Thu xếp vốn cho các dự án điện: “Mỗi dự án đều là thách thức lớn!”

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thu xếp vốn cho các dự án điện luôn là thách thức đối với Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance). Ông Hoàng Văn Ninh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty đã chia sẻ với phóng viên xoay quanh vấn đề này.

PV: Nhìn lại năm 2013, thu xếp vốn cho các dự án điện của EVN đã đạt được những kết quả khả quan trong đó có vai trò không nhỏ của EVNFinance, ông đánh giá thế nào về những thành công đó, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Ninh: Với những giải pháp đồng bộ, năm 2013, EVN và các đơn vị thành viên đã thu xếp thành công và ký được hợp đồng vay khoảng 58.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn nước ngoài đã ký kết đạt 1,16 tỷ USD (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế đa phương và song phương).

Ông Hoàng Văn Ninh

Trong đó, với chức năng là cơ quan tìm nguồn và quản trị vốn, EVNFinance đã hỗ trợ thu xếp thành công 200 triệu USD cho Dự án lưới truyển tải của NPT (từ nguồn NEXI), 6.000 tỷ đồng cho Dự án Thủy điện Lai Châu (từ nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Bên cạnh đó, EVNFinance cũng thu xếp vốn cho một số dự án do các công ty cổ phần quản lý như 64,2 triệu USD cho Dự án Thủy điện Srepok 4A của CTCP Thủy điện Buôn Đôn; 300 tỷ đồng cho Dự án Thủy điện Khe Bố của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (từ nguồn Vietinbank). Dự án Nhà máy Điện gió Phú Lạc 1 của CTCP Phong điện Thuận Bình cũng được bổ sung thêm nguồn vốn 35 triệu EUR (từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức)…

Đây là nỗ lực lớn của EVN nói chung và EVNFinance nói riêng. Việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các dự án điện đã góp phần đảm bảo từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, lành mạnh hóa hệ thống tài chính doanh nghiệp cũng như đảm bảo điện cho phát triển kinh tế đất nước của EVN.

PV: Dự kiến trong năm 2013, EVN sẽ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được triển khai, với vai trò là cơ quan tư vấn phát hành, ông có thể chia sẻ đôi điều về kế hoạch phát hành này?

Ông Hoàng Văn Ninh: Hơn 5 năm kể từ khi thành lập, EVNFinance đã tư vấn phát hành thành công 9.000 tỷ đồng trái phiếu cho EVN, góp phần thu xếp vốn và đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các dự án điện.

Tiếp tục được EVN tin tưởng, EVNFinance đã hoàn thành nhiệm vụ tư vấn và hoàn thiện hồ sơ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu thương mại, được Bộ Công Thương cấp giấy phép từ tháng 10/2013. Tuy nhiên, qua đánh giá nhu cầu sử dụng vốn đầu tư, trước mắt EVN đã quyết định tạm thời hoãn thời điểm phát hành trái phiếu, sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực tài chính khác cho các dự án điện. Dự kiến trong năm 2014, EVNFinance sẽ tiếp tục đánh giá lại giá trị trái phiếu dự kiến sẽ phát hành, sao cho việc sử dụng vốn trái phiếu đạt hiệu quả cao nhất.

PV: Dự báo, từ nay đến năm 2015, trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng trên 5 tỷ USD vốn đầu tư cho các dự án điện. Vậy, EVNFinance sẽ triển khai việc thu xếp vốn ra sao để hỗ trợ tốt nhất cho EVN?

Ông Hoàng Văn Ninh: Thu xếp vốn cho mỗi dự án điện là một thách thức lớn đối với EVNFinance. Tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế đang có nhiều biến động, nợ xấu khó kiểm soát, chính sách thắt chặt tín dụng của các tổ chức tài chính, dòng vốn huy động từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh nên chưa tạo được sức “hút” đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho các dự án điện lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên tính hấp dẫn chưa cao. Nhiệm vụ đầu tư phát triển các dự án điện phần lớn vẫn do EVN và các đơn vị thành viên chịu trách nhiệm. Trong khi đó, vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng 20 – 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay. Cần phải nhấn mạnh thêm, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay đều đã vượt quá hạn mức tín dụng đối với một khách hàng, vì vậy mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hướng  giải quyết của EVNFinance cho các dự án điện trong thời gian qua và những năm sắp tới vẫn tập trung vào các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế như JICA, WB, KfW, ADB. Ngoài ra còn có một số dự án phải thu xếp bằng tín dụng nhập khẩu thông qua hình thức tổng thầu EPC.

Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, qua đó gia tăng tính hấp dẫn trong đầu tư vào lĩnh vực điện lực cũng như EVN đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đó là tiền đề cơ bản giúp EVNFinance tích cực giải quyết bài toán thu xếp vốn cho các dự án điện trong thời gian tới.

PV: Được biết, EVNFinance còn có nhiệm vụ quản lý và ủy thác vốn cho một số dự án điện. Vậy, hoạt động này đã phát huy hiệu quả như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Ninh: Hiện nay, EVNFinance đang quản lý cho vay lại nguồn vốn vay của các dự án điện như: Thủy điện Trung Sơn, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Điện Gió Phú Lạc – giai đoạn 1, Chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện – giai đoạn 2 (DPL 2) của Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình đầu tư lưới điện truyền tải – khoản vay 1 của ADB…  với tổng giá trị danh mục quản lý tương đương 5 tỷ USD.

Ngoài ra, đối với các tổng công ty điện lực, EVNFinance cũng thực hiện các dịch vụ tài chính về quản lý vốn, chu chuyển để hợp lý hóa trong thanh toán vốn, dịch vụ về tư vấn CDM, các dự án phát điện sạch… Trong thời gian tới, dự kiến EVNFinance tham gia quản lý ủy thác, kiểm soát chi cho Dự án Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng, quản lý Dự án Hiệu quả Lưới điện truyền tải (TEP) trị giá 500 triệu USD… Việc quản lý cho vay lại nguồn vốn một cách hợp lý đã tạo điều kiện cho các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm được triển khai thuận lợi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải:

Không được để thiếu vốn cho các dự án truyền tải điện

Sau 6 năm chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tình hình tài chính của Việt Nam trong năm 2013 đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Đây cũng là năm đầu tiên, tổng giá trị đầu tư xây dựng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt trên 100.000 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy hiệu quả trên, đồng thời tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành tìm kiếm cơ hội đầu tư xã hội vào ngành của mình. Ngành nào ít dùng vốn nhà nước nhất là ngành hoạt động hiệu quả vì tạo được cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội tham gia.

Đối với các dự án điện, EVN và các đơn vị thành viên phải tập trung thu xếp và ưu tiên đủ vốn cho các dự án truyền tải điện, bởi đầu tư cho lưới điện truyền tải khó hơn nhiều so với các nhà máy điện. Đặc biệt là không được để thiếu vốn cho các dự án truyền tải điện.

(Trích phát biểu của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của EVN)

 


  • 10/04/2014 04:21
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4494


Gửi nhận xét