó gỡ. Có thể khẳng định, nếu chỉ một mình ngành Điện thì "nút thắt" này không bao giờ giải quyết được. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp trong việc giải phóng mặt bằng cho các dự án truyền tải điện, đặc biệt là các dự án cấp bách cấp điện cho miền Nam trong năm 2014.

 


  • 04/04/2014 03:45
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4202


Gửi nhận xét